Giá các sản phẩm chăn nuôi chủ lực (heo, gà, cá) xuống chạm đáy trong 8 tháng liền không chỉ làm người chăn nuôi thua lỗ nặng mà còn khiến các đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi trong tỉnh phải ôm một khoản nợ lớn khó đòi.
Giá các sản phẩm chăn nuôi chủ lực (heo, gà, cá) xuống chạm đáy trong 8 tháng liền không chỉ làm người chăn nuôi thua lỗ nặng mà còn khiến các đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi trong tỉnh phải ôm một khoản nợ lớn khó đòi. Những đại lý còn hoạt động hiện cũng phải gồng mình để tồn tại.
Đại lý thức ăn chăn nuôi Cao Minh ở ấp Cẩm Đường (xã Cẩm Đường, huyện Long Thành) hiện không dám bán nợ cho người chăn nuôi nữa vì số nợ khó đòi đã lên đến gần 20 tỷ đồng. |
Theo Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn), cuối năm 2016 trên địa bàn tỉnh có khoảng 400 đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi cho heo, gà, cá...
Nợ lớn khó đòi
Khảo sát tại nhiều đại lý bán thức ăn chăn nuôi tại các huyện: Long Thành, Thống Nhất, Xuân Lộc, Trảng Bom, Định Quán, cho thấy một thực tế là đại lý càng lớn thì nợ càng nhiều và rất khó đòi. Vốn đọng lại trong dân không lấy được, trong khi thức ăn chăn nuôi mua từ các công ty sản xuất thì thường phải thanh toán ngay khi nhận hàng nên nhiều đại lý rơi vào cảnh nợ nần. Do phải vay vốn để tiếp tục kinh doanh, một số đại lý đành phải khoanh nợ và không bán chịu thức ăn chăn nuôi nữa.
Bà Lê Thị Sen, chủ đại lý thức ăn chăn nuôi Cao Minh (ở ấp Cẩm Đường, xã Cẩm Đường, huyện Long Thành), chia sẻ: “Trước đây giá heo, gà, cá có giảm nhưng chỉ trong thời gian ngắn là hồi phục nên người chăn nuôi chỉ mua cám nợ lại sau 2-4 tháng là thanh toán. Song năm nay giá heo, gà, cá giảm sâu trong một thời gian dài, nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ nặng, không trả nổi tiền cám khiến đại lý cũng khốn đốn. Hiện số tiền các hộ chăn nuôi nợ tôi là gần 20 tỷ đồng”. Theo bà Sen, số nợ kia chưa biết đến khi nào mới đòi được vì nhiều người chăn nuôi đã trắng tay. Để tiếp tục kinh doanh, bà Sen đành phải vay vốn ngân hàng, vay vốn lãi suất cao bên ngoài để mua hàng và không dám bán chịu nữa.
Đại lý cám của ông Phạm Quốc Tuấn (ở ấp Bạch Lâm, xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất) mỗi tháng bán ra thị trường 1,1-1,2 ngàn tấn thức ăn chăn nuôi, cũng đang rơi vào tình cảnh khó khăn lớn vì 80% vốn kinh doanh đang bị các trại nuôi heo nợ gối đầu chưa thanh toán. “Tiền thức ăn chăn nuôi các trang trại trong vùng nợ tôi hiện lên đến trên 40 tỷ đồng và chưa biết khi nào họ mới trả được. Do đó, sau 4 tháng gồng mình bán chịu cho người chăn nuôi tôi đã phải ngưng để khoanh nợ. Hiện trại nào có tiền mặt thanh toán ngay thì tôi mới dám bán hàng” - ông Tuấn cho biết.
Thực tế, lâu nay cách kinh doanh giữa các đại lý thức ăn chăn nuôi và nông dân là đại lý cho nông dân mua hàng chịu, gối đầu đến khi bán được sản phẩm thì thanh toán một lần. Các đại lý thức ăn chăn nuôi tương tự như một “nhà đầu tư” với số vốn lưu động tương đối lớn. Do cách kinh doanh này mà hiện tại, đại lý nhỏ hiện phải gồng gánh các khoản nợ khoảng vài tỷ đồng, còn đại lý lớn từ vài chục đến cả trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, nguyên nhân không phải người chăn nuôi cố tình không chịu trả mà do bản thân họ cũng thua lỗ lớn nên rơi vào cảnh “lực bất tòng tâm”, không còn khả năng trả nợ.
Nhiều đại lý đóng cửa
Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, hiện nay nhiều đại lý thức ăn chăn nuôi trong tỉnh đã tạm ngừng hoạt động vì không còn vốn để duy trì kinh doanh. Thời gian nợ thông thường của các hộ chăn nuôi với đại lý thường chỉ kéo dài khoảng từ 2-4 tháng là thanh toán, nhưng năm nay nông dân nợ kéo dài 7-8 tháng khiến nguồn vốn kinh doanh của các đại lý bị thâm hụt nặng, không còn để quay vòng. Những đại lý còn duy trì hoạt động hầu như đều phải gánh thêm một khoản vay mới từ ngân hàng.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết: “Giá heo hơi các trại bán ra thời điểm này dao động ở mức 23-26 ngàn đồng/kg, gà trắng có giá hơn 20 ngàn đồng/kg. Cả 2 loại đều dưới giá thành hơn 10 ngàn đồng/kg. Tình trạng này đã kéo dài khoảng 8 tháng khiến các chủ trang trại và đại lý thức ăn chăn nuôi đang rơi vào nguy cơ phá sản hàng loạt”.
Các đại lý thức ăn chăn nuôi đã đóng cửa đa phần là đại lý nhỏ, vốn đầu tư ít, chủ yếu vay ngân hàng để kinh doanh nên trong thời gian từ 4-5 tháng không thu hồi được các khoản bán nợ thì không thể tiếp tục duy trì hoạt động. Ngưng hoạt động nhưng nhiều đại lý rơi vào tình trạng phá sản mất hết nhà cửa, đất đai vì tất cả đều thế chấp ngân hàng để vay vốn. Nếu giá heo, gà, cá tiếp tục giảm sâu trong một thời gian dài nữa thì nguy cơ lớn là cả người chăn nuôi lẫn các đại lý thức ăn chăn nuôi đều sẽ rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất.
Theo các đại lý còn hoạt động, lượng thức ăn chăn nuôi bán ra hiện đã giảm khoảng 20-30% so với dịp đầu năm. Nhiều trang trại không mua chịu được thức ăn chăn nuôi đành bán đổ, bán tháo đàn heo khiến lượng heo đưa ra thị trường khá lớn, dẫn đến cung vượt cầu và giá vẫn rất thấp.
Hương Giang