Đồng Nai xếp thứ 5 cả nước về kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, hàng năm số nợ các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trong tỉnh không đòi được của đối tác nước ngoài lên đến vài trăm triệu USD.
Đồng Nai xếp thứ 5 cả nước về kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, hàng năm số nợ các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trong tỉnh không đòi được của đối tác nước ngoài lên đến vài trăm triệu USD.
Sản xuất quần áo xuất khẩu tại Công ty cổ phần Đồng Tiến (TP.Biên Hòa). |
Theo Sở Công thương, hiện DN có hoạt động xuất nhập khẩu của Đồng Nai giao thương với khoảng 160 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Bên cạnh những thuận lợi, điều này đi kèm với nhiều rủi ro trong giao dịch, đặc biệt nếu không nắm rõ các quy định của nước sở tại và khách hàng mình ký kết.
* Những sơ hở giá hàng triệu USD
Đồng Nai hiện có hơn 3,4 ngàn DN có tham gia xuất nhập khẩu, trong đó đa số là DN vừa và nhỏ. Việc mở rộng thị trường sang nhiều nước cũng tiềm ẩn thêm những rủi ro nếu trước khi ký hợp đồng, DN không tìm hiểu rõ những quy định về mặt hàng sẽ xuất, nhập khẩu, cũng như thực lực, uy tín của DN đối tác trên thị trường. Biết rõ đối tác, trong soạn thảo hợp đồng nên đưa cụ thể, rõ ràng các điều khoản để khi xảy ra tranh chấp có thể đàm phán lại hoặc giải quyết tại nơi nào có lợi nhất cho DN Việt.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm thông tin thương mại chi nhánh Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh, cho hay: “Mỗi năm, DN xuất nhập khẩu Việt Nam mất cả tỷ USD vì không đòi được nợ từ nước ngoài. Có những DN Việt mất từ vài triệu đến hàng chục triệu USD vì trước khi ký kết hợp đồng không tìm hiểu kỹ khách hàng nên bị lừa đảo. Ngoài ra, trong hợp đồng không soạn thảo đầy đủ, rõ ràng các điều khoản ràng buộc nên bị khách hàng lợi dụng chây ỳ không thanh toán”. Vì thế, theo ông Bình, lường trước được các rủi ro DN Việt sẽ tránh được nhiều thiệt hại có thể xảy ra.
Bà Nguyễn Thị Minh Huệ, đại diện Công ty TNHH Gỗ Sạch (TP.Biên Hòa), chia sẻ: “Công ty từng gặp những trường hợp khách hàng nước ngoài nhận hàng chậm và dây dưa không chịu thanh toán, gây khó khăn rất lớn cho DN trong vốn quay vòng sản xuất. Do đó để bớt rủi ro, công ty chọn lựa kỹ khách hàng trước khi ký kết hợp đồng và ưu tiên cho những đối tác có uy tín”.
Bà Nguyễn Thị Minh Hằng, Trưởng khoa Luật của Trường đại học ngoại thương, nhấn mạnh: “Trong các giao dịch với đối tác nước ngoài, DN Việt nên thận trọng tìm hiểu đối tác qua internet, Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam, thương vụ Việt Nam tại nước đó. Đôi khi với những hợp đồng lớn, DN cần chi một khoản tiền để mua thêm các thông tin sâu về đối tác. Đặc biệt, khi ký hợp đồng xuất khẩu DN Việt nên dành quyền thuê tàu để ít bị động”.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, ở những nước mà thủ tục thành lập DN dễ thì hay xảy ra lừa đảo trong thương mại hơn. Hiện nay, trong giao dịch hầu hết các đối tác thường dùng email để trao đổi công việc cho thuận lợi, nhưng khi thanh toán nên trao đổi trực tiếp để tránh bị hacker xâm nhập đánh cắp thông tin và cho một tài khoản khác để chuyển tiền sẽ khiến cả 2 bên cùng bị thiệt hại.
* Có hệ thống quản lý rủi ro
Theo ông Christopher McNabb, Giám đốc Assurance Global tại Việt Nam (tập đoàn của Mỹ chuyên thu hồi nợ nước ngoài), các DN Việt hoạt động xuất khẩu đang bị các khách hàng nước ngoài nợ khoảng 7,5-15 tỷ USD. Những khoản thu trễ làm mất doanh thu, giảm tín dụng, giảm lợi nhuận... vì thế các DN Việt nên có hệ thống quản lý rủi ro.
“Nhà xuất khẩu nên có quy trình cụ thể để phòng tránh nợ, gian lận và giảm thu. Có hệ thống quản lý rủi ro sẽ dễ dàng kiểm tra tín dụng, thẩm định đối tác, xem xét các điều khoản thanh toán, hợp đồng, hóa đơn, xác minh văn bản giao dịch, xác định các khoản thu trễ hạn phân loại để có giải pháp thu hồi thích hợp” - ông Christopher McNabb nói.
Từ thống kê, phân loại của Assurance Global thì Trung Quốc là quốc gia khi giao dịch xuất nhập khẩu có mức độ rủi ro cao nhất, nên DN Việt cần cẩn trọng trong ký kết làm ăn.
Ông Lê Xuân Tân, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH gỗ Hạnh Phúc (TP.Biên Hòa), chia sẻ: “Các hợp đồng xuất khẩu hàng hóa cho nước ngoài thường sau 30 ngày gửi hàng mới nhận được thanh toán nên rủi ro rất lớn. Với những đơn hàng lớn, công ty sang tận nơi xác nhận và có luật sư hỗ trợ trong soạn thảo hợp đồng, nhưng vẫn gặp những rủi ro khó thu hồi nợ. Vì thế, khi chọn khách hàng xuất khẩu công ty phải rất thận trọng và ưu tiên cho những khách hàng uy tín dù lợi nhuận không cao”.
Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Trí Phương nhận định: “DN Việt thường gặp phải rủi ro khó thu hồi nợ nước ngoài là do thiếu thông tin về đối tác dẫn đến bị động khi đối phó những tình huống bất lợi xảy ra”.
Hương Giang