Kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh của Đồng Nai năm 2016 vị trí thấp trong 8 tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ. Điều này cho thấy, Đồng Nai đang chậm chân trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh (PCI) của Đồng Nai năm 2016 vị trí thấp trong 8 tỉnh, thành thuộc khu vực Đông Nam bộ. Điều này cho thấy, Đồng Nai đang chậm chân trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Đại diện một doanh nghiêp̣ ở Đồng Nai trao đổi buôn bán với các công ty nước ngoài. |
Mục tiêu Đồng Nai từng đặt ra là năm 2016 PCI của tỉnh sẽ vươn lên nằm trong tốp 30 tỉnh, thành cả nước. Thế nhưng kết quả không như kỳ vọng, Đồng Nai chỉ tăng được 3 hạng và xếp vị trí thứ 34, sau cả Bình Thuận, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương. Trong đó, 3/10 chỉ số PCI giảm điểm (bị đánh giá kém đi) là: chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và thiết chế pháp lý.
* “Đi sớm về trễ”
Rất nhiều chuyên gia kinh tế khi đánh giá về Đồng Nai đều nhận định, đây là cái nôi phát triển công nghiệp đầu tiên của cả nước. Giai đoạn đầu, Đồng Nai phát triển khá nhanh và tốt, nhưng sau đó chậm lại dần và đã khiến những tỉnh, thành đi sau tăng tốc vượt qua ngày một xa. Điều đó được thể hiện qua chỉ số PCI của tỉnh năm 2016 có tăng nhưng lại không thể bứt phá được như các tỉnh: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đại diện một doanh nghiệp ở Đồng Nai trao đổi buôn bán với các công ty nước ngoài. |
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết: “PCI đo lường chất lượng thực tế của điều hành kinh tế địa phương. Đồng Nai có cơ sở hạ tầng ở nhóm tốt nhất cả nước, song chất lượng các dịch vụ công chưa đồng đều. Những doanh nghiệp nhỏ vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận tài liệu pháp lý, quy hoạch, nhiều doanh nghiệp phải nhờ đến các mối quan hệ riêng để tiếp cận thông tin”. Cũng theo ông Tuấn, nhiều doanh nghiệp đánh giá chất lượng đường bộ của Đồng Nai ngày càng kém, tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra vào giờ cao điểm ở nhiều tuyến đường trục chính.
Ngoài ra, thời gian giải quyết các tranh chấp cho doanh nghiệp quá dài và 41% doanh nghiệp được điều tra tỏ ra e ngại tình trạng “chạy án”. Vì thế, chỉ có 36% doanh nghiệp được hỏi cho biết sẵn sàng “cầu viện” đến tòa án nếu tranh chấp xảy ra. Doanh nghiệp còn bị kiểm tra nhiều và nhiều cuộc kiểm tra trùng lặp gây mất thời gian. Có 47% doanh nghiệp nước ngoài tại Đồng Nai tham gia trả lời điều tra chỉ số PCI năm 2016, cho biết quá trình kiểm tra thường bị đòi hỏi... tiền “bồi dưỡng”. Doanh nghiệp nhỏ hiện tiếp cận vốn từ ngân hàng rất khó khăn, nên nhiều doanh nghiệp phải vay vốn từ các nguồn tín dụng không chính thức.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh thẳng thắn: “So với các tỉnh, thành lân cận, như: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh, chỉ số PCI của tỉnh ở mức thấp hơn nhiều. Do đó, các sở, ngành phải xem xét lại, có biện pháp cải cách để nâng chỉ số cạnh tranh lên, đặc biệt những lĩnh vực còn bị đánh giá thấp”.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp phản ánh họ gặp khó khăn về giao thông đường bộ, bị kẹt xe trong giờ cao điểm, thường xuyên bị cảnh sát giao thông kiểm tra, xử phạt khi vận chuyển hàng hóa và di chuyển.
* Cần nhanh chóng cải thiện
Trong 10 năm kể từ khi VCCI đưa ra kết quả nghiên cứu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (từ năm 2007 đến nay), Đồng Nai đã trải qua nhiều lần “phập phù” về thứ hạng. Cụ thể, thứ hạng của Đồng Nai so với các địa phương trong cả nước lần lượt 10 năm qua là: 62, 15, 18, 25, 9, 9, 40, 42, 37, 34. Đáng chú ý là một số các chỉ số có tính quan trọng lại đang bị giảm điểm, như: tiếp cận đất đai giảm từ 6,61 điểm xuống còn 5,53 điểm; chi phí không chính thức giảm từ 6,65 điểm xuống chỉ còn 4,93 điểm; tính năng động giảm từ 6,03 điểm xuống chỉ còn 4,19 điểm… Mặc dù đưa ra nhiều lý giải, song việc Đồng Nai thua kém thứ bậc nhiều trong bảng tổng sắp PCI so với các tỉnh, thành trong vùng (Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh) và những địa phương được xếp vào dạng năng động khác trong cả nước, như: Hà Nội, Đà Nẵng... đòi hỏi một cái nhìn khách quan và những giải pháp căn cơ để giải quyết. Bởi dù muốn dù không, PCI đã và đang là một chỉ số quan trọng bậc nhất mà các nhà đầu tư nước ngoài tham khảo khi có ý định đầu tư vào địa phương nào đó, đặc biệt với nhóm các nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ, châu Âu - những nhà đầu tư mà tỉnh đang muốn thu hút. Vi Lâm |
Theo Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam, cải thiện chỉ số PCI sẽ giúp địa phương tăng cường thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Cụ thể, tăng 1 điểm trong chỉ số PCI sẽ giúp tăng tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới lên 2,7%. Cải thiện chất lượng điều hành cũng có tác động trong dài hạn. Ngoài ra, 1 điểm về cải thiện về chỉ số tiếp cận đất đai hoặc cạnh tranh bình đẳng có thể giúp tăng thêm 15% số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 10 năm.
Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam, cho biết: “Muốn cải thiện chỉ số PCI để tăng thu hút đầu tư, tỉnh cần xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng cho mọi thành phần doanh nghiệp, như: tiếp cận thông tin, các chính sách hỗ trợ, tiếp cận đất đai..., có giải pháp phù hợp với nhóm doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; giảm gánh nặng cho doanh nghiệp về thanh tra, kiểm tra”. Ngoài ra, tăng hiệu quả cải cách hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, thuế, đất đai, bảo hiểm xã hội, giao thông, xây dựng. Nâng cao chất lượng nguồn lao động, các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, thường xuyên gặp gỡ trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp theo từng lĩnh vực, phát huy vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải chủ động nắm bắt thông tin chính sách, tìm hiểu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, liên doanh liên kết lại với nhau để tăng sức cạnh tranh. Khi gặp khó khăn, cần phản ánh kịp thời lên cơ quan nhà nước; tham gia đóng góp xây dựng chính sách, pháp luật tại địa phương.
Hương Giang