Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được gấp rút lấy ý kiến để ban soạn thảo hoàn tất trình Quốc hội thông qua vào tháng 5-2017. Tuy nhiên, đến nay dự thảo luật này còn nhiều điều chưa rõ ràng và khá chung chung. Không chỉ vậy, ngay tên của luật cũng đang là điều mà nhiều chuyên gia cho rằng cần xem xét lại.
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được gấp rút lấy ý kiến để ban soạn thảo hoàn tất trình Quốc hội thông qua vào tháng 5-2017. Tuy nhiên, đến nay dự thảo luật này còn nhiều điều chưa rõ ràng và khá chung chung. Không chỉ vậy, ngay tên của luật cũng đang là điều mà nhiều chuyên gia cho rằng cần xem xét lại.
Công ty TNHH Penflex Việt Nam (Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom) giới thiệu sản phẩm tại hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp Hoa Kỳ. |
Cả nước hiện có khoảng 500 ngàn DN, trong đó DN nhỏ và vừa chiếm hơn 97% (trong đó chỉ có gần 2% là doanh nghiệp vừa). Các DN nhỏ luôn yếu thế trong cuộc cạnh tranh rất cần sự hỗ trợ để vươn lên.
* Luật Hỗ trợ hay phát triển?
Ông Đặng Văn Điềm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai: “Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tôi thấy cần phải cụ thể thì mới thực hiện được. Luật cứ chung chung thì rất khó, ví dụ như vay vốn các ngân hàng sẽ không giải quyết được, như vậy DN vẫn không thể tiếp cận được nguồn vốn so với nhu cầu. Ngay cả lãi suất cũng vậy, nếu được hỗ trợ thì thấp hơn lãi suất chung là bao nhiêu phải cụ thể. Ngoài ra, những chính sách hỗ trợ khác, như: về đất đai mặt bằng, môi trường, phòng cháy, chữa cháy rất cần nhưng hiện nay DN nhỏ đang phải thực hiện như những doanh nghiệp lớn. Theo tôi, không nên xác định tiêu chí DN vừa và nhỏ bằng doanh thu mà nên bằng quy mô vốn hoặc tổng tài sản là hợp lý”. |
Mới đây, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại TP.Hồ Chí Minh, một số đại biểu tham dự đã đặt vấn đề về tên gọi của luật.
Bà Phạm Thị Thùy Dung, đại diện cho Hiệp hội TP.Hồ Chí Minh cho rằng nên thay tên là Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa bằng tên Luật Phát triển DN nhỏ và vừa sẽ phù hợp hơn, bởi đích cuối cùng là giúp cho DN nhỏ phát triển.
Cùng quan điểm này, ông Trần Đức Thịnh, Phó chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.Hồ Chí Minh, nói: “Từ “hỗ trợ” không thể hiện được cả về định lượng lẫn định tính nên khi đưa vào luật tính pháp lý không cao. Nên chăng đổi thành “phát triển” thì ổn hơn”. Ông Thịnh cũng đề xuất, luật này chỉ tóm gọn lại và đưa vào một chương của Luật Doanh nghiệp là phù hợp.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho hay tại cuộc hội thảo do VCCI tổ chức trước đây tại Hà Nội, một số đại biểu cũng đưa ra ý kiến nên thay từ “hỗ trợ” bằng từ “phát triển” hay “bảo vệ”, nếu để từ “hỗ trợ” sẽ ảnh hưởng đến các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Tuy nhiên, theo ông Lộc thì vấn đề đó sẽ không ảnh hưởng, bởi các quốc gia phát triển đều có luật này.
“Nếu chúng ta hỗ trợ riêng theo ngành hàng lúc đó mới vi phạm cam kết quốc tế, còn hỗ trợ chung cho các DN nhỏ và vừa thì không ảnh hưởng gì” - ông Lộc giải thích. Điều ông băn khoăn là tên Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa như vậy, đối tượng hỗ trợ sẽ có cả DN nhỏ và vừa là nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm câu lạc bộ đại lý thuế (Hội DN TP.Hồ Chí Minh), luật chỉ nên hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa trong nước vì các nhà đầu tư nước ngoài thuộc diện này đã được hưởng hỗ trợ từ các nước sở tại.
* Còn chung chung
Mặc dù luật xây dựng các biện pháp hỗ trợ DN nhỏ và vừa với 7 biện pháp hỗ trợ chung (tín dụng, thuế, mặt bằng, công nghệ, thị trường, nhân lực, thông tin) và 3 nhóm biện pháp hỗ trợ mục tiêu (chuyển đổi hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo và chuỗi liên kết), nhưng dự thảo luật chưa có quy định nào cụ thể thực hiện các biện pháp này.
Dù là luật dành cho DN nhỏ và vừa nhưng dự thảo chưa xác định chính xác từng loại hình DN nhỏ, DN vừa và DN siêu nhỏ, mà giao cho Chính phủ xác định. PGS.TS Hồ Xuân Thắng (Trường đại học Sài Gòn) nói: “Dự thảo chưa làm rõ khái niệm DN nhỏ và vừa là DN như thế nào? Hỗ trợ DN là hỗ trợ ra sao, có giống với ưu đãi không? Vấn đề này chưa rõ ràng”.
Đơn cử, trong hỗ trợ về thuế, dự thảo luật chỉ quy định nguyên tắc thấp hơn so với mức thuế thu nhập DN thông thường, nhưng không rõ mức thuế suất thấp hơn là thấp hơn bao nhiêu. Hoặc về hỗ trợ mặt bằng, dự thảo luật giao thẩm quyền này cho UBND cấp tỉnh tùy điều kiện địa phương để có chính sách hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho DN nhỏ và vừa trong các khu cụm công nghiệp.
Theo ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc hỗ trợ DN nhỏ và vừa thuộc Hiệp hội DN TP.Hồ Chí Minh, việc hỗ trợ về mặt bằng như vậy sẽ không khả thi. Quy định này không tháo gỡ được khó khăn cho DN, bởi có những tỉnh có điều kiện hỗ trợ, còn những tỉnh không có điều kiện hỗ trợ thì sao?
Khắc Giới