Ông Hồ Thông (ấp 3, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc) là người đầu tiên trồng cây mủ trôm với quy mô lớn trên đất Đồng Nai. Ông còn đầu tư chế biến, làm nhãn hàng với mong muốn làm thương hiệu mủ trôm Rừng Lá của đất Xuân Hòa để nhân rộng giống cây trồng cho giá trị cao này.
Ông Hồ Thông (ấp 3, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc) là người đầu tiên trồng cây mủ trôm với quy mô lớn trên đất Đồng Nai. Ông còn đầu tư chế biến, làm nhãn hàng với mong muốn làm thương hiệu mủ trôm Rừng Lá của đất Xuân Hòa để nhân rộng giống cây trồng cho giá trị cao này.
Sản phẩm mủ trôm Rừng Lá Nguyên Lê được ông Hồ Thông giới thiệu tại hội chợ triển lãm “Phát triển nông nghiệp sạch, liên kết, bền vững” do huyện Xuân Lộc tổ chức. Ảnh: B.Nguyên |
* Trồng cây không đụng hàng
Thời trẻ, ông Hồ Thông làm đủ nghề để kiếm sống, từ đi phụ hồ, phụ thuyền đánh cá đến thu mua phế liệu. Bôn ba khắp nơi nhưng ông vẫn nghĩ làm nông mới là cái gốc của mình nên luôn trăn trở trồng cây gì để ít gặp rủi ro. Tình cờ biết về cây mủ trôm, loại cây rừng có sức sống mạnh mẽ, sống tốt trên những vùng đất khô cằn, khắc nghiệt nhất. Mủ cây trôm lại có tác dụng giải nhiệt, tốt cho sức khỏe con người rất hợp với xứ sở quanh năm nắng nóng này. Năm 2012, ông mượn 2 hécta đất của ông ngoại, lặn lội tìm mua giống cây rừng không đụng hàng này về phủ xanh mảnh đất cằn.
Theo ông Thông, ít có cây trồng nào dễ sống và lại cho thu lợi lâu dài mủ trôm vì vòng đời của nó kéo dài 40-50 năm, cây càng già càng cho nhiều mủ. Ngoài đặc tính đây là giống cây rừng sinh trưởng khỏe không cần bón phân, tưới nước, bản thân ông cũng có ý thức giữ vườn cây phát triển theo hướng hữu cơ để đất không bị nhiễm thuốc diệt cỏ hay những loại phân, thuốc hóa học khác.
* Đầu tư chế biến
Mong muốn của ông Hồ Thông là giữ được sản phẩm vẫn thuần chất thiên nhiên mà tiện dụng cho người dùng nên ông chăm chút từ khâu thu mủ, vì khai thác mủ trôm theo cách truyền thống rất tốn công thu và xử lý bụi bẩn bám lên sản phẩm. Ông lại mày mò tự chế ra dụng cụ thu hoạch mủ vừa tiện dụng, vừa giữ vệ sinh.
Ông Thông kể: “Thời gian đầu, tôi phơi khô mủ trôm và để dạng cục lớn bán ra thị trường. Nhưng khi có một khách hàng phản ánh họ dùng máy sinh tố xay nhỏ mủ trôm để dễ ngâm, dễ sử dụng nhưng bị bể máy vì loại mủ này quá cứng. Tôi lại thử nghiệm để tìm được loại máy xay được mủ trôm khô, rồi sàng lọc phân thành 2 loại: loại hạt lớn như hạt gạo, loại hạt nhỏ hơn tùy theo sở thích người dùng”.
Ông bỏ công dạo khắp từng khu chợ nhưng chỉ để tìm một đại lý duy nhất bán mặt hàng của mình. Vợ chồng ông đem bột pha nước mời mọi người vào chợ uống miễn phí để nhiều người cùng biết địa chỉ cung cấp mủ trôm trong chợ. Dù chỉ mới hơn 1 năm ra thị trường, nhưng sản phẩm Mủ trôm rừng lá Nguyên Lê do ông chế biến đã có mặt tại nhiều khu chợ ở các huyện Xuân Lộc, Thống Nhất, TX.Long Khánh.
Từ năm 2016, ông được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu độc quyền mủ trôm Rừng Lá Nguyên Lê. Ông vừa trồng thêm 1 hécta cây mủ trôm và đang bắt tay với một số nông dân để mở rộng diện tích nhằm xây dựng được thương hiệu cho đặc sản mủ trôm rừng lá trên đất Xuân Hòa.
Bình Nguyên