Báo Đồng Nai điện tử
En

Xu hướng mới trong kinh doanh trực tuyến

10:03, 24/03/2017

Thương mại điện tử  Việt Nam đã có sự tăng trưởng nhanh từ năm 2016. Để giúp doanh nghiệp (DN) tận dụng ưu thế trên, ngày 7-3 Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và Sở Công thương đã tổ chức tập huấn những xu hướng mới trong kinh doanh trực tuyến cho DN.

Thương mại điện tử  Việt Nam đã có sự tăng trưởng nhanh từ năm 2016. Để giúp doanh nghiệp (DN) tận dụng ưu thế trên, ngày 7-3 Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và Sở Công thương đã tổ chức tập huấn những xu hướng mới trong kinh doanh trực tuyến cho DN.

Các thương hiệu đang dẫn đầu Việt Nam về kinh doanh trực tuyến và  số lượng người tìm thông tin dịch vụ của các doanh nghiệp qua điện thoại ngày một nhiều.
Các thương hiệu đang dẫn đầu Việt Nam về kinh doanh trực tuyến và số lượng người tìm thông tin dịch vụ của các doanh nghiệp qua điện thoại ngày một nhiều.

Thông tin từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho hay, đã có 43% DN đạt được doanh thu cao hơn nhờ tham gia thương mại điện tử. Năm 2016 đã có hơn 25 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến. Các chuyên gia Việt Nam và thế giới đều đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng cho phát triển kinh doanh trực tuyến.

* Đầu tư thêm vào website

Các chuyên gia kinh tế cho biết, cơ hội mở rộng thương mại quốc tế của các DN vừa và nho sẽ gia tăng nhờ sử dụng những giải pháp kinh doanh trực tuyến. Việc này thông qua xây dựng thương hiệu, tiếp cận khách hàng, tăng cơ hội tiếp thị. Trong tiếp cận khách hàng, DN chú ý giao tiếp với khách hàng mọi nơi, mọi lúc và tận dụng các công cụ marketing, như: SEO, SEM để  các khách hàng tiềm năng dễ  dàng tìm ra DN trên mạng trực  tuyến.

Khoảng 2 năm gần đây, tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã lên đến trên 20%/năm. Dự tính năm 2017 và những năm tiếp theo, thị trường này vẫn giữ mức tăng trưởng cao. Thế nhưng, trái với làn sóng phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, rất nhiều DN Việt Nam vẫn chưa có cái nhìn đầy đủ về cơ hội này. Trên thực tế, chỉ 20% DN xây dựng website riêng để quảng bá kinh doanh. Trong khi đó, 70% người tiêu dùng đã lên mạng tìm kiếm thông tin, địa chỉ mua hàng trước khi xem trực tiếp tại cửa hàng. “DN không có website và thương hiệu riêng trên mạng, người tiêu dùng sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sản phẩm và dịch vụ của DN. Người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng nhiều nhất vào quảng cáo trên các công cụ tìm kiếm, theo sau đó là mạng xã hội, video trực tuyến, banner trực tuyến” - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Thanh Hưng, cho hay.

Xây dựng website là một trong những bước đầu tiên để DN tham gia vào thương mại điện tử. Tên miền mà DN chọn để xây dựng website không đơn thuần là địa chỉ trên internet, mà gắn bó chặt chẽ với hoạt động kinh doanh và thương hiệu của DN, làm nên danh tiếng, độ tín nhiệm cho thương hiệu.

Ông Đoàn Quốc Tâm, Giám đốc Công ty cổ phần quảng cáo FTC (Hà Nội), cho biết chọn một tên miền phù hợp là bước đầu tiên để xây dựng một hiện diện trực tuyến đáng tin cậy. Một khi DN có hiện diện trực tuyến chính thức với một tên miền tiêu chuẩn, tức là DN đã đảm bảo khả năng tiếp cận cao tới khách hàng mọi lúc, mọi nơi. “Việc lựa chọn tên miền cần gắn với chiến lược phát triển kinh doanh của DN. Đặc biệt với các DN có mục tiêu kinh doanh trên phạm vi toàn cầu thì tên miền .com vẫn luôn được tín nhiệm nhờ tính sẵn có, đáng tin cậy  và có mức độ ổn định cao trong hơn 18 năm qua” - ông Tâm nhấn mạnh.

* Những xu hướng mới

Người Việt có thói quen sau khi tìm hiểu thông tin về sản phẩm trên mạng thì muốn trải nghiệm. Những DN đã thành công trong quảng cáo và bán hàng trực tuyến khẳng định, online cho khách hàng sự phấn khích thì các cửa hàng cho sự trải nghiệm thực tế. Do đó, muốn bắt được cơ hội củng cố thương hiệu, tăng doanh số bán hàng có thể kết hợp tốt giữa quảng cáo trực tuyến và những cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên, giá trị cốt lõi của thương hiệu vẫn là chất lượng của sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ DKT chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Trong bối cảnh thương mại điện tử tăng trưởng nhanh, các DN đừng quá cầu toàn mà nên nhanh chóng tham gia vào thương mại điện tử, bán hàng đa kênh kết hợp giữa di động - website - cửa hàng. Để rút ngắn thời gian, chi phí, nên thuê các chuyên gia giỏi trên lĩnh vực này”. Theo ông Nguyễn Duy Vĩ, Giám đốc tiếp thị Trung tâm lữ hành quốc tế Jugo (TP.Hồ Chí Minh), đầu tư vào thương mại điện tử quan trọng nhất là đánh giá được chân dung khách hàng, nắm được thói quen, tâm lý khách hàng theo vùng miền, thời tiết mới kích cầu thành công. Đơn cử, là vào mùa hè đưa quạt máy, máy lạnh ra miền Bắc quảng bá bán hàng sẽ rất tốt, nhưng mùa đông sẽ thất bại hoàn toàn. “Kinh doanh trực tuyến rất cần 4 yếu tố chính là: chiến lược phù hợp, sản phẩm hấp dẫn, giá cả cạnh tranh, xuất hiện đúng lúc, đúng nơi” - ông Vĩ nhấn mạnh.

Đồng Nai hiện xếp thứ 9 trong cả nước về chỉ số thương mại điện tử và nhiều DN đã khởi nghiệp thành công nhờ kinh doanh trực tuyến. Ông Trần Việt Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH dịch vụ tư vấn đại lý thuế Đồng Nai (TP.Biên Hòa), cho biết: “Công ty thành công là nhờ khai thác tốt thương mại điện tử. Những kênh giúp công ty quảng bá hiệu quả nhất là Facebook, Zalo và Google”.

Khánh Minh

Tin xem nhiều