Hơn 1 tháng nay, giá gà trên thị trường giảm sâu xuống dưới giá thành khiến người chăn nuôi điêu đứng. Theo phân tích, có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là: do tăng đàn quá nhanh; dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc nên nước này ngưng mua gà từ Việt Nam; lượng gà nhập khẩu về khá nhiều.
Hơn 1 tháng nay, giá gà trên thị trường giảm sâu xuống dưới giá thành khiến người chăn nuôi điêu đứng. Theo phân tích, có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là: do tăng đàn quá nhanh; dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc nên nước này ngưng mua gà từ Việt Nam; lượng gà nhập khẩu về khá nhiều.
Ngành chăn nuôi gặp khó vì thiếu liên kết. |
Rất nhiều trang trại gà tại Đồng Nai đã tạm ngưng nuôi vì giá gà hạ quá lâu. Hiện giá gà tam hoàng trên thị trường vẫn tiếp tục ở mức 22-24 ngàn đồng/kg, gà trắng đã nhích lên nhưng vẫn còn rất thấp, chỉ 21-22 ngàn đồng/kg. Với giá trên, người nuôi gà tam hoàng đang lỗ hơn 10 ngàn đồng/kg, người nuôi gà trắng lỗ 3-4 ngàn đồng/kg.
* Gà Việt Nam thua đau
Giá gà năm 2016 bấp bênh nhưng người chăn nuôi ở Đồng Nai và cả nước vẫn tăng đàn, vì theo quy luật nhiều năm là sau Tết Nguyên đán khoảng 2-3 tuần là thời điểm Trung Quốc hay nhập nhiều gà và giá thường tăng cao. Tuy nhiên, năm 2017 sau Tết Nguyên đán Trung Quốc bùng phát dịch cúm gia cầm A/H7N9 lây lan qua người. Do đó, phía Trung Quốc đóng cửa không nhập khẩu gà từ Việt Nam khiến nguồn cung dư thừa lớn. Trong khi đó thị trường trong nước sau Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh. Ngoài ra, công bố của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ cho hay, năm 2016, lượng gà đông lạnh giá siêu rẻ, gồm: đùi, cánh, chân, nội tạng nhập về Việt Nam tăng gấp 2 lần năm 2015 và giá chỉ từ 12-17 ngàn đồng/kg. Nguồn hàng nhập khẩu phần lớn đi vào các bếp ăn tập thể, quán ăn bình dân… đã góp phần đẩy người chăn nuôi gà đến tình trạng khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Trang, chủ trang trại gà tại xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất), nói: “Tôi nuôi khoảng 28 ngàn con gà tam hoàng để bán sau Tết Nguyên đán. Cứ nghĩ như mọi năm, giá gà sẽ tăng cao vì Trung Quốc ăn hàng, nhưng năm nay dịch cúm nên họ ngừng nhập. Gà đến thời điểm xuất chuồng không thể giữ lâu tôi đành phải bán, giá chỉ từ 18-24 ngàn đồng/kg, nhưng rất khó tìm người mua”. Theo tính toán của bà Trang, lứa gà sau tết chị đã lỗ khoảng 600 triệu đồng. Những trang trại càng nuôi nhiều lỗ càng nặng, không ít trang trại đã thua lỗ tiền tỷ vì giá giảm kỷ lục. Đây là lần giá giảm sâu và lâu nhất trong vòng 10 năm qua.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, tổng đàn gà thịt của Việt Nam đến đầu năm 2017 gần 214 triệu con, tăng gần 5% so với đầu năm 2016. Trong đó, 2 tỉnh thành có tổng đàn gà lớn nhất cả nước là Hà Nội và Đồng Nai. Điều này đồng nghĩa với việc người chăn nuôi tại 2 địa phương này chịu thiệt hại nặng nề nhất.
* Vì thiếu liên kết
Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, gà nhập khẩu về giá siêu rẻ đều là hàng gần hết hạn sử dụng hoặc bảo quản đông lạnh quá lâu. Tại các nước, thực phẩm trên chỉ đưa vào chế biến thức ăn chăn nuôi, nhưng khi về Việt Nam lại đưa ra các chợ bán sỉ, lẻ để vào những bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp và quán ăn. Bằng các hương liệu và tài chế biến, người ăn bị đánh lừa khó phân biệt được thịt gà tươi hay để lâu ngày, song xương của thịt gà để đông lạnh đen và mục, còn xương thịt gà mới có màu vàng nhạt và cứng.
Trước đây, nhiều lần Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ có gửi văn bản đề nghị các doanh nghiệp chăn nuôi cùng tham gia kiện bán phá giá gà vào thị trường Việt Nam; đồng thời cùng góp ý xây dựng hàng rào kỹ thuật để phòng vệ thương mại. Theo đó, giá thịt gà đảm bảo chất lượng bán tại Mỹ, như: đùi vẫn gần 80 ngàn đồng/kg, cao hơn giá tại các siêu thị ở Việt Nam. Như vậy, gà đảm bảo chất lượng khó có thể vận chuyển nửa vòng trái đất về Việt Nam giá dưới 17 ngàn đồng/kg. Thế nhưng, số đông các doanh nghiệp có chăn nuôi lớn đều lơ đãng, viện nhiều lý do để không tham gia.
“Hiệp hội đã nhiều lần vận động các doanh nghiệp chăn nuôi lớn bỏ chi phí cùng tham gia kiện bán phá giá, nhưng chỉ có Công ty TNHH Emivest Việt Nam và Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam ủng hộ, còn những công ty chăn nuôi khác đều từ chối. Vì thế, cho đến giờ vẫn chưa thể đưa ra hình thức phòng vệ thương mại nào để bảo vệ gà trong nước” - ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, cho biết. Do thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp chăn nuôi tại Việt Nam nên đã đẩy ngành chăn nuôi gà đến bên bờ vực phá sản. “Trong khi gà Việt Nam trầy trật trong xuất khẩu chính ngạch ra nước ngoài vì vướng hàng rào kỹ thuật thì gà nước ngoài chất lượng kém lại ào ạt vào Việt Nam, không gặp bất cứ một cản trở nào. Nguyên nhân là do doanh nghiệp thiếu liên kết và đồng lòng” - ông Ngọc bức xúc nói. Nhà nước không thể đứng ra làm thay doanh nghiệp việc kiện bán phá giá vì như vậy sẽ vi phạm về thương mại. Muốn dựng lên hàng rào kỹ thuật đủ mạnh để bảo vệ mình và ngành nuôi gà trong nước, các doanh nghiệp phải là người chủ động.
Ông Ngọc đưa ra dẫn chứng là cách đây không lâu, bột ngọt nước ngoài bán phá giá vào Việt Nam, một số doanh nghiệp bột ngọt tại Đồng Nai đã hợp lại tìm bằng chứng và kiện bán phá giá. Kết quả, phía Việt Nam thắng, bột ngọt nhập khẩu vào trong nước phải chịu thuế và ngành bột ngọt trong nước đã vượt qua được sóng gió vì sử dụng phòng vệ thương mại kịp thời.
Hương Giang