Sáu năm sau thảm họa kép động đất - sóng thần - vỡ lò phản ứng hạt nhân, Fukushima đã cơ bản được tái thiết. Thế nhưng ảnh hưởng hậu Fukushima vẫn như "bóng ma" ám ảnh hàng ngàn người dân vùng thảm họa...
[links()]Sáu năm sau thảm họa kép động đất - sóng thần - vỡ lò phản ứng hạt nhân, Fukushima đã cơ bản được tái thiết. Thế nhưng ảnh hưởng hậu Fukushima vẫn như “bóng ma” ám ảnh hàng ngàn người dân vùng thảm họa.
Nhật Bản dường như giỏi chống chọi với động đất. So với thảm họa Chernobyl và Three Miles Island trước đây, sự cố Fukushima nhẹ hơn rất nhiều nhưng Nhật Bản lại rất lúng túng trong ứng phó. Hoạt động sơ tán người dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng đã và đang tạo ra một hệ lụy còn lớn hơn cả hệ lụy nhiễm phóng xạ. Dùng máy đo phóng xạ cơ thể - một biện pháp kỹ thuật – để “điều trị” sức khỏe tâm thần cho người dân là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi.
Kỳ 1: Kiểm xạ có làm yên dân?
Bé Haruki, 5 tuổi được cha đưa đi kiểm xạ định kỳ 6 tháng lần tại Bệnh viện Minami Soma |
Để trấn an dân chúng, các nhà chuyên môn Nhật Bản đã có một hành động hiếm thấy là cho kiểm xạ cơ thể người dân trong những vùng bị ảnh hưởng. Liệu pháp này đã tạo ra nhiều hoài nghi về tính hiệu quả, khi thực tế nỗi lo của dân chúng Fukushima vẫn còn đó, như khẳng định của nhiều người trong cuộc.
* Scan cơ thể: bức xạ - liều chồng liều
Như nhiều bạn bè khác, cứ mỗi 6 tháng, bé Daihisa Haruki, 5 tuổi, lại được cha là anh Daihisa Masahide, 33 tuổi (ở thành phố Soma, tỉnh Fukushima) đưa đến Bệnh viện Minami Soma để kiểm xạ. Trên chiếc xe lăn, bé Haruki lặng lẽ chơi game, còn anh Masahide ngồi yên lặng nhìn con. Vợ chồng anh đã quyết định không sinh thêm vì lo sợ cho tương lai của các con.
Mức độ nhiễm phóng xạ của bé Haruki qua nhiều lần đo, được xác định ở khoảng 5-7milisievert (mSv- đơn vị đo lượng hấp thụ bức xạ ion hóa có tác dụng gây tổn hại trên người). Bác sĩ của chương trình Babyscan nói rằng, mức nhiễm xạ của bé Haruki ở ngưỡng an toàn, nhưng anh Masahide không yên tâm với kết quả này.
Anh Masahide cũng bị nhiễm phóng xạ ở liều 20mSv sau lần đo đầu tiên vào tháng 10-2011. Mỗi năm anh đi kiểm xạ một lần, gần nhất là vào tháng 6 vừa qua với kết quả là 13 mSv. Anh cũng được thông báo độ nhiễm xạ này ở mức an toàn. Mỗi lần scan cơ thể, anh biết mình và con trai phải tiếp nhận thêm liều bức xạ từ hoạt động chiếu chụp này. Thế nhưng cha con anh không còn cách nào để biết mình có thực sự an toàn.
Một năm sau sự cố, tại 3 bệnh viện ở các thành phố Hirata, Iwaki và Minami Soma của tỉnh Fukushima, khoảng 1.000 trẻ em đã được kiểm xạ toàn thân bởi thiết bị có tên là Babyscan.
“Không có gì phải lo lắng bây giờ và trong tương lai, bởi liều bức xạ đo được là rất thấp và an toàn cho trẻ em” - Giáo sư vật lý Ryugo Hayano của Đại học Tokyo – một trong những người sáng chế ra máy Babyscan nói.
Thiết bị Babyscan tại Bệnh viện Minami Soma |
Ông giải thích rằng, lượng phóng xạ trong cơ thể con người sẽ được thải ra theo các đường thải tự nhiên. Ở trẻ em, khối lượng cơ thể chúng nhẹ hơn, sự trao đổi chất cũng nhanh hơn, nên việc thải phóng xạ cũng nhanh hơn.
Cũng theo giáo sư Ryugo, đến cuối năm 2012, hơn 400.000 lượt người dân ở 3 tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự cố nổ lò phản ứng hạt nhân của Nhà máy điện hạt nhân Daiichi đã được kiểm xạ. Tuy nhiên, số người được kiểm xạ này chỉ chiếm khoảng 1/3 số người bị phơi nhiễm phóng xạ từ thảm họa Fukushima.
Bác sĩ Masaharu Tsubokura, Phó giám đốc Bệnh viện Soma, người trực tiếp tham gia kiểm xạ cho hàng ngàn người dân ở Fukushima, nói: “Kết quả kiểm xạ từ năm 2011-2013, tỷ lệ phát hiện phóng xạ Cesium 137 chỉ ở mức 0.01- 0.1 mSv/giờ. Chúng tôi đã đến những khu sơ tán và trường học nói cho người dân biết để họ yên tâm. So với vụ nổ lò hạt nhân ở Chernobyl (tại Ucraina ngày 26-4-1986), số người bị nhiễm xạ nội chiếu ở Fukushima được cho là thấp hơn rất nhiều, chỉ bằng 1/10.
Kiểm tra độ nhiễm phóng xạ cho trẻ em ở những vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố Fukushima |
Khi được hỏi, scan kiểm xạ cơ thể người dân nhiều lần, có khiến bức xạ liều chồng liều? Ông Tsubokura nói, người dân muốn kiểm tra mức độ nhiễm xạ của mình và chúng tôi phải làm để họ yên tâm. Liều thấp không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
* Nhiễm xạ liều thấp vẫn gây nguy hiểm
Trong khi Chính phủ Nhật Bản cho kiểm xạ để trấn an người dân ở vùng bị ảnh hưởng, nhưng liều nhiễm xạ trong dân ở những vùng này vẫn chưa được thống nhất giữa các tổ chức thực hiện việc kiểm xạ. Ngay cả ảnh hưởng của phóng xạ liều thấp có gây nguy hiểm cho người dân hay không, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
Một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học bức xạ quốc gia Nhật Bản (NIRS) đã nghiên cứu, ba năm sau sự cố, mức phơi nhiễm phóng xạ trong tuyến giáp của trẻ em từ 3-5 tuổi sống xung quanh nhà máy điện hạt nhân Daiichi ở Fukushima được xác định là dưới 30 mSv trong hầu hết các ca thăm khám. Mức nhiễm xạ này được cho là thấp hơn rất nhiều so với với ngưỡng phơi nhiễm có thể gây ra các bệnh ung thư tuyến giáp hoặc bệnh bạch cầu.
Mặc dù giới chức Nhật Bản khẳng định, trẻ em và người dân vẫn an toàn nếu ở ngoài bán kính 20km tính từ nhà máy điện hạt nhân Daiichi. Song, người dân vẫn rất lo ngại khi liên tưởng đến sự cố Chernobyl, bởi có vẻ như đã có liên hệ giữa ung thư tuyến giáp và phóng xạ, ngay cả khi nhiễm liều thấp.
Trong một báo cáo của Hội Vật lý y khoa Hoa Kỳ (năm 2012), Tiến sĩ Kelly Classic, nhà vật lý học phóng xạ ở Bệnh viện Mayo (Hoa Kỳ) nói: “Không có mức phóng xạ nào trên mức 3-6 mSv mỗi năm trong sinh hoạt bình thường mà được cho tuyệt đối an toàn. Bởi, nhiều năm sau thảm họa hạt nhân Chernobyl, căn bệnh ung thư tuyến giáp đã xuất hiện rộng rãi trong số các trẻ em sống gần nhà máy và ở những người lớn đã từng bị nhiễm xạ liều thấp, dưới 20 mSv/năm”.
Tháng 5-2013, Bệnh viện Mayo làm một cuộc thử nghiệm sau một khảo sát không chính thức tại các khu sơ tán ở Fukushima. Cơ quan này đã phát hiện, cứ trong 130 em nhỏ được sơ tán thì có 10 em có những bất thường về hóc-môn và tuyến giáp. Trước đó, Bệnh viện Mayo cũng đã nghiên cứu và phát hiện 6.000 trường hợp ung thư tuyến giáp ở những người bị phơi nhiễm với bụi phóng xạ Chernobyl khi họ còn là trẻ nhỏ.
Giáo sư Vật lý Ryugo Hayano của Đại học Tokyo, một trong những người tham gia sáng chế ra máy Babyscan |
Số người chết trong thời điểm xảy ra thảm họa Fukushima được ghi nhận khoảng hơn 20.000 người. Giới chức Nhật Bản cho rằng, liều nhiễm xạ đã giảm xuống rất nhiều, khu vực ngoài bán kính 20km từ nhà máy điện hạt nhân Daiichi đã an toàn.
Theo Hiệp hội Sức khỏe tâm thần trẻ em và vị thành niên Nhật Bản, đã có 100.000 trẻ em Nhật Bản bị chấn động tâm lý sau thảm họa. Những trẻ này sẽ trở nên ích kỷ, hay nổi loạn, tinh thần hỗn loạn, sinh lý rối loạn và sẽ mắc phải một số bệnh thực thể như: buồn nôn, đau bụng hoặc tiêu chảy. |
Tuy nhiên, hãy còn quá sớm để ước lượng số nạn nhân tử vong liên quan đến thảm họa này ở Fukushima. Một công bố vào đầu năm 2014 của Đại học Fukushima đã thực sự gây hoang mang trong dân chúng khi thực hiện trên 300.000 người tuổi dưới 40 ở vùng thảm họa, trong đó có 96.000 trẻ em từ 1-15 tuổi. Kết quả có đến 40% trẻ em trong số này được kiểm tra tuyến giáp và phát hiện đã có những u hoặc hạch cổ.
“Thảm họa từ hai quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki hơn 60 năm qua vẫn còn gây ảnh hưởng. Nay, sự cố vỡ lò phản ứng hạt nhân Fukushima sẽ tiếp tục làm dài thêm danh sách những người phải gánh chịu hậu quả của phóng xạ. Tôi không biết 30 hay 60 năm, thậm chí 300 năm nữa lượng phóng xạ ở Fukushima mới được làm sạch, nhưng chúng tôi vẫn phải sống với “bóng ma” phóng xạ đeo đẳng đến đời con, đời cháu chúng tôi” – anh Masahide buồn bã nói.
Bài và ảnh: Phương Liễu
(Xem tiếp Kỳ 2: Nỗi sợ hãi mang tên “phóng xạ”)