Báo Đồng Nai điện tử
En

Lão nông mê... đặc sản

09:03, 12/03/2017

Ở tuổi 63, ông Lâm Hồng Thái, nông dân ngụ ở ấp 3, xã Thừa Đức (huyện Cẩm Mỹ) vẫn hăng hái thực hiện những dự án mới cho mô hình vườn, ao, chuồng của mình.

Ở tuổi 63, ông Lâm Hồng Thái, nông dân ngụ ở ấp 3, xã Thừa Đức (huyện Cẩm Mỹ) vẫn hăng hái thực hiện những dự án mới cho mô hình vườn, ao, chuồng của mình.

Lão nông Lâm Hồng Thái chăm sóc đàn vịt xiêm. Ảnh: L. Quyên
Lão nông Lâm Hồng Thái chăm sóc đàn vịt xiêm. Ảnh: L. Quyên

Nhờ dám nghĩ dám làm, từ 2 bàn tay trắng, vợ chồng ông đã tạo dựng được cơ ngơi với 3 hécta đất trồng và nuôi các giống đặc sản, như: sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh, gà Đông Tảo, vịt trời...

* Dám nghĩ dám làm

Ông Thái quê ở Phú Hội (huyện Nhơn Trạch). Thời trẻ khi tham gia kháng chiến, có thời gian ông từng đóng quân ở xã Thừa Đức (huyện Cẩm Mỹ). Trở về quê sinh sống vài năm, ông quyết định đưa vợ con đến vùng đất mình từng có duyên gắn bó để tìm cơ hội lập nghiệp. Ông Thái kể: “Năm 1998, đây là xã vùng sâu, điện chưa có, đường sá cũng rất khó khăn. Tôi chỉ có vốn mua được 1 sào đất (1 ngàn m2) để trồng bắp, trồng chuối và chăn nuôi vài ba con heo, con gà. Tay trắng lập nghiệp nên dù chỉ đầu tư nhỏ, tôi cũng phải làm hồ sơ vay 500 ngàn đồng từ ngân hàng mới có vốn mua phân, mua giống và có vài đồng trang trải việc học cho con”.

Ông gom góp những đồng lời từ việc chăn nuôi, trồng trọt rồi mạnh dạn vay thêm vốn để mua thêm đất, mở rộng vườn cây, chuồng trại chăn nuôi. Tuy chắt chiu từng đồng vốn nhưng ông sẵn sàng “đầu tư lớn” khi thấy cần thiết. Ông Thái chia sẻ: “Tôi là người đầu tiên ở vùng này bỏ cả trăm triệu đồng kéo đường điện về xóm. Thời đó, ở đây đều là dân nghèo nên tôi ứng vốn trước cho bà con để kéo điện về. Có điện, không chỉ điều kiện sinh hoạt được cải thiện mà hiệu quả sản xuất cũng thay đổi hẳn”.

* Không để một tấc đất lãng phí

Ông Thái hào hứng: “Đây vốn là vùng đất trũng hoang hóa nhưng lại có nguồn nước mạch rất dồi dào, trong mát. Để trồng được những giống cây đặc sản khó tính, như: sầu riêng, măng cụt..., tôi cho đào hệ thống mương thoát nước trong vườn, không lạm dụng thuốc xịt cỏ hoặc các loại phân, thuốc hóa học mà bỏ công cắt cỏ phủ lên mặt đất để giữ ẩm và tạo nguồn dinh dưỡng cho đất”.

Lão nông năng động này cũng không để lãng phí dù một tấc đất. Trong vườn cây ăn trái, ông cho trồng xen canh cây chuối sứ; vườn bưởi tơ ông trồng xen các loại cây hàng năm, như: bắp, đậu. Những sản phẩm, phế phẩm từ trồng trọt ông dùng để chế biến thức ăn cho heo, gà. Ngược lại, chất thải chăn nuôi lại là nguồn dinh dưỡng bồi bổ cho cây trồng. Ông Thái vui vẻ khoe: “Vườn rộng như vậy  nhưng chủ yếu chỉ 2 vợ chồng tôi làm. Chỉ khi vào mùa vụ thu hoạch mới thuê thêm nhân công. Mùa nào, tôi cũng có sản phẩm bán ra. Nhờ đa dạng các loại đặc sản nên tôi không lo mất mùa, mất giá”.  

Lão nông này còn luôn nhìn vào nhu cầu về thị trường để gia giảm tăng đàn heo, đàn gà cho phù hợp. Lúc ông nuôi vịt trời, lúc tăng đàn vịt xiêm, lúc lại xoay qua nuôi gà ta, gà Đông Tảo. Ông luôn thu được lợi nhuận cao để dành dụm nuôi các con vào đại học, mua xe hơi...

Lê Quyên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích