Năm 2016, giá mủ cao su hồi phục tốt đã giúp ngành này giảm bớt khó khăn sau nhiều năm liên tục ở mức thấp. Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cũng nhận định, giá cao su năm 2017 vẫn còn là ẩn số.
Năm 2016, giá mủ cao su hồi phục tốt đã giúp ngành này giảm bớt khó khăn sau nhiều năm liên tục ở mức thấp. Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cũng nhận định, giá cao su năm 2017 vẫn còn là ẩn số. Vì vậy các doanh nghiệp khai thác, chế biến cần phải có biện pháp giảm giá thành để tăng lợi nhuận.
Sản xuất chỉ thun tại Công ty cổ phần chỉ sợi cao su VRG - SADO, Khu công nghiệp Dầu Giây. |
Cũng theo tập đoàn này, việc phát triển cây cao su cần tính toán hợp lý, không tăng diện tích ồ ạt kể cả khi giá cao su lên cao trở lại, đặc biệt phải đầu tư cho ngành công nghiệp đi sâu vào chế biến.
* Không chạy theo diện tích
Năm 2016, giá bán mủ cao su bình quân đạt 31 triệu đồng/tấn, theo tính toán của Tổng công ty cao su Đồng Nai, cứ mỗi tấn mủ người bán đã lãi trên 1 triệu đồng. Theo nhận định của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, với giá cao su tiếp tục tăng trở lại như hiện nay, có thể giá bán bình quân năm 2017 đạt mức 40 triệu đồng/tấn. Với mức giá này, ngành cao su đang lấy lại vị thế của mình.
Dù giá cao su có chiều hướng tốt, song đánh giá của tập đoàn này thì rủi ro vẫn rất cao một khi các quốc gia tăng mạnh sản lượng khai thác. Ông Đỗ Minh Tuấn, Quyền Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Tổng công ty cao su Đồng Nai, cho biết dù giá mủ cao su có tăng cao trở lại, nhưng tổng công ty vẫn sẽ tập trung vào chất lượng vườn cây, không chạy theo phát triển diện tích. Cụ thể, tổng công ty đã kiến nghị với tập đoàn cho phép chuyển đổi những diện tích cao su không phù hợp sang trồng cây khác để tăng hiệu quả sử dụng đất.
“Chúng tôi sẽ phối hợp với Viện Nghiên cứu cao su để rà soát lại thổ nhưỡng ở các tiểu vùng, xem nơi nào không phù hợp với cây cao su sẽ chuyển sang trồng cây khác hoặc mục đích sử dụng đất khác, không cố giữ cây cao su bằng mọi giá” - ông Tuấn nói.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, đã hoan nghênh và cho rằng đây là hướng đi đúng để tập trung cho chất lượng vườn cây hơn là số lượng, từ đó tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm. Tổng diện tích cao su do Tổng công ty cao su Đồng Nai quản lý hiện nay có trên 32,5 ngàn hécta, trong đó diện tích khai thác có hơn một nửa.
* Đầu tư công nghiệp chế biến
Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu mủ cao su và đứng đầu về năng suất vườn cây. Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), để ngành cao su phát triển bền vững hơn cần giảm tỷ lệ xuất thô; thay đổi phương thức sản xuất, chủng loại mủ cao su thiên nhiên, tăng chế biến sâu. Cũng theo VRA, thị trường tiêu thụ cao su trong nước hiện chỉ chiếm khoảng 20% tổng sản lượng cao su thiên nhiên trong cả nước, còn lại 80% phải xuất thô. Chính vì vậy, giá trị gia tăng của ngành công nghiệp này chưa cao.
Ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (huyện Long Thành, thành viên của Hội Cao su, nhựa TP.Hồ Chí Minh), cho biết là nước xuất khẩu cao su, song nhiều loại cao su nguyên liệu các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu do thị trường trong nước không đáp ứng được. Giới chuyên môn cho rằng, sự tăng trưởng của công nghiệp chế biến cao su trong nước thời gian qua vẫn còn chậm nên chưa khai thác tốt nguồn cao su nguyên liệu thô trong nước.
Để cải thiện vấn đề này, ông Trần Ngọc Thuận cho biết đến 2020, Tập đoàn Cao su Việt Nam sẽ tập trung đầu tư vào các lĩnh vực chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị của sản phẩm mủ cao su, góp phần giảm xuất khẩu mủ thô. Các sản phẩm công nghiệp mà tập đoàn hướng đến là cao su màu, găng tay, băng tải, dây curoa…
Ông Đỗ Minh Tuấn cũng cho hay, năm 2017 Tổng công ty cao su Đồng Nai đã lên kế hoạch cho các nhà máy sẽ tập trung linh hoạt trong chế biến chủng loại mủ để phù hợp thị trường, đặc biệt ưu tiên cho sản xuất sản phẩm có giá bán cao, như: CV, Latex. Kế hoạch chế biến mủ của tổng công ty năm nay khoảng 27.600 tấn. Riêng với chế biến sâu, doanh nghiệp sẽ tập trung cho nhà máy sản xuất chỉ thun của Công ty cổ phần chỉ sợi cao su VRG - SADO tại Khu công nghiệp Dầu Giây với sản lượng khoảng 3 ngàn tấn sản phẩm trong năm nay.
Vân Nam