Đồng Nai và nhiều tỉnh phía Nam có thế mạnh phát triển các vùng chuyên canh cây ăn trái. Do đó, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào ngành chế biến trái cây.
Đồng Nai và nhiều tỉnh phía Nam có thế mạnh phát triển các vùng chuyên canh cây ăn trái. Do đó, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào ngành chế biến trái cây...Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp đều e ngại đầu tư vào ngành này vì không quốc gia nào như Việt Nam, nông dân lại sẵn sàng nhìn vào lợi nhuận trước mắt để chạy theo phong trào chặt cây này, trồng cây kia.
Câu chuyện nông dân đổ bỏ chuối già xuất khẩu trong khi các cơ sở chế biến chuối sấy, chuối chiên phải hoạt động cầm chừng vì thiếu nguyên liệu chế biến không phải lần đầu mới xảy ra.
Cơ sở Cường Hoa chế biến chuối sấy tại xã Quang Trung, huyện Thống Nhất gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu. |
Thực tế, nông dân đổ bỏ trái cây tươi trong khi các nhà máy chế biến phải “ăn đong” vì chưa xây dựng được vùng nguyên liệu vẫn là bài toán khó giải do sự đầu tư “lệch pha” trong nông nghiệp hiện nay.
* Từ câu chuyện chuối xuất khẩu
Những vùng đồi đá của các huyện Trảng Bom, Thống Nhất từ lâu đã nổi tiếng với các vùng chuyên canh cây chuối. Thấy nguồn nguyên liệu dồi dào, nhiều mùa thu hoạch chuối tiêu thụ không kịp, phải đổ bỏ nên một số hộ dân đầu tư mở lò làm chuối sấy, chuối chiên rồi dần dần hình thành nên làng nghề chế biến.
Thời hoàng kim, chỉ riêng xã Quang Trung (huyện Thống Nhất) đã có hơn 20 cơ sở chế biến chuối sấy, chuối chiên, bánh chuối... Sản phẩm của làng nghề không chỉ tiêu thụ tốt tại các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc mà còn được thị trường xuất khẩu ưa chuộng.
Từ vài năm trước, khi thương lái cạnh tranh nhau mua giống chuối già để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khiến giá mặt hàng này tăng đột biến. Theo đó, khắp các xã, huyện ở Đồng Nai, nông dân đổ xô chặt bỏ những loại cây trồng kém hiệu quả hơn sang trồng chuối xuất khẩu.
Vùng chuyên canh chuối ở Trảng Bom, Thống Nhất vốn trước nay chủ yếu trồng các giống chuối truyền thống, như: chuối bơm, chuối sứ cung cấp cho làng nghề chế biến chuối sấy cũng chuyển sang trồng chuối xuất khẩu.
Bà Trần Thị Hoa, chủ Cơ sở Cường Hoa có hơn 20 năm trong ngành chế biến chuối và các loại nông sản sấy tại xã Quang Trung (huyện Thống Nhất), chia sẻ: “Thấy nông dân ồ ạt trồng giống chuối già xuất khẩu, tôi cũng rất lo lắng mà không biết làm sao. Hơn 10 năm trước, trái chuối già xuất khẩu cũng từng lên cơn sốt giá".
Bà Hoa cho biết, nông dân Đồng Nai cũng từng đổ xô sang trồng giống chuối này rồi lại đổ bỏ đầy đồng vì không có người thu mua. Và câu chuyện này đang lặp lại, nông dân trồng chuối lại tiếp tục điêu đứng vì sản xuất chạy theo phong trào.
Theo bà Hoa, vài năm trở lại đây, cơ sở gặp rất nhiều khó khăn vì khan hiếm nguồn nguyên liệu. Chi phí sản xuất đầu vào tăng do giá chuối nguyên liệu cao, cơ sở phải bỏ công đi mua chuối ở nơi khác nên buộc phải giảm đơn hàng, thậm chí thu hẹp quy mô sản xuất.
Chế biến xoài tại Hợp tác xã chế biến xoài xuất khẩu La Ngà, huyện Định Quán (ảnh: Minh họa). |
Nông dân đổ bỏ chuối trong khi làng chuối sấy tại xã Quang Trung đang dần thu hẹp lại vì gặp khó khăn về nguyên liệu sản xuất. Bà Nguyễn Thị Linh, chủ lò chuối sấy tại xã Quang Trung, nhận xét: “Hiện tại xã Quang Trung chỉ còn hơn 10 lò sấy chuối. Nhiều cơ sở bỏ nghề vì gặp khó khăn. Cơ sở của gia đình tôi cũng chỉ giữ ổn định sản xuất chứ không nghĩ đến chuyện mở rộng quy mô”.
* Chế biến “ăn đong”
Chưa xây dựng được vùng nguyên liệu chế biến nên doanh nghiệp vẫn phải phụ thuộc vào thương lái, sản xuất bị ảnh hưởng do bất ổn về nguồn nguyên liệu.
Ông Hoàng Việt Hùng, Giám đốc Hợp tác xã chế biến xoài xuất khẩu La Ngà (huyện Định Quán), cho biết vụ chế biến xoài năm nay cơ sở vào vụ trễ hơn cả tháng so với vụ năm ngoái do không có nguyên liệu sản xuất. Điều này ảnh hưởng rất lớn từ hoạt động sản xuất đến việc giữ bạn hàng của đơn vị.
“Tuy từ năm ngoái, đơn vị đã làm việc với các hợp tác xã xoài của Đồng Nai về việc ký hợp đồng bao tiêu nhưng khi giá xoài cao do mất mùa, không ai giữ cam kết cung cấp nguồn nguyên liệu cho chúng tôi với giá thỏa thuận như trước. Thành lập Hợp tác xã chế biến La Ngà với mong muốn tiêu thụ xoài tươi cho nông dân tại địa phương, nhưng hiện nay nguyên liệu chế biến của chúng tôi lại chủ yếu là nguồn xoài nhập từ Campuchia” - ông Hùng chia sẻ.
Cùng nỗi lo trên, ông Liu Tác Sáng, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Thuận Hương (huyện Định Quán), chuyên sản xuất các loại trái cây, rau củ sấy, lo lắng: “Tuy rất quan tâm đến việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân để xây dựng được vùng nguyên liệu cho chế biến, nhưng bao nhiêu năm qua chúng tôi vẫn làm theo kiểu “ăn đong” mua đứt, bán đoạn thông qua thương lái”.
Hiện doanh nghiệp trong ngành này chưa có được sự hỗ trợ thiết thực nào từ Nhà nước, từ vay vốn đầu tư đến xúc tiến thương mại phát triển thị trường. Nhà nước nên có thêm những chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào chế biến thay vì chỉ tập trung xuất khẩu sản phẩm tươi nhiều rủi ro.
Bình Nguyên