Dự kiến, giai đoạn 1 của Sân bay quốc tế Long Thành sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác trước năm 2025 với công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Dự kiến, giai đoạn 1 của Sân bay quốc tế Long Thành sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác trước năm 2025 với công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Theo các chuyên gia của ngành hàng không Hàn Quốc, để khai thác hiệu quả Sân bay quốc tế Long Thành cần phát triển tốt vùng phụ cận sân bay. Kinh nghiệm này có thể nhìn từ Sân bay Incheon, Hàn Quốc.
Các chuyên gia Hàn Quốc tham quan mô hình thiết kế nhà ga Sân bay quốc tế Long Thành. |
Đầu năm 2017, các giáo sư Trường đại học Inha và nhà quản lý sân bay quốc tế Incheon (Hàn Quốc) đã đến Đồng Nai hỗ trợ tỉnh thông tin để phát triển khu vực vùng phụ cận Sân bay quốc tế Long Thành. Những khuyến cáo của các chuyên gia rất đáng lưu ý.
Bài học từ Incheon
Giới thiệu về Sân bay trung chuyển quốc tế Incheon, ông Park Ki Chan, thành viên Ban giám đốc Sân bay Incheon, cho biết Chính phủ Hàn Quốc đã cho nghiên cứu Sân bay Incheon từ năm 1992 và đến năm 1996 thì hoàn thành giai đoạn 1, đưa vào khai thác giai đoạn vào năm 2001.
Theo khảo sát của Hội đồng Cảng hàng không quốc tế (ACI), Sân bay Incheon liên tục trong 10 năm liền (2006-2016) lọt vào danh sách những sân bay tốt nhất thế giới. Năm 2016, sân bay này xếp hạng thứ 3 trong nhóm 10 sân bay tốt nhất thế giới. Mỗi năm, Sân bay Incheon vận chuyển 54 triệu lượt hành khách quốc tế và 4,2 triệu tấn hàng hóa. Năm nay, dự kiến khi giai đoạn 3 của sân bay đi vào hoạt động, sẽ có khoảng 66 triệu lượt hành khách quốc tế quá cảnh qua đây.
Đến nay, đã qua 6 năm khai thác nhưng Sân bay Incheon vẫn đang trong quá trình hoàn thiện cụm đô thị xung quanh. Để khai thác triệt để Sân bay Incheon, Chính phủ Hàn Quốc đã cho phát triển 3 khu vực: Songdo, Yeongjong và Cheongna quanh sân bay trở thành các đặc khu kinh tế tự do. Các đặc khu này chỉ cách Sân bay Incheon vài phút di chuyển bằng tàu điện ngầm. Giao thông nơi đây rất thuận tiện, các dịch vụ tiện ích phong phú từ vui chơi giải trí, nghỉ ngơi cho đến dịch vụ logistics đều tốt. Đây là những đặc khu kinh tế tự do đầu tiên của Hàn Quốc đang mang lại nguồn thu khá lớn cho Hàn Quốc mỗi năm.
Theo đánh giá của GS.Ha Hun Koo đến từ Trường đại học Inha, thành công của Sân bay Incheon là việc phát triển khu vực xung quanh sân bay các khu đô thị, dịch vụ đạt tiêu chuẩn cao của thế giới và biến nơi đây trở thành thành phố sân bay (Airport city).
Giữ nguyên quy hoạch
GS.Ha Hun Koo cho biết Hàn Quốc đã đầu tư vào đặc khu kinh tế tự do Incheon gần 36 tỷ USD. Đến nay vẫn đang tiếp tục kêu gọi đầu tư, kể cả trong và ngoài nước cho khu vực này, nhà nước thì tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Khuyến cáo của các chuyên gia Hàn Quốc chỉ ra, với Sân bay quốc tế Long Thành, việc phát triển dịch vụ xung quanh sân bay là rất quan trọng. “Sân bay quốc tế Long Thành nếu được quy hoạch đầu tư phát triển tốt vùng xung quanh sẽ là cơ hội để Đồng Nai phát triển mạnh sau này” - GS.Ha Hun Koo chia sẻ. GS.Ha Hun Koo cũng cho hay, Trường đại học Inha sẵn sàng hỗ trợ Đồng Nai về việc quy hoạch, xây dựng vùng phụ cận Sân bay Long Thành trở thành thành phố sân bay.
Thực trạng về quy hoạch Sân bay Long Thành hiện nay, ngoài 5 ngàn hécta diện tích đất để xây dựng sân bay thì tỉnh cũng đã quy hoạch 21 ngàn hécta đất xung quanh sân bay để xây dựng các khu dịch vụ. Cuối năm 2016, khi làm việc với UBND huyện Long Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái đã yêu cầu Sở Tài nguyên - môi trường hỗ trợ huyện Long Thành giữ quy hoạch để tránh tình trạng người dân tách thửa, sang nhượng đất lộn xộn trong khu vực này.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết đầu năm nay tỉnh sẽ tổ chức đoàn công tác sang Hàn Quốc để học tập kinh nghiệm xây dựng vùng xung quanh sân bay của Incheon, bởi sân bay Long Thành cũng có nhiều điểm tương đồng. Theo khuyến cáo của các chuyên gia Hàn Quốc, điều quan trọng để khai thác tốt Sân bay Long Thành trước tiên là giao thông kết nối với TP.Hồ Chí Minh, các khu công nghiệp và các đô thị xung quanh phải thuận lợi cho nhu cầu vận chuyển hàng hóa.
Khắc Giới