Hòa chung không khí phấn khởi của Xuân Đinh Dậu 2017, niềm vui của hàng ngàn người dân ở một số địa phương vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, như: xã Đắc Lua (huyện Tân Phú), xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) còn được nhân lên gấp bội nhờ những cây cầu khang trang mới được đưa vào sử dụng.
Hòa chung không khí phấn khởi của Xuân Đinh Dậu 2017, niềm vui của hàng ngàn người dân ở một số địa phương vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, như: xã Đắc Lua (huyện Tân Phú), xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) còn được nhân lên gấp bội nhờ những cây cầu khang trang mới được đưa vào sử dụng.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư và Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cắt băng khánh thành và thông xe kỹ thuật cầu Đắc Lua. |
Đã nhiều năm trôi qua, người dân ở xã Đắc Lua, Thanh Sơn mong mỏi có cây cầu nối 2 bờ để việc đi lại thuận lợi. Ước mơ của hàng ngàn hộ dân ở những xã trên đã trở thành hiện thực khi những cây cầu khánh thành.
Mùa xuân mơ ước ở Đắc Lua
Sau gần 17 tháng thi công, cầu Đắc Lua đã được khánh thành và thông xe kỹ thuật vào đúng dịp Tết Đinh Dậu. Qua đó, chính thức chấm dứt cảnh qua sông phải “lụy đò”, phà; mở rộng thông thương và giúp người dân ở đây được tận hưởng cảm giác “mùa vui nay đã về, mùa xuân mơ ước ấy đang đến”. “Đây là cơ hội để địa phương phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo giao thông xuyên suốt, gỡ bỏ các bến phà, cầu phao tạm trước đây. Đồng thời, chính thức mở rộng thông thương, giao lưu với bên ngoài, đặc biệt là việc vận chuyển, trao đổi các mặt hàng nông sản của xã với các địa phương lân cận” - ông Đào Huy Tỉnh, Bí thư Đảng ủy xã Đắc Lua, chia sẻ.
Cầu Đắc Lua nối giữa xã Đắc Lua (huyện Tân Phú) và xã Quảng Ngãi (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng), có tổng chiều dài 362m, rộng 9,5m cho 2 làn xe lưu thông, gồm: phần cầu chính bắc qua sông Đồng Nai và phần đường dẫn đầu cầu kết nối với 2 tuyến đường tỉnh 721 (tỉnh Lâm Đồng) và đường Đắc Lua - Đăng Hà (tỉnh Đồng Nai). Trong đó, phần cầu chính dài 157m, gồm 5 nhịp bê tông cốt thép vĩnh cửu. Tổng kinh phí xây dựng cầu và đường dẫn lên cầu là 59 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh và huyện Tân Phú, khởi công xây dựng từ tháng 8-2015.
Cầu treo Thanh Sơn giúp việc đi lại của người dân địa phương trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. |
Xã Đắc Lua là một trong những xã miền núi, vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh nên giao thông đi lại rất khó khăn, cách trở. Việc cầu Đắc Lua được thông xe và đưa vào sử dụng sẽ giúp cho người dân trong xã đi lại dễ dàng, đảm bảo an toàn giao thông. Bên cạnh đó, đây cũng là một trong những tiêu chí để xã Đắc Lua xây dựng nông thôn mới. “Có cầu bây giờ nhà tôi không còn cảnh phải gánh lúa qua bên kia sông chà từ sáng tới trưa mới được bao gạo, cũng không phải đưa con đợi phà từ rất sớm để kịp giờ học mỗi ngày” - chị Trần Thị Ngọt (ngụ ấp 4, xã Đắc Lua) hồ hởi nói.
Bà Nguyễn Thị Sun (ngụ ấp 5A) chia sẻ: “Trước đây, khi chưa có cầu, chúng tôi phải đi phà, thường đợi 15-20 phút mới có một chuyến. Phà lại không hoạt động về ban đêm nên mỗi khi cần về xuôi cấp cứu buộc phải đi qua cầu phao tạm, rất nguy hiểm. Từng có nhiều trường hợp đuối nước ở cầu phao đó rồi, nhất là vào mùa mưa lũ. Nay có cầu mới, tôi phấn khởi lắm”.
Còn ông Nguyễn Thanh Phong (85 tuổi, ở ấp 4) tâm sự: “Là một trong những người về khai phá và sống ở đây từ năm 1975, tôi rất mừng vì cây cầu mơ ước bấy lâu nay đã trở thành hiện thực. Từ nay, người dân sẽ thuận lợi trong việc vận chuyển, mua bán nông sản”.
Nối liền Thanh Sơn - Ngọc Định
Theo ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh, trong quá trình thi công cầu Đắc Lua đã gặp không ít khó khăn về điều kiện tự nhiên, địa chất nhưng với sự ủng hộ của người dân ở 2 đầu cầu và nỗ lực của địa phương và các cơ quan liên quan, đến nay cầu Đắc Lua đã được đưa vào sử dụng đảm bảo chất lượng, mỹ thuật. Ngoài việc tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương, phát triển kinh tế - xã hội của người dân 2 tỉnh, cầu Đắc Lua sẽ là tiền đề để xã Đắc Lua tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. |
Sau nhiều năm mòn mỏi chờ đợi, người dân xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) cũng được tận hưởng niềm vui bên cây cầu treo mới nối liền 2 xã Thanh Sơn và Ngọc Định.
Theo ông Ngô Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, cây cầu treo này được thi công trong vòng 10 tháng và khánh thành vào tháng 8-2016, với tổng mức đầu tư 13 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách của tỉnh và huyện. Cầu có phần chính dài 100m, rộng 3m, được thiết kế theo kiểu dây văng với trọng tải 2 tấn. Cầu phục vụ việc đi lại bằng xe máy, xe hơi và vận chuyển hàng hóa nhỏ lẻ của người dân địa phương.
“Nhờ cây cầu treo mới mà tết này người dân đi du xuân thuận lợi và háo hức hơn nhiều so với những năm trước, đặc biệt không còn cảnh các loại xe máy, xe hơi ùn ứ đợi phà như xưa nữa. Bên cạnh đó, cùng với hệ thống đường sá, điện đường được nâng cấp và xây mới, cây cầu này đã giúp việc vận chuyển các loại nông sản, phân bón… bằng xe máy, xe chở hàng loại nhỏ trở nên dễ dàng, tiết kiệm chi phí hơn” - ông Trần Sĩ Lục, Bí thư Chi bộ ấp 1, ngụ ngay bên cạnh cầu treo Thanh Sơn, cho biết.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Kim Loan ở ấp 2, xã Thanh Sơn, chia sẻ: “Trước đây khi đi phà, mỗi người phải mất mức phí 4 ngàn đồng/lượt (một người, 1 xe máy). Thời điểm cận tết, tăng lên đến 10 ngàn đồng/lượt, ban đêm có khi còn bị “hét” giá 20 ngàn đồng/lượt. Nay có cây mới, giao thông được thông suốt, việc đi lại của chúng tôi cũng được tiết kiệm đáng kể”.
Hải Quân