Ngày 9-1, tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ Tài nguyên - môi trường với các tỉnh, thành cả nước để tổng kết công tác năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017, vấn đề được quan tâm nhất là quản lý, xử lý tình trạng ô nhiễm...
Ngày 9-1, tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ Tài nguyên - môi trường với các tỉnh, thành cả nước để tổng kết công tác năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017, vấn đề được quan tâm nhất là quản lý, xử lý tình trạng ô nhiễm, quy hoạch sử dụng đất, cấp sổ đỏ.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư và Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh kiểm tra môi trường tại Công ty cổ phần môi trường Đồng Xanh. |
Theo Bộ Tài nguyên - môi trường, trong năm 2016 Bộ đã phối hợp với các địa phương “siết” lại công tác quản lý chặt trên các lĩnh vực. Cụ thể, đã thanh kiểm tra 1.816 cuộc trên lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường và xử phạt hành chính gần 61 tỷ đồng, thu hồi hơn 5.300 hécta đất và 59 tỷ đồng. Song vẫn còn tồn tại những hạn chế, khiếu nại, tranh chấp đất đai còn nhiều, phức tạp; ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng, rừng đầu nguồn suy giảm, khai thác trái phép khoáng sản tuy có giảm nhưng vẫn còn là điểm “nóng” ở một số địa phương...
* CHÚ TRỌNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG
Tại đầu cầu Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh chủ trì hội nghị. Đồng Nai kiến nghị 4 vấn đề là: mỗi năm Đồng Nai cấp khoảng 150 ngàn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đều miễn phí, gây khó khăn cho ngân sách nên đề nghị Bộ Tài nguyên - môi trường chỉ nên cấp miễn phí lần đầu, những lần chuyển nhượng sau nên tính phí để giảm chi cho ngân sách; phân cấp về cho chủ tịch cấp huyện ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bớt áp lực cho Sở Tài nguyên - môi trường; có quy định cụ thể trong quan trắc tự động để dễ quản lý, xử lý; rút ngắn thời gian buộc các doanh nghiệp xử lý rác phải sớm đạt tiêu chuẩn chôn lấp dưới 15%, vì Đồng Nai có quy định năm 2017 các doanh nghiệp xử lý rác chỉ được chôn lấp dưới 15%. |
Phó chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Lê Văn Khoa cho biết: “Giảm ô nhiễm môi trường là một trong 7 nhiệm vụ quan trọng nhất của thành phố trong năm 2017. Hiện nay, TP.Hồ Chí Minh có 300 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, 8 triệu ô tô, xe máy. Đây là một thách thức lớn trong quản lý và bảo vệ môi trường. Để bảo vệ môi trường, thành phố buộc các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm phải dời vào các khu công nghiệp để xử lý chất thải đạt chuẩn”.
TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác cũng rất chú trọng đến việc xử lý chất thải rắn thành điện, đốt giảm tỷ lệ chôn lấp; tìm giải pháp giảm ô nhiễm môi trường không khí. Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nói: “Thành phố đang mời gọi tư nhân đầu tư vào xử lý chất thải rắn và xử lý ô nhiễm về không khí nhằm tạo ra môi trường trong sạch. Chính phủ có chính sách ưu đãi để mời gọi đầu tư vào lĩnh vực này”.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa, trong năm các tỉnh, thành đã chú trọng và làm tốt công tác bảo vệ môi trường. Thế nhưng, ở một số địa phương vẫn còn để xảy ra sự cố về môi trường, nổi cộm nhất là vụ sự cố môi trường ở 4 tỉnh miền Trung. Năm 2016, ngành tài nguyên - môi trường đã tổ chức 559 cuộc thanh tra, kiểm tra về môi trường ở 2.500 tổ chức có nguồn thải lớn ra sông, biển để đánh giá công tác bảo vệ môi trường, đề xuất các giải pháp xử lý. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường còn phức tạp, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường, các làng nghề còn sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm. Nước thải sinh hoạt tại nhiều khu đô thị, khu dân cư chưa được xử lý, rác thải công nghiệp, sinh hoạt chưa được thu gom, quản lý tốt.
* NHŨNG NHIỄU DÂN SẼ XỬ NGHIÊM
Dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, như: rút ngắn được thời gian giải quyết hồ sơ về đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đánh giá tác động môi trường... song Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận vẫn còn tồn tại một số hạn chế chính sách pháp luật trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu chưa theo kịp thực tiễn. Người dân và doanh nghiệp vẫn còn phàn nàn, chưa hài lòng về tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ công chức ngành tài nguyên - môi trường trong giải quyết thủ tục hành chính. “Các địa phương phải rà soát lại bộ máy lĩnh vực tài nguyên - môi trường để đảm bảo hoạt động tốt. Nếu phát hiện cán bộ, công chức nhũng nhiễu dân, phải xử lý thật nghiêm” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu.
Theo đại diện một số bộ, ngành, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở một số địa phương còn chồng chéo. Do đó, Bộ Tài nguyên - môi trường nên phối hợp với các địa phương phân cấp xử lý cho phù hợp, giảm việc tranh chấp, khiếu nại; tiếp tục đơn giản thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường và công khai rõ ràng các thủ tục, quy hoạch trên mạng internet để người dân, doanh nghiệp biết, giảm tình trạng một số cán bộ lợi dụng gây phiền hà cho người dân để trục lợi riêng.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Người dân vẫn còn kêu ca nhiều về việc giải quyết thủ tục hành chính đất đai, môi trường. Một số cán bộ công chức chưa có trách nhiệm trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì thế, Bộ Tài nguyên - môi trường nhanh chóng hoàn thiện thể chế, bổ sung, điều chỉnh kịp thời các quy định không phù hợp để tạo môi trường thông thoáng cho người dân”. Phó thủ tướng cũng chỉ đạo phải xử lý thật nghiêm cán bộ công chức nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm gây khó cho người dân, doanh nghiệp. Trong năm 2017, cần giám sát các dự án thật kỹ, nếu phát hiện ô nhiễm môi trường thì không cho xây dựng; tăng cường kiểm tra về môi trường nhưng không để ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Hương Giang