Báo Đồng Nai điện tử
En

Cánh đồng lớn cho cây điều

10:01, 08/01/2017

Năm 2016, dự án cánh đồng lớn của cây điều tại xã An Viễn (huyện Trảng Bom) đã thu hút được doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm. Doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu hạt điều với giá cao hơn từ 1-2 ngàn đồng/kg so với mặt bằng chung thương lái thu mua.

Năm 2016, dự án cánh đồng lớn của cây điều tại xã An Viễn (huyện Trảng Bom) đã thu hút được doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm. Doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu hạt điều với giá cao hơn từ 1-2 ngàn đồng/kg so với mặt bằng chung thương lái thu mua.

Ông Phạm Văn Tuấn giới thiệu cây điều giống cao sản được ông trồng tại khu vực sân phơi ông mới đầu tư tại xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom). Ảnh: Lê Quyên
Ông Phạm Văn Tuấn giới thiệu cây điều giống cao sản được ông trồng tại khu vực sân phơi ông mới đầu tư tại xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom). Ảnh: Lê Quyên

Theo ông Phạm Văn Tuấn, chủ Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Tuấn Sang (xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom), dự án cánh đồng lớn mang lại nhiều lợi ích cho nông dân. Nông dân gắn bó lâu dài với cây điều thì doanh nghiệp mới có nguồn nguyên liệu ổn định để sản xuất.

Mở rộng đầu tư trong khó khăn

Theo ông Tuấn, giá hạt điều khô hiện đang ở mức 50 ngàn đồng/kg, là mức giá cao kỷ lục từ khi có cây điều đến nay. Giá cao, nông dân mừng nhưng doanh nghiệp trong ngành kinh doanh, chế biến hạt điều phải đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro cũng càng lớn. Nhưng ông chủ DNTN Tuấn Sang hiện đang đầu tư thêm khu sân phơi hạt điều mới rộng khoảng 3 hécta tại xã Hưng Thịnh (huyện Trảng  Bom). Ngoài mấy ngàn m2 làm khu vực phơi hạt điều, diện tích đất còn lại ông cho trồng tiêu, cây ăn trái và trồng các giống điều mới vì ông chủ doanh nghiệp này là người mê cây điều.

Ông Tuấn chia sẻ: “Giá hạt điều tăng cao, rủi ro cho doanh nghiệp càng lớn. Có nhiều đơn hàng tôi chấp nhận lỗ vốn để giữ thị trường, giữ bạn hàng. Mình không thể chỉ nhìn vào lợi nhuận trước mắt mà phải tính bước đường dài, hiểu thị trường và tổ chức quản lý tốt thì trong khó khăn vẫn không thiếu cơ hội”. Hiện DNTN Tuấn Sang đang thu mua hạt điều tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhưng cơ sở sản xuất, kinh doanh đều tập trung đầu tư tại huyện Trảng Bom vì đây là vùng cây điều phát triển rất mạnh. Mặt khác, ông cũng muốn bắt đầu việc liên kết, chia sẻ lợi ích cho nông dân địa phương ở miền quê nơi ông sinh sống. Tham gia dự án cánh đồng lớn, doanh nghiệp chưa tiếp cận được những gói ưu đãi nhưng ông vẫn mạnh dạn làm vì nông dân trồng điều được hưởng lợi rất nhiều. Ông Tuấn khẳng định: “Có nông dân, doanh nghiệp mới tổ chức được vùng nguyên liệu để ổn định sản xuất”.

“Nhắm” hướng đi bền vững

Ông Tuấn chia sẻ: “Tôi gắn bó với ngành điều hơn 20 năm qua, bắt đầu từ một đại lý thu mua nông sản nho nhỏ. Hơn 10 năm làm kinh doanh, tôi mới bắt đầu thành lập doanh nghiệp để mở rộng hoạt động thu mua, vừa tổ chức chẻ hạt điều để cung cấp nhân cho các doanh nghiệp xuất khẩu”. Song song với việc tổ chức tốt nguồn cung nguyên liệu, ông mở rộng các vệ tinh chẻ hạt điều theo hình thức cung cấp hạt điều cho các cơ sở này làm gia công và thu  mua lại nhân điều. DNTN Tuấn Sang cũng hợp tác với doanh nghiệp xuất khẩu để luôn đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Gắn bó với cây điều, ông hiểu rõ đặc điểm của từng vùng sản xuất để luôn đánh giá chính xác chất lượng hạt điều mình thu mua. Theo ông Tuấn, chất lượng nhân điều là yếu tố quyết định sức cạnh tranh trong ngành này, và hiện nay hạt điều nội địa vẫn đứng đầu về chất lượng. Cụ thể, chỉ hạt điều trong nước mới đủ độ thơm, độ béo để làm dòng hạt điều rang muối. Tuy dòng sản phẩm này vẫn chủ yếu tiêu thụ tại thị trường nội địa và bắt đầu giai đoạn thăm dò thị trường xuất khẩu nhưng tiềm năng là rất lớn. Ông Tuấn nhấn mạnh: “Nông dân trồng điều cũng rất nhanh nhạy trong ứng dụng giống mới, tổ chức trồng xen canh... để tăng giá trị cho cây điều. Doanh nghiệp bắt tay với nông dân làm cánh đồng lớn cũng với mục tiêu làm ra dòng sản phẩm an toàn, chất lượng bằng việc kiểm soát từ quy trình trồng đến chế biến để cây điều thật sự phát triển bền vững”.

Lê Quyên

Tin xem nhiều