Từ giữa tuần trước, giá USD trên thị trường tự do lên đến gần 23 ngàn đồng/USD, cao nhất trong vòng 10 năm qua. Giá USD biến động lớn, doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi, nhưng DN nhập khẩu lại lo lắng.
Từ giữa tuần trước, giá USD trên thị trường tự do lên đến gần 23 ngàn đồng/USD, đẩy giá USD lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Giá USD biến động lớn, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thuận lợi, nhưng DN nhập khẩu lại lo lắng bởi giá nhiều mặt hàng sẽ tăng.
Giá USD tăng cao, ngành dệt may sẽ bị ảnh hưởng vì 60-90% nguyên liệu sản xuất được nhập khẩu. |
Ngày 28-11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD là 22.132 đồng, giảm 5 đồng so với cuối tuần qua. Nhưng tại các ngân hàng thương mại, giá USD buổi sáng tăng nhẹ từ 10-20 đồng/USD, nhưng buổi chiều lại được điều chỉnh giảm nhẹ về mức tương đương với cuối tuần trước. Giá USD tăng khiến các DN nhập khẩu hàng hóa và nguyên liệu sản xuất gặp khó khăn lớn. DN xuất khẩu có lợi nhưng phần lớn đều mong tỷ giá ổn định.
Hàng nhập khẩu sẽ tăng giá
Hầu hết DN nhập khẩu hàng hóa đều khẳng định giá USD tăng mạnh khiến giá những mặt hàng đều rục rịch tăng theo. Theo đó, chỉ những DN nhập khẩu hàng hóa dự trữ số lượng lớn từ giữa năm thì chưa chịu tác động lớn. Những mặt hàng được nhập khẩu gần 2 tháng trở lại đây đều chịu tác động lớn khi giá USD tăng.
Vietcombank chi nhánh Đồng Nai là nơi có giao dịch USD nhiều nhất trong các ngân hàng. |
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thảo, Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ ô tô Kim Sơn (TP.Biên Hòa), cho hay: “Giá USD tiếp tục giữ mức cao như hiện nay thì giá các loại ô tô nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước thời gian tới sẽ tăng, vì xe lắp ráp trong nước phụ tùng, máy móc hầu hết là nhập khẩu. Hiện giá xe ô tô chưa tăng là vì xe nhập nguyên chiếc và phụ tùng được nhập về trước thời điểm tỷ giá biến động mạnh”.
Những mặt hàng điện máy nhập khẩu trong thời gian gần đây cũng đã được các cửa hàng, đại lý điều chỉnh tăng giá. Ông Trần Văn Lợi, Phó giám đốc điều hành chi nhánh Công ty TNHH mua sắm Đệ nhất Phan Khang (TP.Biên Hòa), cho biết: “Mặt hàng máy lạnh được thị trường tiêu thụ nhanh, hàng nhập khẩu thường xuyên nên giá USD tăng dẫn đến giá mặt hàng này cũng tăng theo. Còn những sản phẩm điện máy khác, công ty vẫn giữ nguyên giá là do hàng đã nhập khẩu khi USD chưa có biến động lớn”.
Không chỉ DN mà nông dân cũng sẽ chịu tác động lớn khi giá USD lên “cơn sốt” vì nhiều nguyên liệu đầu vào cho trồng trọt, chăn nuôi phải nhập khẩu, như: phân bón hóa học, bắp, đậu nành và một số nguyên liệu khác để sản xuất thức ăn chăn nuôi. “Mỗi tháng công ty nhập khẩu từ 5-7 ngàn tấn bắp, đậu nành để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Do đó, giá USD chỉ cần biến động lớn trong vòng 1 tháng là công ty cũng như nhiều DN sản xuất thức ăn chăn nuôi khác buộc điều chỉnh giá sản phẩm tăng tương ứng để bù lại” - ông Phạm Đức Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình (TP.Biên Hòa), nói.
Xuất khẩu có hưởng lợi?
Là doanh nghiệp sản xuất găng tay cao su vừa tiêu thụ trong nước vừa xuất khẩu, ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (xã Long An, huyện Long Thành), cho rằng giá USD tăng, nhìn chung DN xuất khẩu có lợi. Song thực sự hưởng lợi ở đây phải là những ngành hàng có nguyên phụ liệu từ trong nước, như: cao su, chế biến gỗ hoặc nông sản. Với những ngành xuất khẩu nhưng nguồn nguyên phụ liệu phải nhập khẩu, như: dệt may, giày dép, việc hưởng lợi từ giá USD tăng là không nhiều. Cũng theo ông Long, doanh nghiệp sản xuất luôn mong muốn giá USD ổn định hơn là biến động tỷ giá cho dù là tăng, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu. Không chỉ ông Long mà nhiều chủ DN khác cũng cho rằng vào thời điểm cuối năm, khi mùa sản xuất hàng tăng mạnh, họ đều ngán ngại biến động tỷ giá USD sẽ gây ảnh hưởng đến sản xuất.
Phân tích sâu về thị trường xuất khẩu, trong trường hợp giá USD giữ ở mức cao một thời gian dài, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, chia sẻ nếu giá USD tăng cao kéo dài khoảng 6 tháng, lúc đó ở góc độ nhà nhập khẩu hàng sẽ bất lợi, sản phẩm ở các thị trường đều tăng, có thể ảnh hưởng đến tiêu thụ hàng hóa. Như vậy, các đối tác nhập khẩu hàng sẽ đàm phán hạ giá sản phẩm để chia sẻ khó khăn mà họ gặp phải. Như vậy, việc giá USD tăng cao trong thời gian dài không phải hoàn toàn có lợi. Rủi ro về tỷ giá của đối tác cũng sẽ ảnh hưởng đến DN xuất khẩu.
Hương Giang - Khắc Giới