KCN Biên Hòa 1 hình thành từ năm 1963, đã qua hơn 50 năm sử dụng, công nghệ ứng dụng đã lạc hậu, dẫn đến ô nhiễm nặng. Mong muốn của tỉnh, người dân là chuyển đổi KCN nhanh để giảm ô nhiễm môi trường.
Chủ đầu tư dự án chuyển đổi công năng khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ là Tổng công ty phát triển KCN (Sonadezi) vừa đề nghị tỉnh cho điều chỉnh cục bộ phân khu tỷ lệ 1/2.000 cho phù hợp với phát triển chung của TP.Biên Hòa và tỉnh. Mong muốn của tỉnh, người dân là chuyển đổi KCN nhanh để giảm ô nhiễm môi trường.
Một góc Khu công nghiệp Biên Hòa 1 hiện hữu. |
KCN Biên Hòa 1 hình thành từ năm 1963 với tổng diện tích 335 hécta, đất cho thuê gần 252 hécta. Thời gian sử dụng của KCN Biên Hòa 1 đã trên 50 năm, công nghệ ứng dụng của các công ty, nhà máy trong KCN đã lạc hậu, dẫn đến ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước và không khí trong khu vực, đặc biệt là lưu vực sông Đồng Nai. Vì vậy, việc di dời KCN Biên Hòa 1 được hầu hết người dân trong tỉnh ủng hộ.
Tăng hiệu quả sử dụng đất
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, hiện nay việc sử dụng đất của các nhà máy hoạt động trong KCN Biên Hòa 1 thực sự không hiệu quả, nhiều nhà máy đã ngưng hoạt động, sử dụng đất làm bãi container, bãi đậu xe... Do đó, di dời KCN Biên Hòa 1 và chuyển đổi công năng thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ sẽ nâng cao được hiệu quả sử dụng đất, tránh lãng phí khu đất “vàng”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho hay: “Việc di dời các nhà máy trong KCN Biên Hòa 1 cần triển khai nhanh nhằm bảo vệ môi trường không khí và nước hạ lưu sông Đồng Nai. Điều chỉnh quy hoạch cục bộ các phân khu trong dự án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 sẽ giúp khai thác quỹ đất tốt hơn, gắn kết hài hòa với quy hoạch chung của tỉnh và khu vực vùng TP.Hồ Chí Minh”. Sau khi chuyển đổi, đất ở chung cư, đất ở biệt thự có diện tích gần 20 hécta; đất ở kết hợp với thương mại hơn 96 hécta; đất công cộng - dịch vụ gần 94 hécta; đất cây xanh kết hợp với dịch vụ du lịch, thể dục - thể thao hơn 42 hécta; đất dành cho phát triển hệ thống giao thông gần 62 hécta; còn lại là đất cây xanh cách ly.
Theo tính toán của TP.Biên Hòa, kinh phí bồi thường cho 322 hộ dân trong KCN Biên Hòa 1 là hơn 500 tỷ đồng. Tỉnh đã thống nhất sẽ ứng ngân sách số tiền trên để sớm bồi thường, tái định cư cho người dân. |
Dự án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 có tổng vốn đầu tư gần 11,4 ngàn tỷ đồng. Hiện Sonadezi đang lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ phân khu tỷ lệ 1/2.000. Trong đó, sẽ điều chỉnh một phần đất từ chức năng cây xanh - thể dục thể thao, đất cây xanh kết hợp với dịch vụ du lịch sang đất an ninh và đất hành chính. “Điều chỉnh quy hoạch cục bộ một số phân khu sẽ không ảnh hưởng đến quy hoạch chung của dự án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1, mà còn tăng thêm lợi thế cho đô thị dịch vụ thương mại sau khi đã chuyển đổi công năng” - ông Trần Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Sonadezi, nói.
Nhanh chóng di dời
Hiện trong KCN Biên Hòa 1 có khoảng 322 hộ dân đang sinh sống. Trước đây, những hộ dân này thuộc diện phải di dời để thực hiện dự án chỉnh trang KCN Biên Hòa 1, nhưng sau đó dự án dừng lại để chuyển sang dự án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 nên các hộ dân bị “treo” hơn 10 năm, rất khó khăn. Ông Nguyễn Tấn Long, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa đề xuất: “Trong dự án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 nên ưu tiên bồi thường, tái định cư cho 322 hộ dân trước để người dân ổn định cuộc sống và tránh phát sinh thêm những hộ dân mới. Thành phố đã có sẵn nơi tái định cư cho những hộ dân trên và chỉ đợi tỉnh bồi thường sẽ thu hồi đất và giao đất sạch cho chủ đầu tư”.
Đồng quan điểm với ông Long, Phó giám đốc Sở Xây dựng Lý Thành Phương nhận định: “Song song với việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ một số phân khu, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với chủ đầu tư, TP.Biên Hòa di dời nhanh các hộ dân còn trong KCN và tiếp đến là doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Có đất sạch đến đâu, triển khai dự án đến đó sẽ nhanh hơn”.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, sắp tới ngân sách tỉnh sẽ ứng tiền để bồi thường cho các hộ dân đang sinh sống trong KCN Biên Hòa 1 để sớm di dời đến khu tái định cư, đảm bảo cuộc sống. Đồng thời, chủ đầu tư rà soát lại xem trong KCN có bao nhiêu nhà máy đang hoạt động và phân làm 2 nhóm: nhóm doanh nghiệp đã chọn được nơi di dời, nhóm doanh nghiệp chưa có nơi di dời đến, từ đó làm việc với từng nhóm doanh nghiệp để có lộ trình di dời nhanh. Việc điều chỉnh quy hoạch, chủ đầu tư hoàn tất trong tháng 11 để trình HĐND tỉnh trong tháng 12-2016. Dự án sẽ thực hiện theo kiểu cuốn chiếu, có đất sạch là làm không đợi bồi thường giải phóng mặt bằng xong mới thực hiện sẽ rất lâu và phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Ông Vĩnh cũng yêu cầu Sở Giao thông - vận tải, Sở Xây dựng làm việc với TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương để thống nhất phương án đề xuất kéo tuyến metro về thẳng ngã tư Vũng Tàu kết nối với Khu đô thị thương mại dịch vụ Biên Hòa 1 trong tương lai, bỏ phương án kéo tuyến metro qua cù lao Hiệp Hòa ra KCN Amata.
Khánh Minh