Không chỉ giao thông trong nội ô TP.Biên Hòa quá tải, mà ngay cả các tuyến giao thông kết nối với các khu vực ngoại vi đến các khu công nghiệp của thành phố cũng quá ít dẫn đến quá tải thường xuyên vào các giờ cao điểm.
Không chỉ giao thông trong nội ô TP.Biên Hòa quá tải, mà ngay cả các tuyến giao thông kết nối với các khu vực ngoại vi đến các khu công nghiệp của thành phố cũng quá ít dẫn đến quá tải thường xuyên vào các giờ cao điểm. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho tình trạng ùn tắc giao thông ngày một gia tăng ở các cửa ngõ thành phố.
Kẹt xe thường xuyên xảy ra trên đường Bùi Văn Hòa (TP.Biên Hòa), đoạn vào Khu công nghiệp Long Bình. |
Để có thể giảm ùn tắc giao thông một cách hiệu quả, những tuyến đường kết nối cho khu vực phường Long Bình rất cần thiết bởi khu vực này đang trở thành “rốn”, tập trung các đầu mối giao thông.
Đơn điệu hệ thống giao thông
Thực tế cho thấy, dù tuyến đường tránh TP.Biên Hòa (đường Võ Nguyên Giáp) đã được xây dựng, song vẫn chưa thể giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông cho khu vực cửa ngõ các khu công nghiệp. Hiện nay, xe từ các khu công nghiệp Amata, Long Bình (Loteco), Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) và một phần Khu công nghiệp Biên Hòa 2 đều đổ dồn ra quốc lộ 1. Lượng xe này muốn thoát ra đường Võ Nguyên Giáp thì chỉ có cách duy nhất là đi qua đường Bùi Văn Hòa (nối quốc lộ 1 với đường Võ Nguyên Giáp), trong khi đó con đường này lại đang quá tải do lượng xe trực tiếp ở 2 khu công nghiệp Biên Hòa 2 và Long Bình đi ra.
Theo lãnh đạo tỉnh, nếu tuyến đường kết nối được với khu vực cổng Khu công nghiệp Amata giao thông sẽ thuận tiện hơn. “Nếu kết nối vào đường Điểu Xiển thì đoạn đầu tuyến đường Điểu Xiển phải tiếp tục mở rộng 32m (hiện mặt đường 7m) mới đồng bộ, nếu không sẽ rơi vào tắc nghẽn, không hiệu quả” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh. |
Theo Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, hiện đường kết nối giữa các trục đường lớn của TP.Biên Hòa quá ít so với nhu cầu, vì vậy vào giờ cao điểm, đông xe qua lại thì ngay lập tức bị ùn tắc, không có lối thoát. Đại diện Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa chia sẻ: “Hiện tại đường Bùi Văn Hòa chưa được mở rộng, mặt đường chỉ hơn 10m, vào giờ cao điểm ngày nào cũng kẹt xe. Mặt đường thì hẹp nên khi xe từ 2 khu công nghiệp Biên Hòa 2 và Long Bình dồn ra thì khó tránh được kẹt xe, kể cả áp dụng biện pháp cấm giờ giao thông cho các xe tải”.
Đồng quan điểm này, Giám đốc Sở Giao thông - vận tải Trịnh Tuấn Liêm cho rằng giao thông kết nối cho khu vực phường Long Bình hiện chưa được ổn do đặc thù khu vực này có mật độ dân cư, khu công nghiệp lớn nhưng mật độ đường giao thông lại rất thấp. Thực tế là tất cả các phương tiện giao thông hiện đều dồn lên đường Bùi Văn Hòa, trong khi tuyến đường này lại chật hẹp và xuống cấp.
Mở đường kết nối
Để giải quyết một cách căn cơ hơn việc ùn tắc giao thông cho khu vực này, UBND tỉnh cũng đã cho nghiên cứu một tuyến kết nối giữa đường Võ Nguyên Giáp với đường Điểu Xiển. Đường có chiều dài gần 8km, chiều rộng là 32m, đầu tuyến giao với đường Võ Nguyên Giáp (cách vòng xoay cổng 11 khoảng 3km), cuối tuyến giao với đường Điểu Xiển (gần Ga Hố Nai).
Tính toán của đơn vị tư vấn cho thấy, tổng đầu tư cho dự án này khoảng 550 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 380 tỷ đồng. Với hướng tuyến đã xác lập, tuyến đường này sẽ chia sẻ phần lớn lưu lượng giao thông cho đường Bùi Văn Hòa và quốc lộ 1. Tuyến đường này kết nối các khu công nghiệp: Amata, Long Bình, ICD Tân Cảng - Long Bình, Cụm công nghiệp quốc phòng C45 và các kho: J250, K840B, K860...
Cũng theo thống kê của đơn vị tư vấn, tổng diện tích các dự án khu công nghiệp tiếp cận trực tiếp với tuyến đường hơn 900 hécta. Sở Giao thông - vận tải đánh giá tuyến đường này tuy được xây dựng mới hoàn toàn nhưng do hướng tuyến chạy chủ yếu trong đất quốc phòng, dân cư ít nên chi phí giải phóng mặt bằng khá thấp. Tổng chi phí đầu tư tuyến đường này thấp, bằng một nửa so với việc mở rộng đường Bùi Văn Hòa.
Khi xem xét đề xuất hướng tuyến của dự án này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh yêu cầu đơn vị tư vấn nghiên cứu thêm phương án điểm cuối kết nối với khu vực cổng Khu công nghiệp Amata, thay vì ra đường Điểu Xiển.
Khắc Giới