Báo Đồng Nai điện tử
En

Đô thị xanh, sạch nhìn từ ý thức người dân

11:11, 16/11/2016

Mỗi ngày, TP.Biên Hòa có gần 658 tấn rác sinh hoạt, tỷ lệ thu gom xử lý được khoảng 97,5%. Như vậy, vẫn còn gần 17 tấn rác sinh hoạt/ngày chưa thu gom xử lý.

Mỗi ngày, TP.Biên Hòa có gần 658 tấn rác sinh hoạt, tỷ lệ thu gom xử lý được khoảng 97,5%. Như vậy, vẫn còn gần 17 tấn rác sinh hoạt/ngày chưa thu gom xử lý. Trong đó, một phần rác bị người dân thiếu ý thức đổ ra ven đường, những khu đất trống hoặc kênh rạch gây ô nhiễm.

Nhiều người dân thiếu ý thức vẫn quăng rác sinh hoạt xuống suối Săn Máu (TP.Biên Hòa).
Nhiều người dân thiếu ý thức vẫn quăng rác sinh hoạt xuống suối Săn Máu (TP.Biên Hòa).

Những khi mưa lớn, người dân sống ở những khu vực ven sông, suối của TP.Biên Hòa, đặc biệt là khu vực hạ lưu rất bức xúc vì rác trôi về có khi bịt kín miệng cống khiến nước thoát chậm, dâng lên gây ngập. Ngay trên các con đường nội ô thành phố, rác sinh hoạt cuốn đầy đường, bịt kín các miệng cống thoát nước làm tình trạng ngập lụt trong mùa mưa của thành phố thêm nghiêm trọng.

Ý thức chưa cao

Vào mùa mưa cảnh tượng một số người dân tự nguyện hoặc những đơn vị chức năng phải cử người xuống những khu vực hay bị ngập lụt để vớt rác trên suối, miệng cống thoát nước đã không còn lạ lẫm. Sau những cơn mưa, nước rút đi để lại các con đường đầy rác, vừa ô nhiễm lại vừa mất mỹ quan của thành phố. Nguyên nhân gây ra tình trạng trên là do một số người dân thiếu ý thức còn để rác, quăng rác sinh hoạt bừa bãi ra đường, xuống sông, suối.

Bà Hàn Thị Ngọc Thủy, sống  gần suối Săn Máu (thuộc KP.7, phường Tân Phong) nói: “Cứ mỗi lần mưa lớn là mặt suối lại đầy rác. Những khu vực miệng cống có khi rác ứ lại, nước thoát không được nên một số người dân gần đó đã tự vớt rác lên cho nước thoát nhanh. Tôi nghĩ thành phố phải có biện pháp xử lý mạnh để không còn tình trạng vứt rác bừa bãi ra nơi công cộng”.

Trong dịp đối thoại trực tiếp với người dân Biên Hòa về tình trạng ngập lụt ở nhiều khu vực của thành phố trong mùa mưa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, ngập úng tại TP.Biên Hòa có nguyên nhân là do hệ thống thoát nước xây dựng từ lâu đã quá tải, tỉnh chưa có đủ nguồn vốn lớn để đầu tư dự án thoát nước đồng bộ. Nhưng cũng có những nguyên nhân chủ quan gây ngập úng như nhiều người dân ở Biên Hòa còn vứt rác bừa bãi xuống suối, hoặc người dân ven các đường lớn còn quét rác, đất xuống các miệng cống thu nước gây bồi lắng, khi mưa lớn nước thu và thoát chậm, gây ra tình trạng ngập úng lâu hơn. Nếu mỗi người dân Biên Hòa đều có ý thức bảo vệ môi trường nơi công cộng, không vứt rác bừa bãi thì thành phố sẽ xanh - sạch - đẹp.

Đi quanh các con đường lớn của TP.Biên Hòa sẽ không khó gặp những đống rác sinh hoạt bị người dân đổ trộm ra ven đường. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm mất mỹ quan thành phố. Còn các con suối, sau những cơn mưa rác trơ ra đầy và còn bốc mùi hôi.

Bà Nguyễn Thị Nga (KP.5, phường Tân Phong) chia sẻ: “Tôi thường xuyên chứng kiến cảnh một số người dân thiếu ý thức khi đi qua quăng rác sinh hoạt xuống chân cầu Săn Máu. Ban ngày trời nắng, rác phân hủy bốc mùi rất hôi. Có hôm tôi phải kêu mấy đứa con vớt rác lên cho vào bịch để buổi trưa xe gom rác sinh hoạt đến lấy đi”.

Xử lý chưa nghiêm

Sở dĩ còn xảy ra tình trạng trên là do những người dân thiếu ý thức vứt rác sinh hoạt bừa bãi chưa bị xử lý nghiêm. Nếu thành phố có biện pháp xử phạt thật mạnh tay, tình trạng này sẽ giảm.

Ông Nguyễn Văn Trung ở phường Trảng Dài bày tỏ: “Hiện nay, mỗi ngày xe thu gom rác sinh hoạt đều vào tận cổng để lấy và mỗi hộ chỉ đóng khoảng 28 ngàn đồng/tháng. Thế nhưng, một số gia đình chỉ vì tiếc vài chục ngàn đồng nên lén đem rác đi quăng bừa bãi xuống suối, ven đường, bãi đất trống. Tôi nghĩ những trường hợp này nếu bắt được phải xử phạt thật nặng”. Cũng theo ông Trung, vào chiều tối một số người thường chạy ngang qua cầu Đồng Khởi và quăng rác xuống suối. Điều này góp phần dẫn đến mấy trận mưa lớn trong tháng 9,10 vừa qua, khu vực này ngập nặng trong thời gian dài là do rác cản dòng chảy của suối, nước thoát chậm. Hiện nay, TP.Biên Hòa đã được công nhận đô thị loại I, để thành phố xanh - sạch - đẹp đòi hỏi mỗi người dân thành phố đều phải có ý thức và góp sức trong việc bảo vệ môi trường, mỹ quan cho thành phố.

Trong cuộc họp tìm giải pháp chống ngập cho TP.Biên Hòa trong mùa mưa 2016, Chủ tịch UBND thành phố Phạm Anh Dũng khẳng định: “Ngập lụt ở Biên Hòa khi có mưa lớn kéo dài không chỉ vì hệ thống thoát nước xuống cấp, nhỏ mà còn do người dân ở nhiều khu vực ý thức kém, thường quăng rác bừa bãi. Khi mưa lớn rác dồn ra các kênh rạch, suối làm cản trở dòng chảy, nước không thoát kịp nên dẫn đến ngập sâu”.

Theo Phòng Tài nguyên - môi trường TP.Biên Hòa, Điều 20 Nghị định 179/2013 của Chính phủ quy định rất rõ là vi phạm về vệ sinh nơi công cộng, gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xử phạt. Trong đó, trường hợp phát hiện cá nhân vứt rác bừa bãi nơi công cộng, các phường, xã có quyền xử phạt đến 400 ngàn đồng. Phòng Tài nguyên - môi trường TP.Biên Hòa cũng đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành quyết định chỉ đạo các phường, xã thực hiện. Nhưng thực tế, việc xử phạt các trường hợp vứt rác sinh hoạt  bừa bãi chưa được thực hiện nghiêm nên tình trạng trên vẫn diễn ra ở nhiều nơi. 

TP.Biên Hòa hiện vẫn chưa quy hoạch và xây dựng được các trạm trung chuyển rác sinh hoạt đúng theo tiêu chuẩn của đô thị loại I. Do đó, rác sinh hoạt thu gom từ 30 phường, xã của thành phố đều được đưa ra 22 điểm tiếp rác để các xe lớn vận chuyển đưa đi xử lý tại Công ty cổ phần môi trường Đồng Xanh ở phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) và Khu xử lý chất thải Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu).

Ngoài ra, địa điểm tiếp rác thường nằm ở những tuyến đường chính của thành phố, nơi có rất nhiều người dân qua lại. Rác sinh hoạt trung chuyển để lộ thiên và thời gian tiếp rác kéo dài hơn 1 giờ, bốc mùi hôi thối gây khó chịu cho người qua lại và sống gần khu vực. Hiện tỉnh đang yêu cầu TP.Biên Hòa sớm quy hoạch và xây dựng các trạm trung chuyển rác kín để giảm mùi hôi, không ảnh hưởng đến mỹ quan của thành phố.

Hương Giang

 

 

Tin xem nhiều