Báo Đồng Nai điện tử
En

Nơi làm đàn lớn nhất Đồng Nai

09:10, 07/10/2016

Không ồn ào hay rộn rã, nhưng nghề làm guitar ở xã Bình Minh (huyện Trảng Bom) cứ lớn mạnh dần qua từng năm.

Không ồn ào hay rộn rã, nhưng nghề làm guitar ở xã Bình Minh (huyện Trảng Bom) cứ lớn mạnh dần qua từng năm. Hơn 20 năm trước, một số người thợ ở Sài Gòn thích cuộc sống tĩnh lặng nơi miền quê đã về đây sinh sống, mở cơ sở sản xuất đàn.

Sản xuất đàn ở Cơ sở Ngọc Nguyên (ấp Tân Bắc, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom).
Sản xuất đàn ở Cơ sở Ngọc Nguyên (ấp Tân Bắc, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom).

Trước đây, Bình Minh chỉ có 2-3 cơ sở nhỏ sản xuất guitar, nhưng hiện đã lên đến gần 10 cơ sở và trên 10 hộ gia đình cùng làm. Mỗi tháng, những người thợ làm đàn ở Bình Minh cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước trên 4 ngàn cây guitar các loại.

Góp nhạc cho đời

Một số nhạc sĩ khi tìm đến đây, chọn được cây đàn ưng ý đã gọi những nghệ nhân làm đàn là những người “góp nhạc cho đời”. Bởi không có những nghệ nhân tài hoa làm ra những cây guitar tốt thì các nhạc sĩ cũng không thể đem đến cho đời những bản nhạc du dương, giúp cho cuộc sống thêm thi vị. Guitar là loại nhạc cụ được ứng dụng rộng rãi trong các loại nhạc, có thể độc tấu, hòa tấu và đệm cho hát. Guitar chia làm 2 dòng là guitar cổ điển dây nhựa, dùng để chơi nhạc không lời và guitar dây sắt dùng để đệm hát. Cả 2 dòng guitar có hơn 10 loại khác nhau, như: guitar thùng, guitar baroque, guitar torres, guitar phím lõm, guitar điện, guitar đệm...

Ông Khung Đình Ngọ (ở ấp Tân Bắc, xã Bình Minh) cho hay: “Hoàn thiện một cây guitar phải mất một tháng vì mỗi cây đàn qua gần 50 công đoạn khác nhau. Do đó, mỗi người thợ làm đàn chỉ phụ trách một vài khâu. Các khâu đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và chuẩn xác cao của người thợ mới tạo ra được âm thanh hay”.

Tại các xưởng sản xuất đàn, tiếng đục đẽo, tiếng khoan, tiếng căng dây thử phím hòa vào nhau tạo thành một âm thanh riêng biệt nghe khá vui tai. Và đâu đó, tiếng guitar độc tấu, hợp xướng réo rắt vang lên như một món ăn tinh thần giúp những thợ làm đàn gắn bó với nghề hơn

Nghề làm đàn chủ yếu là do những nghệ nhân lớp trước truyền lại cho lớp sau. Để trở thành một người thợ làm đàn lành nghề phải mất từ 3-4 năm học nghề. Những người làm đàn hầu hết đều có chung một sở thích là đam mê nhạc. Cũng chính đam mê này mới giúp họ tạo nên được các cây đàn có âm thanh trầm bổng, thánh thót và du dương. “Tôi mê các bản nhạc độc tấu bằng guitar từ nhỏ, song vì không có năng khiếu chơi nhạc nên tôi chọn học làm đàn. Nghề làm guitar do cha tôi truyền lại cho. Trước đây, các công đoạn đều phải làm thủ công, nhưng gần đây đã có máy móc hỗ trợ một vài công đoạn, như: xẻ gỗ, khoan, bào, chà...” - ông Phạm Ngọc Nguyên, chủ Cơ sở sản xuất đàn guitar Ngọc Nguyên  (ấp Tân Bắc, xã Bình Minh) chia sẻ. Cũng nhờ có máy móc hỗ trợ nên các cơ sở sản xuất đàn dần được mở rộng, nhiều thợ đàn sau khi giỏi nghề đã tách ra mở xưởng riêng.

Đàn guitar xuất ngoại

Guitar sản xuất tại Bình Minh không chỉ cung cấp cho các tỉnh, thành trong cả nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia, Đài Loan... Đàn sản xuất ở xã Bình Minh có đủ các loại, từ bình dân đến cao cấp, khách muốn đặt hàng hoặc mua loại nào cũng có. Loại rẻ nhất là hơn 200 ngàn đồng/chiếc, loại đắt nhất có thể lên đến 5-6 triệu đồng/chiếc.

Vừa thoăn thoắt chỉnh dây đàn, ông Võ Minh Tâm, quản lý Cơ sở sản xuất đàn Cung Chiều ở ấp Tân Bắc, xã Bình Minh, vừa chia sẻ: “Cơ sở có thể làm được tất cả các loại guitar theo đơn đặt hàng của khách trong và ngoài nước. Mỗi tháng cơ sở cung cấp cho thị trường trong nước và nước ngoài hơn 2 ngàn cây guitar các loại. Hàng làm ra không đáp ứng đủ nhu cầu nên cơ sở đã cho nhiều hộ gia đình trong xã nhận hàng về gia công một số công đoạn”. Guitar giá rẻ thường được dùng gỗ ván ép làm thùng, còn loại cao cấp dùng gỗ hồng đào làm thùng và mặt trên của đàn bắt buộc phải làm bằng gỗ thông. Để có những cây guitar cao cấp, các cơ sở sản xuất phải nhập khẩu gỗ hồng đào từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada và Bắc Phi về để sản xuất.

Ông Hoàng Quốc Việt, Phó chủ tịch UBND xã Bình Minh, cho biết: “Nghề làm đàn xuất hiện ở Bình Minh từ khá lâu. Ngày trước, các cơ sở chỉ sản xuất vài chục cây đàn/tháng, song 2-3 năm trở lại đây có những cơ sở đã sản xuất từ 500-2.000 cây/tháng. Đồng thời, guitar ở đây cũng đã xuất khẩu sang được nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, đầu ra khá thuận lợi vì các nghệ nhân nơi này luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu”.

Hương Giang

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều