Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng một đội ngũ quản trị kinh doanh hoàn thiện cho đất nước

11:10, 13/10/2016

Trong thời đại ngày nay, kinh tế thị trường đang được coi là công cụ phổ biến, là cách thức để phát triển kinh tế. Trong đó, doanh nghiệp được coi là nền tảng, là sản phẩm tự nhiên của cơ chế thị trường...

TS.Bùi Quang Xuân

Trong thời đại ngày nay, kinh tế thị trường đang được coi là công cụ phổ biến, là cách thức để phát triển kinh tế. Trong đó, doanh nghiệp được coi là nền tảng, là sản phẩm tự nhiên của cơ chế thị trường và tự nó lớn lên trong cơ chế thị trường.

Điều này cũng có nghĩa là, trong bất kỳ một nền kinh tế nào hoạt động theo cơ chế thị trường đều phải thừa nhận và khuyến khích phát triển đội ngũ doanh nhân. Bởi, họ là người lãnh đạo, trực tiếp quản lý, điều hành doanh nghiệp, có vai trò quyết định đối với sự phát triển của doanh nghiệp...

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường dự họp mặt Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (Ảnh: TL)
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường gặp gỡ các doanh nhân tại buổi họp mặt Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (Ảnh: TL)

Vì vậy, cùng với quan điểm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, việc Đảng ta có những chuyển biến quan trọng trong phát triển đội ngũ doanh nhân là tất yếu, phù hợp với yêu cầu khách quan của thực tiễn.

Những chuyển biến này định hướng cho việc phát triển toàn diện đội ngũ doanh nhân cả về số lượng và chất lượng, cả về không gian hoạt động và lĩnh vực đầu tư. Đồng thời, giải quyết nhiều vấn đề được xem là rào cản cho sự vươn lên của đội ngũ doanh nhân để đội ngũ này hình thành được những đặc điểm riêng, thích ứng và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Khi đề cập về vai trò của giới doanh nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền độc lập hoàn toàn cho nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng… Việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau, nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng”. Về trách nhiệm của chính quyền, Bác nói: “Chính phủ – Nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết”.

Chính vì vậy, việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình đào tạo đội ngũ nhà quản trị, chương trình đào tạo về khởi sự doanh nghiệp; trang bị cho sinh viên ngành quản trị kinh doanh những kiến thức về kinh doanh, về pháp luật và trách nhiệm xã hội; từng bước tiếp cận chuẩn mực pháp luật quốc tế trong đào tạo quản trị kinh doanh, quản trị doanh nghiệp...là những nội dung hết sức cần thiết.

Theo đó, các trường đào tạo cần đổi mới nội dung chương trình, phương pháp đào tạo về kinh tế, quản trị kinh doanh theo hướng nâng cao tính thực tiễn của các chương trình đào tạo và khả năng thực hành của sinh viên. Tăng cường mối quan hệ, liên kết giữa nhà trường, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp; gắn đào tạo của nhà trường với yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội; khuyến khích doanh nhân tham gia đầu tư và giảng dạy trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, ý thức trách nhiệm, sự trung thực, tinh thần hợp tác, ý thức dân tộc, ý thức cộng đồng. Tạo điều kiện để sinh viên ngành Quản trị kinh doanh giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với doanh nhân trong nước và nước ngoài.

Họp mặt Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam tại Đồng Nai
Họp mặt Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam tại Đồng Nai (ảnh: TL)

Trong quá trình đào tạo, nhà trường rèn luyện cho sinh viên nói chung và sinh viên ngành Quản trị doanh nghiệp nói riêng có được phẩm chất của một doanh nhân đất Việt. Trong đó, điều trước tiên là đề cao về đạo đức, văn hoá kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa. Hay nói như Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen – doanh nhân Lê Phước Vũ: “Kỹ năng cần thiết của một doanh nhân là khả năng dự báo trước những thách thức của thị trường, phải biết bắt lấy cơ hội đúng lúc, đúng thời điểm, cơ hội là có hạn”.

Mặt khác, phải xây dựng chuẩn mực của doanh nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật; có khát vọng vươn lên làm giàu cho mình, cho đất nước, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; có trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng, xã hội và có đạo đức, văn hoá kinh doanh, góp phần chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Tổng giám đốc Công ty CP Dược Hậu Giang – doanh nhân, TS Phạm Thị Việt Nga bộc bạch: “Những thành công mà tôi đạt được là nhờ vào tri thức và tấm lòng, một tấm lòng dành cho cán bộ công nhân viên – những người cộng sự cùng tôi trải qua bao sóng gió, phấn đấu vì sự tồn tại và phát triển Dược Hậu Giang, tấm lòng dành cho những người luôn sản phẩm, luôn quan tâm về chất lượng sản phẩm và dịch vụ mà chúng tôi cung cấp”.

Doanh nhân Mai Kiều Liên, Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk thì nói: “Theo tôi, kinh doanh thì tất nhiên là phải có lãi, nhưng nhu cầu của người dân phải được ưu tiên, phải đảm bảo phục vụ trước”. Chính vì vậy, cần xây dựng hình ảnh doanh nhân có bản sắc Việt Nam; khuyến khích doanh nhân không ngừng hoàn thiện mình để trở thành những người có trách nhiệm, có đóng góp cho xã hội và đất nước. 

Bên cạnh ý thức xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ và tăng cường sự gắn bó giữa doanh nhân và người lao động trong doanh nghiệp, doanh nhân còn phải có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành, phát triển các tổ chức chính trị và chính trị - xã hội trong doanh nghiệp; tham gia xây dựng hệ thống pháp luật, nhất là những quy định liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân. Nói như Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT – doanh nhân Trương Gia Bình: “Hãy luôn giữ vững niềm tin của bạn vào chiến thắng và nhất định phải chiến thắng. Hãy luôn nhớ rằng, dù bạn làm gì đi nữa, hãy làm một cách đầy nhiệt huyết và sáng tạo, nhất định bạn sẽ thành công”.

TS.B.Q.X

Tin xem nhiều