Báo Đồng Nai điện tử
En

Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước: Đang kịp lộ trình

10:10, 02/10/2016

Theo lộ trình của Chính phủ, trong giai đoạn 2016-2020 các doanh nghiệp có vốn nhà nước nói chung và tại Đồng Nai nói riêng sẽ lần lượt cổ phần hóa hoặc thoái vốn.

Theo lộ trình của Chính phủ, trong giai đoạn 2016-2020 các doanh nghiệp có vốn nhà nước nói chung và tại Đồng Nai nói riêng sẽ lần lượt cổ phần hóa hoặc thoái vốn.

Công ty cổ phần chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Đồng Nai là một trong những đơn vị đã tiến hành cổ phần hóa.
Công ty cổ phần chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Đồng Nai là một trong những đơn vị đã tiến hành cổ phần hóa.

Theo Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp tỉnh, trong giai đoạn 2016-2020, Đồng Nai sẽ có 4 DN nhà nước tiến hành cổ phần hóa và 16 DN thoái vốn nhà nước. Trong đó, những DN 100% vốn nhà nước, khi tiến hành cổ phần hóa vẫn giữ lại 51-65% vốn nhà nước và quyền quyết định chính vẫn thuộc về Nhà nước. Với các DN tiến hành thoái vốn, tùy theo lĩnh vực, ngành nghề có DN thoái hết vốn nhà nước, song cũng có DN chỉ thoái một phần vốn. Nếu vốn nhà nước dưới 50% thì quyền quyết định mọi hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc về cổ đông.

Cổ phiếu đắt hàng

Tại Đồng Nai, tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn ở các DN nhà nước, hầu hết đều đang theo đúng lộ trình đã quy định. Những doanh nghiệp đang ăn nên làm ra hoặc có nhiều tiềm năng thì tiến trình cổ phần, thoái vốn nhanh và thuận lợi. Thực tế cho thấy ở những DN này, cổ phiếu mới chuẩn bị lên sàn đã được các nhà đầu tư “săn đón” nhiệt tình. Và cuộc đua “giành” cổ phiếu của các DN trên cũng khá sôi động.

Ông Phùng Khôi Phục, Phó tổng giám đốc Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico), cho biết: “Những công ty kinh doanh tốt thì quá trình cổ phần hóa, thoái vốn diễn ra rất nhanh. Cổ phiếu bán ra đến đâu được mua hết đến đó. Còn những công ty kinh doanh kém hiệu quả khi cổ phần, thoái vốn rất khó khăn”. Ông Phục dẫn chứng bằng việc cổ phần hóa tại Công ty cổ phần xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa (công ty con của Dofico), cổ phiếu của DN này khá “hot”, vừa lên sàn đã được mua hết do nhiều năm qua công ty hoạt động kinh doanh luôn mang lại lợi nhuận cao.

Ở Đồng Nai, hiện có không ít doanh nghiệp nhà nước đang sở hữu những lô đất “vàng” có giá trị lớn và theo lộ trình sẽ cổ phần, thoái vốn trong những năm tới. Vì vậy, nếu không quản lý chặt và có đơn vị xác định giá đất độc lập thì rất dễ tạo ra kẽ hở làm thất thoát số tiền lớn từ lộ trình cổ phần, thoái vốn nhà nước từ các doanh nghiệp.

“Quá trình cổ phần hóa và thoái 35% vốn nhà nước của DN khá thuận lợi. Các nhà đầu tư chiến lược đã đặt vấn đề ngay từ khi có thông tin công ty sẽ cổ phần. Một số nhà đầu tư đang mong đợi, công ty được tiếp tục thoái vốn xuống dưới 50% và sẵn sàng mua cổ phiếu với giá cao để nắm quyền chi phối hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nguyên nhân là do lĩnh vực cấp nước sạch tại Đồng Nai đang còn rất nhiều cơ hội để phát triển” - ông Phạm Thế Tăng, Trưởng phòng Kế hoạch - kỹ thuật Công ty cổ phần xây dựng cấp nước Đồng Nai, cho hay.

Vẫn có kẽ hở?

Một thực tế đang xảy ra ở một số tỉnh, thành trong cả nước là trong tiến trình cổ phần và thoái vốn sẽ có những “kẽ hở”, nếu Chính phủ không sớm có hướng giải quyết thì sẽ gây ra thất thoát lớn. Đó là không chỉ DN làm ăn lợi nhuận cao, mà ngay cả những DN nhà nước bị thua lỗ nhiều năm liền, nhưng khi cổ phần, thoái vốn, cổ phiếu vẫn được nhà đầu tư tranh giành.

Lý do khiến các nhà đầu tư tranh giành cổ phiếu của những DN thua lỗ không phải vì có thể khôi phục được sản xuất, kinh doanh để có lợi nhuận, mà do các DN này đang sở hữu tài sản là các thửa đất “vàng” ở những vị trí đắc địa. Những thửa đất “vàng” này khi đưa ra định giá tài sản của DN theo quy định thường là rất thấp so với thực tế, do đó nhà đầu tư nào nắm được nhiều cổ phiếu của những DN trên trong tay thì coi như đã sở hữu được khối tài sản lớn hơn nhiều so với số tiền phải bỏ ra.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp Đồng Nai (thuộc Sở Tài chính), cho biết: “Hiện các văn bản của Nhà nước quy định về định giá tài sản là quyền sử dụng đất ở những DN phải cổ phần, thoái vốn vẫn chưa rõ ràng. Điều này dẫn đến “lỗ hổng” rất dễ thất thoát số tiền lớn của Nhà nước khi DN đang tiến hành cổ phần thoái vốn có những lô đất nằm ở khu vực trung tâm có giá trị cao. Vừa qua, chi cục cũng đã đề xuất với ngành tài nguyên - môi trường, sớm kiến nghị với Chính phủ ban hành quy định rõ ràng để tránh bị thất thoát vốn”.

Hương Giang

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều