Việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) (Brexit) đã làm nhiều doanh nghiệp hoạt động trong nhiều ngành xuất khẩu của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn sang thị trường này lo ngại, đặc biệt là doanh nghiệp ngành chế biến gỗ.
Việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) (Brexit) đã làm nhiều doanh nghiệp hoạt động trong nhiều ngành xuất khẩu của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn sang thị trường này lo ngại, đặc biệt là doanh nghiệp ngành chế biến gỗ.
Giữa tháng 7 vừa qua, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Brexit và tác động tới ngành gỗ Việt Nam”, các chuyên gia cũng như các nhà sản xuất đều cho rằng ngành gỗ có thể gặp “sóng ngầm” tại thị trường này trong thời gian tới.
* Tác động tỷ giá
Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, năm 2015 kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam vào Anh đạt gần 270 triệu USD, chiếm khoảng 36% tổng kim ngạch xuất khẩu vào EU, thị trường này liên tục tăng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, sự kiện Brexit đang làm giới chế biến lâm sản xuất khẩu lo ngại.
Chế biến gỗ tại Công ty cổ phần Nhất Nam. |
Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Nguyễn Tôn Quyền nhận định, về lâu dài Brexit sẽ làm giảm khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường Anh, tương đương khoảng 50 triệu USD/năm. Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân dẫn đến tình trạng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ sang Anh giảm do đồng tiền nước này bị mất giá khiến hàng hóa trở lên đắt đỏ dẫn đến sức tiêu thụ giảm.
Một số doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu ở Đồng Nai cho biết, đến nay ở thị trường này mới có mặt hàng gỗ ngoại thất bắt đầu bị tác động giảm giá, các mặt hàng gỗ nội thất đến nay vẫn chưa bị ảnh hưởng. Ông Phan Văn Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhất Nam, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWOOHA), lo lắng rằng ngành chế biến gỗ trong thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng. “Sự kiện Brexit không gây ra sốc ngay thị trường cho ngành gỗ chế biến gỗ nhưng tác động của nó âm ỉ. Theo tôi, đến khoảng cuối năm nay hoặc đầu năm 2017 ngành gỗ sẽ gặp khó khăn khi Brexit đủ thấm gây ảnh hưởng” - ông Bình chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành (huyện Vĩnh Cửu), cho biết xuất khẩu gỗ không chỉ bị ảnh hưởng riêng ở thị trường Anh mà cả thị trường EU cũng bị tác động do đồng euro cũng không giữ được giá nên đã có tác động xấu đến tình trạng xuất nhập khẩu ở thị trường này.
* Tìm thị trường mới
Ông Trần Văn Thành, Giám đốc DNTN Kiến Phúc (huyện Trảng Bom), cho biết nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu sang thị trường EU và Anh đã đi săn các thị trường mới cho mùa hàng năm 2016 - 2017 để đề phòng tình huống xấu ở 2 thị trường này.
Điều này cũng được ông Trần Lê Huy, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ Bình Định, chia sẻ tại buổi tọa đàm, nhiều doanh nghiệp làm hàng gỗ xuất khẩu lớn của Bình Định đang xem xét giảm đơn hàng tại thị trường Anh để tránh rủi ro. Cũng theo cảnh báo của Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, thị trường EU trong thời gian tới không chỉ khó khăn về giá mà còn có những rào cản kỹ thuật sẽ được dựng lên.
Một trong những lo lắng khác của các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, đó là ở thị trường truyền thống này phải cạnh tranh không chỉ với hàng của Trung Quốc mà còn 2 quốc gia khác là Indonesia và Malaysia cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu đồ gỗ vào EU, đặc biệt là Anh. Theo đánh giá của giới chuyên môn, lợi thế lớn của 2 quốc gia này là có nguồn gỗ nguyên liệu rẻ hơn Việt Nam và năng suất lao động tốt hơn. Đây đang là bất lợi cho các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu trong nước. EU là một trong 3 thị trường lớn xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam, khi thị trường này gặp bất lợi sẽ gây ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu chung.
Vân Nam