TS. tâm lý Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) được coi là một trong những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực: tâm lý tình yêu - hôn nhân - gia đình, tâm lý trẻ em, tâm lý trong kinh doanh và đặc biệt là trí tuệ cảm xúc (EQ)...
TS. tâm lý Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) được coi là một trong những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực: tâm lý tình yêu - hôn nhân - gia đình, tâm lý trẻ em, tâm lý trong kinh doanh và đặc biệt là trí tuệ cảm xúc (EQ)... Chị hiện là Trưởng bộ môn tâm lý Trường đại học Sài Gòn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Tâm lý xã hội Việt Nam, là cố vấn chuyên môn cho nhiều chương trình truyền hình, viện đào tạo và các nhà văn hóa tại TP.Hồ Chí Minh…
Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong hoạt động giảng dạy và huấn luyện các kỹ năng (kỹ năng thuyết trình, kỹ năng đàm phán - thuyết phục, kỹ năng bán hàng, kỹ năng xây dựng hình ảnh bản thân, hình thành giá trị sống) cho các tập đoàn lớn trong và ngoài nước và là khách mời thường xuyên trong các chương trình truyền hình thiên về gia đình, giáo dục, phát triển tâm lý... Một trong những vấn đề chị quan tâm nhất là giáo dục, trong bối cảnh xã hội Việt Nam đang có nhiều thay đổi, việc hình thành và phát triển nhân cách con người gặp nhiều thử thách. Tuy nhiên theo chị, lắng nghe con trẻ một cách tận tâm bằng tấm lòng để có hướng giáo dục phù hợp là cách mà mỗi người lớn nên làm, vì không có một công thức chung lý tưởng nào áp dụng được cho tất cả mọi người, dù đó là “công thức” của người Nhật, Hoa Kỳ hay của người Do Thái…
* Lắng nghe mỗi đứa trẻ
Có nhiều tranh luận, chia sẻ về các phương pháp dạy con từ châu Âu, Nhật, Do Thái... với mong muốn đứa trẻ phát triển toàn diện hơn, quan điểm của chị về điều này ra sao?
- Đúng là hiện tại có khá nhiều thông tin, kiến thức về các phương pháp dạy con, từ “kiểu Úc” sang “kiểu Mỹ”, nhưng về bản chất, phân loại các phương pháp dạy chẳng qua là phân loại quan điểm giáo dục con ra sao, mục tiêu hướng đến của cha mẹ trong giáo dục con cái là gì mà thôi.
Ở đây, mỗi phụ huynh sẽ nhìn nhận lại xem quan điểm của mình là gì trong việc giáo dục con cái. Tôi lấy ví dụ, chẳng hạn các bậc cha mẹ có suy nghĩ tương đối truyền thống và ảnh hưởng sâu xa từ Nho giáo thì họ vẫn sẽ dùng phương pháp mà cha mẹ, ông bà họ đã dạy họ. Song các bậc cha mẹ hiện đại thường chọn những phương pháp hiện đại hơn phù hợp với quan điểm sống của họ. Nên nói cho cùng, không hẳn là có phương pháp nào chuẩn cho mọi đứa trẻ ở mọi quốc gia, dân tộc vì mỗi nơi có một nền văn hóa khác nhau.
Tôi nghĩ cần “chẻ nhỏ” mục tiêu và suy nghĩ nghiêm túc về điều mình cho là quan trọng: để dạy con sáng tạo thì chọn phương pháp nào, để dạy con lương thiện thì chọn phương pháp nào... Vậy nên nếu không xác định được quan điểm thì sẽ mâu thuẫn giữa những nhóm phương pháp khác nhau, gây hại cho chính đứa trẻ.
Chị chọn phương pháp nào trong việc dạy con?
- Có những phương pháp thậm chí gây nhiều tranh cãi khi đặt trong bối cảnh những nền văn hóa khác nhau. Chẳng hạn việc một ông bố người Đức cho con gái tắm chung để kết hợp giáo dục giới tính cho con gây ra rất nhiều tranh luận, hoặc đơn giản hơn là việc cho con ngủ một mình suốt đêm ở độ tuổi còn rất nhỏ... Vậy nên với cá nhân tôi, tôi không “suy tôn” một phương pháp nào cụ thể, tôi chọn cách lắng nghe con mình.
Trong suy nghĩ của tôi, mỗi đứa trẻ là một bản thể vô cùng khác biệt với những thiên hướng riêng và người cha, người mẹ phải lắng nghe để chọn phương pháp giáo dục cho phù hợp. Cha mẹ không thể ép con trở thành một đứa trẻ Mỹ, Nhật Bản hay Do Thái trong khi thiên hướng, tính cách của đứa trẻ hoàn toàn khác. Chưa kể, việc hình thành nên tính cách của con người còn phụ thuộc nhiều vào môi trường sống, xã hội, văn hóa, cộng đồng... chứ không chỉ phụ thuộc vào giáo dục gia đình.
* Làm cha mẹ cũng cần phải “học”
Lạc giữa nhiều giá trị khác nhau, từ người lớn, nó ảnh hưởng ra sao đến con cái?
- Một trong những cái “lạc” là phụ huynh chưa tiếp cận đầy đủ, khoa học với các phương pháp giáo dục con. Tôi lấy ví dụ, ở nhiều nước phát triển, trước khi làm cha mẹ, việc học các kỹ năng chăm sóc và giáo dục con cái từ giai đoạn sơ sinh là rất phổ biến. Cha mẹ không tiếp cận việc nuôi con theo kiểu “tự nhiên chủ nghĩa” hay “trời sinh voi sinh cỏ” như chúng ta. Bên cạnh tình yêu thương, làm cha mẹ là những kỹ năng từ thấp đến cao, rất tinh tế và phức tạp nên đòi hỏi công sức và tâm huyết rất nhiều từ cha mẹ.
Một số cha mẹ cũng đã quan tâm đến kỹ năng giáo dục con, quan tâm đến những giá trị trong giáo dục, nhưng cũng chưa phổ biến. Cha mẹ phải học rất nhiều vì mỗi thời mỗi khác, cách cân đong đo đếm về các giá trị cũng khác rất nhiều. Chẳng hạn, “tôn trọng” trẻ là “tôn trọng” như thế nào? Nếu đứa trẻ chưa có đủ hiểu biết và kỹ năng thì việc phó mặc con với những chọn lựa của mình và cho đó là “tôn trọng” trẻ thì lại rất sai. Cần có những khóa học làm cha làm mẹ. Từ chuyện bồng con ra sao cho đúng, giỡn với con thế nào để con không bị tổn thương.
Chị có tin vào câu “cha mẹ sinh con trời sinh tính” trong quá trình giáo dục trẻ?
- Điều tôi e ngại là mặc dù cha mẹ luôn bảo rằng họ quan tâm đến con, nhưng lại chưa chịu tham gia các lớp học, các khóa kỹ năng, các kiến thức khoa học về giáo dục con cái, và vẫn suy nghĩ khá “tự nhiên” về việc làm cha mẹ. Với tôi, quan điểm là môi trường và cách giáo dục quyết định nhiều hơn đến sự hình thành và phát triển nhân cách của một đứa trẻ hơn là những yếu tố bẩm sinh. Tính cách đứa trẻ hình thành trong quá trình lớn hơn. Nhiều người tự hỏi “không biết tại sao đứa trẻ có những tính cách A, B, C”, nhưng thực ra sâu xa là do họ chưa thực sự kiểm soát được những yếu tố hình thành nên tính cách đó, chưa đủ kiến thức hoặc sự tinh tế để nhận thức và điều chỉnh tính cách trẻ.
Tuy nhiên, rất nhiều khi đứa trẻ đưa ra những quyết định của riêng mình, đi ngược với những gì trẻ được dạy dỗ?
- Môi trường và phương pháp giáo dục áp dụng lên một đứa trẻ đến một giai đoạn nào đó sẽ trở thành “tự giáo dục” để đứa trẻ tự nhận thức và lựa chọn những gì nó cho là đúng cho mình. Do đó cũng có thể xảy ra tình trạng là cha me dạy dỗ một kiểu, song đến một giai đoạn nào đó, đứa trẻ có thể có một ngã rẽ nào đó cho riêng nó hay những lựa chọn riêng mà cha mẹ chưa hề dạy. Và vẫn phải xem đây là điều bình thường để có hướng ứng xử phù hợp.
Theo chị, những giá trị cốt lõi nào nên hướng đến trong giáo dục nhân cách?
- Với tôi thì quan trọng nhất là tính trách nhiệm. Tôi cho rằng trước hết cần giáo dục cho trẻ có trách nhiệm với bản thân và sau đó là trách nhiệm với những người xung quanh, cao hơn nữa là với cộng đồng mà trẻ đang sinh sống.
Nếu trẻ có trách nhiệm từ việc cá nhân của mình, việc học của mình, sau đó với cha mẹ, bạn bè thì từ từ, tính chịu trách nhiệm sẽ giúp trẻ đắn đo cân nhắc kỹ khi quyết định bất kỳ điều gì, kể cả khi không còn ở trong vòng tay bảo bọc của mẹ cha.
Theo chị, có hay không sự xung đột giữa việc cưng chiều con cái theo văn hóa Á Đông và rèn luyện tính tự lập cho con theo văn hóa phương Tây?
- Văn hóa Á Đông đúng là có nhiều thói quen “úm con”, chiều con hơn phương Tây. Đặc biệt, ông bà, cha mẹ Việt Nam do bối cảnh đất nước thường phải lớn lên trong khó khăn, do đó tâm lý muốn bù đắp cho con là phổ biến. Bên cạnh đó, người lớn thường đặt lên vai đứa trẻ những kỳ vọng và trách nhiệm khá nhiều. Ngoài ra, cha mẹ Việt còn muốn gây ảnh hưởng lên con lâu dài theo quan niệm “hiếu đễ” ngày xưa, nghĩa là dù con có lớn đến bạc đầu thì cha mẹ nói, con vẫn phải nghe. Trong khi đó cha mẹ phương Tây chỉ nuôi con đến một mức nào đó và đứa trẻ hoàn toàn chịu trách nhiệm với cuộc đời mình, không nhất thiết phải “nghe” cha mẹ.
Ngay cả bản thân tôi cũng nhiều lần phải đấu tranh với mong muốn chiều con của một người mẹ Á Đông và việc rèn luyện tính tự lập cho con. Nhưng khi con quá tự lập thì riêng mối tình cảm với cha mẹ có thể bị ảnh hưởng một chút, do đó dung hòa giữa việc rèn tính tự lập và giữ vững mối dây tình cảm là điều cần suy nghĩ.
Xin cảm ơn chị!
Kim Ngân (thực hiện)