Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Văn Hiếu đánh giá, Đồng Nai đang nằm trong nhóm đầu các tỉnh, thành về phát triển kinh tế. Nhiều chỉ số tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước, như: thu hút đầu tư nước ngoài, xuất siêu, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thu nộp ngân sách.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Văn Hiếu đánh giá, Đồng Nai đang nằm trong nhóm đầu các tỉnh, thành về phát triển kinh tế. Nhiều chỉ số tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước, như: thu hút đầu tư nước ngoài, xuất siêu, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thu nộp ngân sách.
Doanh nghiệp FDI ký kết thuê đất Khu công nghiệp Giang Điền (huyện Trảng Bom). |
Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, tổng sản phẩm (GRDP) của Đồng Nai 6 tháng đầu năm 2016 tăng 7,85%, cao hơn bình quân cả nước gần 2%. Trong khi sản xuất nông nghiệp của cả nước tăng trưởng âm thì tỉnh vẫn giữ mức tăng 3,6%. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xếp thứ 3, kim ngạch xuất khẩu xếp thứ 5 và nộp ngân sách đứng thứ 5 cả nước.
* Vượt lên trước
Kế hoạch năm 2016, thu hút đầu tư FDI của tỉnh là 1 tỷ USD, nhưng gần 7 tháng của năm tỉnh đã thu hút khoảng 1,45 tỷ USD, gấp gần 1,5 lần so với kế hoạch năm. Trong 5 tháng còn lại của năm nay, dự tính thu hút đầu tư FDI của tỉnh sẽ còn tiếp tục tăng. Thu hút đầu tư trong nước của tỉnh đạt hơn 7,6 ngàn tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch và tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.
Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Cao Tiến Dũng cho biết: “Đồng Nai thu hút đầu tư có chọn lọc, song nhiều doanh nghiệp FDI vẫn chọn đầu tư vào tỉnh do tỉnh hội tụ nhiều lợi thế nhà đầu tư cần. Đến nay đã có 44 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh trên nhiều lĩnh vực với tổng vốn hơn 29 tỷ USD”. Do tập trung nhiều dự án giao thông huyết mạch kết nối vùng, hạ tầng các khu công nghiệp hoàn chỉnh, thủ tục đầu tư giải quyết nhanh... nên Đồng Nai luôn nằm trong tốp đầu về thu hút đầu tư FDI và trong nước. Các dự án FDI đầu tư vào Đồng Nai những năm gần đây thường triển khai nhanh và sớm đi vào hoạt động. Có những doanh nghiệp FDI được cấp chứng nhận đầu tư chỉ sau 6-12 tháng đã xây dựng xong nhà xưởng và đi vào sản xuất. Doanh nghiệp FDI đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ tăng, nguồn cung nguyên liệu trong nước tăng nên đã giảm kim ngạch nhập khẩu, tăng xuất siêu.
“Trong 7 tháng của năm, Đồng Nai đã xuất siêu hơn 1 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Xuất siêu cao là do doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ ngày càng tăng, các doanh nghiệp sản xuất ưu tiên mua nguyên liệu trong nước để hưởng ưu đãi thuế quan từ những hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết” - Phó giám đốc phụ trách Sở Công thương Dương Minh Dũng nói.
Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, song nông nghiệp luôn được ưu tiên phát triển. Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh, thời tiết những tháng đầu năm 2016 rất khắc nghiệt, khô hạn, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến hàng ngàn hécta cây trồng. Tuy nhiên, nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật nông dân vẫn giữ và nâng cao năng suất cây trồng. Chăn nuôi không để xảy ra dịch bệnh, giá heo, gà thường ở mức cao nên nông nghiệp của tỉnh vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định. Tỉnh cũng dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới với 91/133 xã đạt chuẩn và 5 huyện hoàn thành nông thôn mới.
* Tìm giải pháp gỡ khó
Dù nằm trong tốp đầu về phát triển kinh tế, song Đồng Nai đang gặp một số khó khăn cần được Chính phủ, Bộ Kế hoạch - đầu tư tháo gỡ để phát triển tốt hơn. Đó là điều chỉnh giảm tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương trong giai đoạn 2017-2020 để tỉnh đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế. Dân số Đồng Nai hiện trên 3,2 triệu người, tăng hơn 300 ngàn người so với thống kê năm 2015 nên tỉnh đề xuất tiêu chí đặc thù phân bổ thêm kinh phí cho các địa phương có dân số cơ học tăng cao. Đồng thời, cho tỉnh hưởng 100% số thu vượt dự toán Trung ương giao để đầu tư cho các dự án trọng điểm. Tăng nguồn vốn vay ODA cho dự án Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt TP.Biên Hòa từ 20% lên 80% (kinh phí cho dự án hơn 375 triệu USD).
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng cho biết: “Tỉnh đề xuất Chính phủ để lại cho Đồng Nai một số nguồn thu - chi cho đầu tư, như: 100% kinh phí xử phạt vi phạm giao thông nhằm đầu tư dự án xóa điểm đen trên các tuyến đường, đảm bảo an toàn giao thông; tăng quỹ bảo trì đường bộ với tỉnh, vì lượng xe lưu thông trên các tuyến đường của tỉnh rất lớn làm đường nhanh xuống cấp, hư hỏng”. Bên cạnh đó, tỉnh gặp vướng mắc do sự thiếu đồng bộ giữa các quy định luật chuyên ngành dẫn đến triển khai các dự án chậm nên đề nghị các bộ có hướng dẫn tháo gỡ nhằm khơi thông cho các dự án đang bị tắc.
“Những khó khăn, vướng mắc của Đồng Nai thuộc thẩm quyền của Bộ Kế hoạch - đầu tư sẽ được xem xét tháo gỡ sớm. Những vấn đề thuộc về Chính phủ, Bộ kiến nghị nhanh chóng giải quyết để tỉnh tiếp tục phát triển, giữ mức tăng trưởng cao góp phần vào phát triển chung của cả nước” - ông Nguyễn Văn Hiếu khẳng định.
Hương Giang