Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiếp tục tạo cú hích cho nông thôn...

10:07, 13/07/2016

Đồng Nai đang đứng đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới, với 91/133 xã và 5 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Đồng Nai đang đứng đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới, với 91/133 xã và 5 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Để tiếp tục đạt kết quả cao trong xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo nền tảng vững chắc phát triển đời sống vật chất, tinh thần của người dân, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, tới đây Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ có nghị quyết chuyên đề về “Huy động nguồn lực xây dựng và phát triển nông thôn mới, giai đoạn 2016-2020”.

Tập trung huy động nguồn lực

Phạm vi nghị quyết chỉ đề cập đến việc huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Nguồn lực ở đây gồm có: vốn, đội ngũ cán bộ, công chức, trình độ tay nghề lao động nông thôn và cán bộ khoa học - kỹ thuật cho cơ sở. Đây là những điều kiện quan trọng để việc xây dựng nông thôn mới được thuận lợi, dễ dàng hơn. Bước đầu, dự thảo nghị quyết xác định một số chỉ tiêu từ nay đến cuối năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu huy động tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn là khoảng 216 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn do nhân dân đóng góp khoảng 30 ngàn tỷ đồng.

Mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 của tỉnh được xác định theo hướng 4 có: đời sống kinh tế được cải thiện; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; đời sống văn hóa tốt; an ninh trật tự được đảm bảo, môi trường sinh thái phát triển bền vững.

Trong xây dựng nông thôn mới cũng rất cần đội ngũ cán bộ, công chức làm được việc, đáp ứng yêu cầu đề ra. Theo đó, tỉnh sẽ tích cực đưa cán bộ đi đào tạo, đảm bảo đến năm 2020, 100% công chức cấp xã đạt chuẩn theo quy định. Bên cạnh đó, sẽ đào tạo khoảng hơn 25 ngàn lao động nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 là 65%. Số lao động kỹ thuật có trình độ trung cấp trở lên là 24-25% tổng số người trong độ tuổi lao động khu vực nông thôn. Mỗi hợp tác xã, mỗi trang trại phải có từ 1-2 lao động kỹ thuật có trình độ trên.

Muốn thực hiện được các chỉ tiêu này, UBND tỉnh tiếp tục vận dụng có hiệu quả các cơ chế chính sách của Trung ương vào thực tế địa phương để xây dựng các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp tăng thu ngân sách; ưu tiên, cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương cho đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn mới. Bên cạnh đó, tăng tỷ lệ điều tiết nguồn thu tiền sử dụng đất cho địa phương để phục vụ xây dựng nông thôn mới, trước hết ưu tiên cho các huyện còn khó khăn, như: Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ.

Đối với các cấp ủy, chỉ đạo đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng cho nông dân, giải quyết những vướng mắc về thủ tục để tạo điều kiện cho nông dân được tiếp cận các nguồn vốn vay. Xây dựng hệ thống thông tin về cơ chế, thị trường cho nông dân. Khi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ưu tiên nhiều so với các dự án khác.

Các địa phương cũng cần chú trọng khai thác nguồn vốn từ xã hội hóa để đầu tư xây dựng nông thôn mới đối với các công trình giao thông nội ô, nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí ấp… Khuyến khích tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn.

Quan tâm xây dựng cán bộ kỹ thuật cho cấp xã

Khi góp thêm các giải pháp nhằm đạt cho được mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở Đồng Nai 5 năm tới, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Huỳnh Văn Tịnh đã quan tâm đến vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu. Dù Đồng Nai chưa ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu, nhưng đã ảnh hưởng trực tiếp đến nông nghiệp. Ngay từ bây giờ, Đồng Nai phải tính toán xây dựng các công trình bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống được biến đổi khí hậu. Trong kêu gọi đầu tư, chú ý kêu gọi vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các dự án chống biến đổi khí hậu.

Còn Bí thư Huyện ủy Thống Nhất Thái Bảo nói rất cần ưu tiên nguồn vốn tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cơ giới hóa nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch… Bởi suy cho cùng, mục tiêu xây dựng nông thôn mới là nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân.

Đồng chí Hồ Thanh Sơn, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, thì tâm đắc khi dự thảo đã đề cập đến vấn đề tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn. Nhưng đồng chí lo việc này liệu có làm được không? Có tiền thì sẽ mua được đất đai, song việc tập trung đất đai như thế nào cần nghiên cứu thêm.

Ở vấn đề nguồn nhân lực, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Văn Thuộc đã thông tin, số lượng cán bộ nhiều hay ít ở mỗi đơn vị do Trung ương quy định. Nhưng các xã phải linh hoạt, lĩnh vực nào là quan trọng ở từng xã thì xã bố trí cán bộ nhiều hay ít ở lĩnh vực đó. Ví dụ ở các xã vùng nông thôn, nông nghiệp có thể bố trí nhiều cán bộ phụ trách lĩnh vực nông nghiệp. Ở thành thị như Biên Hòa, các phường có thể bố trí nhiều cán bộ phụ trách lĩnh vực môi trường, đô thị… Nhằm tăng cường đội ngũ khoa học - kỹ thuật cho xã, tỉnh đã đưa hơn 100 cán bộ đi học đại học chuyên ngành kinh tế nông nghiệp, đến năm 2017 ra trường.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư lưu ý: “Chúng ta đang thiếu những kỹ sư lội đồng, lăn lộn với đồng ruộng. Mỗi cán bộ, công chức sau khi được đào tạo phải phát huy kiến thức, không chỉ biết ngồi phòng lạnh mà phải biết gắn với chuồng, trại, cây, con”.

Trong 5 năm 2011-2015, tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Đồng Nai là trên 176 ngàn tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách gần 19 tỷ đồng, nguồn tín dụng trên 16 ngàn tỷ đồng, nguồn vốn doanh nghiệp gần 30 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư nước ngoài trên 86 ngàn tỷ đồng và nguồn xã hội hóa trong nhân dân gần 25 ngàn tỷ đồng. Từ nguồn vốn này đã tập trung ưu tiên cho các công trình trọng điểm, công trình công cộng, công trình phúc lợi, đường giao thông, trường học, bệnh viện, nhu cầu sản xuất phát triển của nông dân, đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn… Từ đó, nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Quỳnh Trang


 


 

Tin xem nhiều