Báo Đồng Nai điện tử
En

Thu hút công nghệ cao còn chậm

10:06, 22/06/2016

Đồng Nai nằm trong tốp đầu cả nước về phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), nhưng hiện chỉ có 5 doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Dù nhiều năm mời gọi đầu tư, lĩnh vực này vẫn phát triển khá chậm chạp.

Đồng Nai nằm trong tốp đầu cả nước về phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), nhưng hiện chỉ có 5 doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Dù nhiều năm mời gọi đầu tư, lĩnh vực này vẫn phát triển khá chậm chạp.

Sản xuất tại  Nhà máy Bosch Gasoline Systems-HCP (huyện Long Thành).
Sản xuất tại Nhà máy Bosch Gasoline Systems-HCP (huyện Long Thành).

Theo Sở Công thương, trong giai đoạn 2011-2015 chỉ có 5 dự án công nghiệp công nghệ cao và đều thuộc doanh nghiệp FDI (trước đó chưa có), trong đó có 4 dự án đi vào hoạt động sản xuất. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp công nghệ cao của tỉnh năm 2015 đạt trên 8 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 1% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp tại Đồng Nai.

* Mới chỉ có 5 dự án

5 doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao, gồm: Công ty TNHH thiết bị Tân Tiến Sumiden Việt Nam, Công ty TNHH Belmont Manufacturing, Công ty TNHH Maspro Việt Nam, Nhà máy Bosch Gasoline Systems-HCP và Công ty TNHH Terumo BCT Việt Nam. Mục đích của tỉnh là thu hút được nhiều dự án công nghệ cao và từng bước nhận chuyển giao công nghệ, giúp chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp trong tỉnh để tăng giá trị sản xuất và lợi nhuận. Tuy nhiên, phát triển công nghiệp công nghệ cao của tỉnh chưa đáp ứng được các yêu cầu như mong muốn.

Có 5 lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp công nghệ cao tỉnh đang ưu tiên phát triển là: công nghệ thông tin - truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghiệp công nghệ cao.

Bà Dương Thị Xuân Nương, Trưởng phòng Đầu tư Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, nhận định: “Thời gian qua, các khu công nghiệp tại Đồng Nai chưa thu hút được nhiều các dự án công nghệ cao. Tuy đã có một số dự án công nghệ cao và trong từng dây chuyền sản xuất của các công ty có thiết bị công nghệ cao, nhưng phần lớn các dự án đầu tư là công nghiệp nhẹ, gia công, thu hồi vốn nhanh, giá trị gia tăng thấp”.

Lý do khiến việc thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao chậm là do các ưu đãi chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư, nguồn nhân lực cho lĩnh vực trên còn thiếu và yếu. Ông Châu Minh Nguyện, Tổng thu ký Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai, cho hay: “Đồng Nai dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp nhưng chuyển dịch công nghiệp chậm, giá trị gia tăng thấp do chưa thu hút được nhiều công nghiệp công nghệ cao. Để thu hút nhiều dự án công nghiệp công nghệ cao, tỉnh chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông tốt, có chính sách ưu đãi rõ ràng, đơn giản thủ tục hành chính hơn nữa”.

* Tìm hướng mời gọi thêm

Tỉnh đang tiến hành mở rộng xúc tiến thương mại sang nhiều quốc gia mời gọi đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao để đến năm 2020, phát triển thêm 30-50 doanh nghiệp hoạt động sản xuất trên lĩnh vực này và giá trị sản xuất chiếm 10-15% toàn ngành công nghiệp. Nhưng để đạt được kết quả trên, tỉnh phải có những chính sách ưu đãi cụ thể, hấp dẫn hơn hẳn so với các tỉnh, thành trong khi vực thì mới thu hút được các nhà đầu tư  FDI vào lĩnh vực trên.

Theo đánh giá của Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, thu hút đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao thời gian qua khá chậm. Thời gian tới trong chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp, tỉnh đã phân thành 2 vùng và công nghiệp công nghệ cao sẽ được ưu tiên hàng đầu để phát triển ở vùng 1 thuộc TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch và Trảng Bom. Trong đó, sẽ có ưu đãi về miễn giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, hồ sơ xin cấp chứng nhận.

Th.S Cao Minh Nghĩa, Viện Nghiên cứu phát triển TP.Hồ Chí Minh, cho biết: “Ngoài có những chính sách tốt để thu hút các dự án công nghệ cao, Đồng Nai nên liên kết với các tập đoàn FDI công nghệ cao, trường đại học, cao đẳng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần học tập kinh nghiệm thành công của TP.Hồ Chí Minh trong phát triển công nghệ cao là hình thành hệ sinh thái công nghiệp công nghệ cao từ công đoạn thiết kế mẫu mã, thiết bị mới, chế tạo thử nghiệm, chế tạo đồng loạt và chế tạo theo yêu cầu khách hàng”. Cũng theo ông Nghĩa, khi các tập đoàn FDI đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao, có thể từng bước chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong tỉnh nhằm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Ông Phạm Việt Phương, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư, cho biết: “Các sở, ngành tiếp tục cải cách đơn giản, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính, công khai các bộ thủ tục hành chính trên mạng để doanh nghiệp biết. Đồng thời, cải thiện việc tiếp cận đất đai để nâng năng lực cạnh tranh cho tỉnh, góp phần thu hút tốt đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao”.

Hương Giang

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích