Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghề cứu hộ trên đường

11:06, 05/06/2016

Trò chuyện với chúng tôi nhưng 2 chiếc điện thoại của ông Phạm Minh Hiển (Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Diễm Linh, phường Tam Hòa, TP.Biên Hòa) liên tục đổ chuông từ những bác tài gọi cứu hộ đến từ các nơi. Ông Hiển cho biết nghề cứu hộ xe không kể ngày đêm, mưa nắng, hễ khách gọi là phải đi.

Trò chuyện với chúng tôi nhưng 2 chiếc điện thoại của ông Phạm Minh Hiển (Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Diễm Linh, phường Tam Hòa, TP.Biên Hòa) liên tục đổ chuông từ những bác tài gọi cứu hộ đến từ các nơi. Ông Hiển cho biết nghề cứu hộ xe không kể ngày đêm, mưa nắng, hễ khách gọi là phải đi.

Ông Phạm Minh Hiển đang kiểm tra một chiếc xe cứu hộ dành cho tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đang được bảo dưỡng.  Ảnh: V. Nam
Ông Phạm Minh Hiển đang kiểm tra một chiếc xe cứu hộ dành cho tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đang được bảo dưỡng. Ảnh: V. Nam

Gần 10 năm hoạt động trong nghề cứu hộ xe, ông Hiển gặp nhiều kiểu xe phải “giải cứu”, chiếc thì đang chở hàng chết máy, chiếc thì tai nạn biến dạng hết đầu, chiếc thì lật, thời gian gần đây là trường hợp xe bị ngập nước. 

Khởi nghiệp nhờ... tự ái

Ông Hiển kể:  “Tôi vào nghề là do... tự ái, học xong ngành cơ khí, tôi về mở garage sửa xe ô tô, công việc khá tốt. Một lần tôi thuê xe cứu hộ kéo một chiếc ô tô bị chết máy về sửa, khi thanh toán tiền chủ xe cứu hộ không hài lòng đã mắng thẳng là lần sau thì tự đi mà kéo đừng kêu xe cứu hộ nữa. Bị mắng tôi thấy bực mình, cộng thêm có garage nên tôi về tìm vốn mua luôn một chiếc xe cứu hộ”.

Khi xe phục vụ garage không hết công suất, ông Hiển đã nhận chạy cứu hộ để khỏi lãng phí. Ban đầu ông chỉ nghĩ tham gia nghề này để cho đỡ lãng phí chiếc xe, không ngờ khách khá đông. Có những chiếc ô tô tải lớn bị hư gọi ông đến kéo nhưng do xe cứu hộ của ông loại nhỏ nên phải nhờ những xe lớn của người khác. Sau nhiều lần ông bị khách “mắng vốn”, ông  lại mua thêm chiếc xe lớn để đáp ứng nhu cầu. Khách càng lúc càng đông, đội xe cũng phát triển dần, từ 1 chiếc ban đầu đến nay ông có 12 chiếc xe cứu hộ đủ loại.

Địa bàn hoạt động của đội xe của ông Hiển trải dài, từ các tỉnh miền Trung đến các tỉnh miền Tây Nam bộ.

“Giải cứu” xe ngập nước

Ông Hiển cho biết cách đây vài năm, cứu hộ chủ yếu xe ô tô bị tai nạn và xe bị hỏng máy phải đưa đến garage sửa, nhưng những năm gần đây thì nhu cầu kéo xe bị ngập nước tăng nhanh. “Mới mấy trận mưa đầu mùa vừa qua, TP.Biên Hòa nhiều đoạn đường bị ngập nước, xe ô tô chết máy nhiều đến mức nhóm xe cứu hộ của tôi tại Biên Hòa đến kéo không kịp, phải điều thêm xe từ trạm Long Thành về phụ” - ông Hiển nói.

Đưa chúng tôi tham quan 2 garage sửa xe của ông tại Biên Hòa và Long Thành, ông Hiển cho xem những chiếc xe bị ngập nước hư hỏng nặng đang nằm chờ sửa. Giải cứu xe bị ngập nước vất vả hơn là cứu hộ bình thường do trời mưa ướt, thêm phần kẹt xe, đặc biệt khi cứu hộ ngập nước vào ban đêm lại càng phức tạp hơn. Các xe cứu hộ mua từ nước ngoài về ông đều phải gia cố lại phần khung kéo phía sau để phù hợp với các loại xe, điều quan trọng hơn nữa là độ lại hệ thống hút gió để tăng cường mức lội nước được sâu hơn. Theo ông Hiển, nếu xe không xử lý lại thì nhiều đoạn đường ngập nước sâu sẽ không thể “lội” vào để cứu xe chết máy được, lúc đó chính xe cứu hộ cũng phải nhờ xe khác “cứu”.

Vân Nam

 

Tin xem nhiều