Báo Đồng Nai điện tử
En

Lại trễ hẹn xử lý rác

08:06, 09/06/2016

Nghị quyết 185 của HĐND tỉnh nêu rõ đến đầu năm 2016, thu gom xử lý chất thải sinh hoạt ở đô thị và chất thải công nghiệp phải đạt 100% và tỷ lệ chôn lấp xuống dưới 15%. Nhưng đến đầu tháng 6-2016, tỷ lệ chất thải chôn lấp của tỉnh vẫn ở mức cao ngất ngưởng: trên 70%.

Nghị quyết 185 của HĐND tỉnh nêu rõ đến đầu năm 2016, thu gom xử lý chất thải sinh hoạt ở đô thị và chất thải công nghiệp phải đạt 100% và tỷ lệ chôn lấp xuống dưới 15%. Nhưng đến đầu tháng 6-2016, tỷ lệ chất thải chôn lấp của tỉnh vẫn ở mức cao ngất ngưởng: trên 70%.

Xử lý chất thải sinh hoạt thành phân bón ở Công ty cổ phần môi trường Đồng Xanh (TP.Biên Hòa).
Lò đốt rác tại Khu xử lý chất thải Quang Trung.

Hầu hết các doanh nghiệp xử lý chất thải tại 9 khu xử lý chất thải đã được quy hoạch đều cho biết, dù tỉnh có gia hạn đến cuối năm 2016, doanh nghiệp cũng khó giảm tỷ lệ chôn lấp chất thải sinh hoạt được thu gom xuống dưới 15%.

* Quy định 15%, thực tế 70%

Lý do các doanh nghiệp xử lý chất thải đưa ra là rác sinh hoạt độ ẩm cao, tỷ lệ rác vô cơ, hữu cơ lẫn lộn khó phân loại nên tỷ lệ tái chế làm phân bón, đốt... được gần 30%, còn lại vẫn phải chôn lấp tại các khu xử lý chất thải. Với công nghệ hiện nay của các đơn vị xử lý chất thải ở những khu xử lý chất thải được tỉnh quy hoạch, thì đến cuối năm 2016 vẫn khó hoàn thành việc giảm chôn lấp chất thải xuống dưới 15%.

Bà Quách Ngọc Bửu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần môi trường Sonadezi, cho hay: “Để đạt được tỷ lệ chôn lấp chất thải sinh hoạt xuống dưới 15%, sẽ phải thay đổi công nghệ. Việc thay đổi công nghệ phải có lộ trình vì liên quan đến vốn đầu tư và chọn lựa công nghệ cho phù hợp. Rác sinh hoạt của Biên Hòa có độ ẩm cao nên không thể đốt được, do đó trong quá trình tìm công nghệ phù hợp, chủ yếu phải chôn lấp hợp vệ sinh”.

Hiện Công ty cổ phần môi trường Sonadezi thu gom khoảng 700 tấn chất thải sinh hoạt/ngày, trong đó khoảng 250 tấn chất thải/ngày giao cho Công ty cổ phần môi trường Đồng Xanh (TP.Biên Hòa) sản xuất phân bón composit, tái chế ny-lông được 157 tấn/ngày, còn lại 93 tấn/ngày vẫn chôn lấp. Còn lại 500 tấn chất thải sinh hoạt/ngày đưa về Khu xử lý chất thải Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) phân loại và chôn lấp hợp vệ sinh trong khu 60%, tương đương gần 300 tấn/ngày.

Theo Sở Tài nguyên - môi trường, lượng rác sinh hoạt toàn tỉnh phát sinh hơn 1,6 ngàn tấn/ngày, thu gom xử lý trên 1,5 ngàn tấn/ngày. Trong lượng rác sinh hoạt được thu gom, có gần 40% có thể sản xuất thành phân bón hoặc đốt, còn lại trên 70% vẫn phải chôn lấp.

Vừa qua, UBND tỉnh đã có cuộc họp bàn về việc xử lý chất thải giảm tỷ lệ chôn lấp, trong đó các sở, ngành đều thống nhất đề nghị tỉnh gia hạn đến cuối năm 2016, các đơn vị xử lý chất thải mới phải đứa tỷ lệ chôn lấp rác xuống dưới 15%. Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh: “Mỗi năm, Đồng Nai tốn vài trăm tỷ đồng để chôn lấp rác sinh hoạt. Do đó, tỉnh khuyến khích đưa công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt vào làm phân bón, tái chế, phát điện để giảm chôn lấp dưới 15%. Với tỷ lệ chôn lấp rác sinh hoạt như hiện nay mất rất nhiều đất, cuối năm 2016 các đơn vị xử lý chất thải trong tỉnh phải đảm bảo tỷ lệ chôn lấp xuống dưới 15%”.

* Đã có công nghệ

Trong 15 dự án xử lý chất thải sinh hoạt tại 9 khu xử lý, hiện mới có Công ty TNHH thương mại - xây dựng Đa Lộc ở Khu xử lý Phú Thanh (huyện Tân Phú), Túc Trưng (huyện Định Quán) đạt yêu cầu chôn lấp dưới 8%. Công nghệ của công ty này là phân loại tái chế, xử lý làm phân bón và đốt. Còn lại một số doanh nghiệp cũng áp dụng công nghệ phân loại, tái chế, làm phân bón đốt, nhưng chậm triển khai các hạng mục đầu tư nên đa phần vẫn chôn lấp chất thải.

Xử lý chất thải sinh hoạt thành phân bón ở Công ty cổ phần môi trường Đồng Xanh (TP.Biên Hòa).
Xử lý chất thải sinh hoạt thành phân bón ở Công ty cổ phần môi trường Đồng Xanh (TP.Biên Hòa).

Bà Võ Niệm Tường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, cho biết: “Đến cuối năm 2016, khi các công trình tái chế, đốt chất thải hoàn thành đi vào hoạt động sẽ nâng công suất tái chế, đốt khoảng 710 tấn/ngày, chiếm 58% lượng chất thải sinh hoạt được thu gom. Như vậy, tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sẽ giảm xuống còn 42%”. Theo đó, dù tỉnh có gia hạn đến cuối năm 2016 thì việc chôn lấp chất thải sinh hoạt về dưới 15% sẽ không thực hiện được.  Ông Lý Thành Phương, Phó giám đốc Sở Xây dựng, nói: “Tỉnh đang tiếp tục tìm công nghệ phù hợp có thể xử lý chất thải sinh hoạt thành điện để biến rác thành tài nguyên và giảm tỷ lệ chôn lấp xuống thấp nhất”.

Từ đầu năm 2016 đến nay, có một số doanh nghiệp đến Đồng Nai đề nghị cho đầu tư dự án xử lý rác thành điện, phân bón, chất đốt và tỷ lệ chôn lấp chỉ từ 3-5%. Hiện tỉnh đang tiến hành tìm hiểu xem công nghệ nào thích hợp với rác sinh hoạt ở Đồng Nai và chi phí rẻ, doanh nghiệp đủ khả năng về vốn sẽ chấp nhận cho đầu tư để giảm tỷ lệ chôn lấp. Tuy nhiên, nếu chọn được công nghệ phù hợp trong năm nay và chấp thuận cho đầu tư thì cũng phải 2-3 năm sau, dự án xử lý chất thải thành điện mới hoàn thành và đi vào hoạt động.

Hương Giang

 

 

 

Tin xem nhiều