Xuân Lộc là một trong 2 địa phương đầu tiên của cả nước đạt huyện nông thôn mới nhờ đã triển khai chương trình mục tiêu quốc gia này bài bản ngay từ những ngày đầu.
Xuân Lộc là một trong 2 địa phương đầu tiên của cả nước đạt huyện nông thôn mới nhờ đã triển khai chương trình mục tiêu quốc gia này bài bản ngay từ những ngày đầu.
Năm 2008, Xuân Lộc đã bắt đầu thực hiện Kế hoạch 60 của Huyện ủy về xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn (sau này gọi là Ban Chỉ đạo 60).
* Từ Ban chỉ đạo 60
Kế hoạch 60 rất quan trọng, bởi căn cứ trên kế hoạch này, UBND huyện thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện. Đánh giá về những nỗ lực vượt qua khó khăn của Xuân Lộc trong xây dựng nông thôn mới, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành từng khen ngợi: “Xuân Lộc là vùng đất lửa trong kháng chiến; nông dân phải trải qua nhiều tổn thương nên bắt đầu xây dựng nông thôn mới từ xuất phát điểm rất thấp, gặp nhiều khó khăn, thử thách nhưng toàn Đảng, toàn dân Xuân Lộc tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng trong đấu tranh để khắc phục hậu quả chiến tranh, đầu tư phát triển sản xuất”.
Xuân Lộc đã đạt được danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới vào năm 2011. Và sau 5 năm phấn đấu bằng nhiều cách làm đầy sáng tạo, quyết liệt, Xuân Lộc lại dẫn đầu trong xây dựng nông thôn mới, trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước.
Kết quả của việc đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng để phát triển sản xuất nông nghiệp là thu nhập của người dân không ngừng được nâng lên. “Hậu” nông thôn mới, Xuân Lộc tiếp tục khuyến khích nông dân đưa cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để làm giàu từ nông nghiệp. Theo đó, thu nhập của người dân không ngừng tăng cao, hiện có nhiều xã đã và đang vươn lên đạt mức thu nhập bình quân trên 40 triệu đồng/người/năm với mục tiêu phấn đấu đạt 70 triệu đồng/người/năm vào năm 2020. |
Việc xây dựng nông thôn mới của huyện không hề đơn giản, bởi Xuân Lộc là huyện miền núi nghèo, đất đai bạc màu với điểm xuất phát thấp về phát triển kinh tế. Phó bí thư thường trực Huyện ủy Nguyễn Thị Cát Tiên cho hay: “Xét đến cùng thì mục tiêu trọng yếu nhất trong xây dựng nông thôn mới là để tạo điều kiện cho người dân đầu tư sản xuất, làm giàu từ nông nghiệp; đời sống được nâng cao“.
Huyện đang triển khai những dự án cánh đồng mẫu lớn cho cây lúa, bắp; ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất để phát triển bền vững. Xuân Lộc còn tích cực chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ để hình thành các vùng chuyên canh, gồm: cây hồ tiêu với diện tích gần 1,9 ngàn hécta, cây xoài gần 1,6 ngàn hécta, cây ăn trái đặc sản 1,9 ngàn hécta, rau 640 hécta... Trong đó, trên 90% diện tích các loại cây trồng đều sử dụng giống mới, đạt mức thu nhập từ 120-250 triệu đồng/hécta/năm. Nhiều vùng chuyên canh đang xây dựng quy trình sản xuất theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
* Khi người dân ủng hộ
Nhìn vào nguồn vốn đầu tư cho thấy, Xuân Lộc đã khơi dậy được nguồn lực từ trong dân khá mạnh. Số tiền doanh nghiệp đầu tư hưởng ứng trên 3 ngàn tỷ đồng; vốn dân cư hơn 9,5 ngàn tỷ đồng. Đây là khoản tiền khá lớn mà trước khi triển khai ít ai dám nghĩ tới. Chủ tịch UBND huyện Hồ Văn Hà cho biết: “Những ngày đầu, cán bộ triển khai các cuộc họp để xây dựng đường, nhiều người dân không đến. Thế nhưng sau đó tuyên truyền thì người dân chủ động yêu cầu cán bộ địa phương tổ chức họp để thực hiện“. Nhờ sáng tạo trong giám sát thi công xây dựng công trình đã tiết kiệm 15% chi phí xây dựng công trình (tương đương gần 130 tỷ đồng). Ngoài ra, chú trọng giảm những chi phí không cần thiết; tăng cường sử dụng vật liệu tại địa phương nên đã giảm chi phí xây dựng khoảng 25% với số tiền 200 tỷ đồng. Tổng kinh phí đã tiết kiệm được trên 340 tỷ đồng.
Công tác đầu tư cho hạ tầng được Xuân Lộc đẩy lên khá mạnh. Huyện đã đầu tư xây dựng tổng cộng gần 410km đường giao thông, xây dựng 8 chiếc cầu với tổng chiều dài khoảng 160m bê tông, kiên cố hóa được 8km kênh mương chính,15km kênh nhánh; hàng năm xây dựng từ 30-35 đập dâng tạm trữ nước phục vụ sản xuất vụ đông - xuân...
Vân Nam