Số lượng và quy mô vốn của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào tỉnh đang tăng lên khá nhanh trong những năm gần đây. Các chủ doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao về môi trường đầu tư ở Đồng Nai và đặt nhiều niềm tin vào vùng đất này.
Số lượng và quy mô vốn của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào tỉnh đang tăng lên khá nhanh trong những năm gần đây. Các chủ doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao về môi trường đầu tư ở Đồng Nai và đặt nhiều niềm tin vào vùng đất này.
Sản xuất chất hoạt động bề mặt dành cho mỹ phẩm tại Công ty TNHH Tayca Việt Nam ở Khu công nghiệp Long Đức (huyện Long Thành). |
Trong 5 tháng đầu năm 2016, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư vào Đồng Nai 10 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 50 triệu USD (chiếm 22,7% tổng số dự án và chiếm 15,7% tổng vốn đầu tư của các dự án FDI thu hút mới). Lĩnh vực đầu tư chủ yếu của các doanh nghiệp Nhật Bản là: công nghiệp phụ trợ, điện tử, công nghệ cao.
* Môi trường đầu tư tốt dần
Ông Akira Motomiya, Tổng giám đốc Công ty TNHH sản phẩm máy tính Fujitsu, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tiểu ban Đồng Nai, chia sẻ thời điểm công ty thành lập là vào năm 1995, khi đó tại Đồng Nai chỉ có rất ít công ty Nhật Bản. Đến nay, tại Đồng Nai đã có khoảng 200 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh. Đồng Nai đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các công ty Nhật Bản, có hơn 100 doanh nghiệp trực thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tiểu ban Đồng Nai đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Cũng theo ông Motomiya, các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá rất cao về nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư cũng như hạ tầng giao thông của Đồng Nai. Ông Motomiya nói: “Cách đây 3 năm, lúc tôi được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc Công ty Fujitsu. Muốn đến được công ty tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, tôi phải mất hơn 1 giờ đồng hồ đi xe từ TP.Hồ Chí Minh. Nhưng hiện nay, khoảng thời gian này được rút ngắn xuống chỉ còn 45 phút. Giao thông bây giờ đã tốt hơn trước nhiều rồi”.
Ông Kamata Masahiko, Tổng giám đốc Khu công nghiệp Long Đức (huyện Long Thành), cho biết sở dĩ các doanh nghiệp Nhật Bản chọn Đồng Nai đến đầu tư bởi nơi đây đang có nhiều lợi thế như có các tuyến đường quốc lộ, cao tốc đi qua và gần cảng biển và thời gian tới là sân bay Long Thành.
* Đồng hành cùng doanh nghiệp
Ông Masao Nagita, Tổng giám đốc Tập đoàn Tayca Nhật Bản, chia sẻ hơn 2 năm trước khi tập đoàn đến xin đầu tư tại Khu công nghiệp Long Đức, mọi việc thật khó khăn bởi ngành nghề sản xuất của doanh nghiệp liên quan đến hóa chất (sản xuất chất hoạt động bề mặt dành cho sản xuất mỹ phẩm và chất tẩy rửa). Vì vậy, việc xin giấy phép đầu tư liên quan đến rất nhiều bộ ngành, phải mất 2 năm Công ty TNHH Tayca Việt Nam mới đi vào hoạt động được. “Cũng có lúc chúng tôi tưởng chừng không thể thực hiện được phải bỏ dở dự án, nhưng rồi chính quyền Đồng Nai cũng cố gắng hỗ trợ và mọi việc đã hoàn thành” - ông Masao Nagita nói.
Sự đồng hành cùng doanh nghiệp của tỉnh đã được các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao. Trong buổi đối thoại cùng doanh nghiệp Nhật Bản do Cục Hải quan tổ chức mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh - ông Maeno Kojil cũng cho rằng việc các cơ quan chính quyền của Đồng Nai quan tâm đến các doanh nghiệp không chỉ hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp đang đầu tư tại địa phương, mà còn tác động đến các nhà đầu tư khác đang có ý định đến Việt Nam làm ăn.
Ông Maeno Kojil cũng kiến nghị nên có nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi hơn để doanh nghiệp có được thông tin chính sách mới. Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh Nakajima Satoshi nhận xét: “Tôi cho rằng Đồng Nai tổ chức những cuộc đối thoại là một điều vô cùng ý nghĩa. Thông qua những đối thoại thẳng thắn, tích cực trong buổi gặp mặt sẽ góp phần cải thiện và nâng cao hơn nữa môi trường kinh doanh của tỉnh Đồng Nai”.
Vân Nam