TS.Nguyễn Hồng Quân tốt nghiệp ngành quản lý và bảo vệ nguồn nước tại Cộng hòa liên bang Đức, hiện công tác tại Viện Môi trường và tài nguyên (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh).
TS.Nguyễn Hồng Quân tốt nghiệp ngành quản lý và bảo vệ nguồn nước tại Cộng hòa liên bang Đức, hiện công tác tại Viện Môi trường và tài nguyên (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh). Từng tham gia nhiều dự án bảo vệ và phục hồi môi trường cho các địa phương, trong đó có Đồng Nai, ông cho biết thời gian và kinh phí phục hồi của một dòng sông hay con suối là rất tốn kém, do đó cần đến nhiều giải pháp bảo vệ từ sớm.
Theo TS.Quân, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường cho thấy chúng ta đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nước ngày càng nghiêm trọng. Do đó, cần xác định và thực hiện các giải pháp theo các bước thời gian khác nhau (ngắn hạn, trung hạn, dài hạn). Và trên hết, cần một quyết tâm rất lớn cả về tài chính lẫn con người.
* Phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm rất tốn kém
Mất bao lâu để một con sông, con suối được cho là ô nhiễm có thể phục hồi được? Và chi phí ra sao?
- Việc phục hồi chất lượng nước của một dòng sông hay suối có thể thực hiện được. Thời gian phục hồi tùy thuộc vào mức độ ô nhiễm, khả năng tự làm sạch của chúng và các giải pháp thực hiện. Thời gian có thể tính từ vài năm cho đến vài chục năm. Ví dụ, để làm sạch sông Rhine đi qua các nước Thụy Sĩ, Đức, Hà Lan đã mất khoảng 20 năm để dòng sông phục hồi. Phục hồi sông Thị Vải cũng diễn ra trong thời gian gần 10 năm qua mới cho thấy có sự cải thiện đáng kể (nhưng vẫn chưa được như xưa).
Kinh phí phục hồi thường là rất lớn nếu chúng ta muốn quá trình phục hồi diễn ra nhanh hơn. Chi phí có thể phân ra là 2 loại: một là chi phí phục vụ cho việc ngăn ngừa, giảm thiểu các nguồn thải đổ vào sông, hồ thông qua các giải pháp, như: nâng cao hiệu quả xử lý nước thải từ các trạm xử lý từ các nhà máy, khu công nghiệp, tăng cường đầu tư xử lý các nguồn thải đô thị; hai là nâng cao khả năng tự làm sạch của dòng sông, như: sử dụng các loài thực vật có khả năng hấp thụ các chất ô nhiễm (dinh dưỡng, kim loại nặng), nhưng kinh phí rất lớn. Chẳng hạn, để trồng các loại thực vật để nâng cao khả năng làm sạch ở sông Rhine thì các nước đã đầu tư tổng cộng 40 tỷ USD trong vòng 20 năm. Hoặc các dự án phục hồi sông, suối ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc cũng phải đầu tư hàng tỷ USD.
Tuy nhiên, nếu kinh phí hạn chế (như ở Việt Nam) thì chúng ta có thể làm từng bước, huy động nhiểu nguồn lực cùng thực hiện.
Người ta thường dùng từ “đánh đổi” khi chọn lựa các dự án phát triển kinh tế có ảnh hưởng đến môi trường? Quan điểm của ông về vấn đề này? Đánh đổi ở mức độ nào thì ông cho là “chấp nhận được”?
- Theo tôi, tất cả các dự án đều có 2 mặt, bao gồm các mặt tích cực như lợi ích kinh tế, tạo công ăn việc làm và mặt tiêu cực là tác động đến môi trường. Song dùng từ “đánh đổi” lại mang ý nghĩa tiêu cực nhiều hơn trong việc lựa chọn một dự án phát triển. Đối với một dự án phải xem xét ở những phương án khác nhau và cần có sự đánh giá chi tiết về mức độ tác động đến kinh tế, môi trường, xã hội của từng phương án đó. Mức độ “chấp nhận” được chính là phương án có sự đồng thuận cao của các bên có liên quan (ví dụ: cơ quan quản lý, chủ đầu tư, đại diện cộng đồng dân cư khu vực bị ảnh hưởng).
Một khó khăn hiện này là làm sao để “đánh giá chi tiết” được các tác động đó. Hầu hết chúng ta phải đánh giá trong điều kiện thông tin, kiến thức còn hạn chế. Do vậy, xây dựng các hệ quản lý cơ sở dữ liệu, cập nhật thường xuyên các thông tin, sử dụng các công cụ tính toán tiên tiến, hiện đại có thể hỗ trợ giải quyết vấn đề này.
Ở các quốc gia phát triển như Đức hay châu Âu thì sự chọn lựa và “đánh đổi” có khắc nghiệt như các nước đang phát triển như Việt Nam hay không?
- Theo hiểu biết của tôi, các quốc gia phát triển chọn lựa dự án hết sức kỹ lưỡng. Những tác động đến môi trường, xã hội phải được lượng hóa rất chi tiết, từ đó có các giải pháp phù hợp. Ví dụ, tôi đã được đi tham quan dự án lấn biển, mở rộng cảng Rotterdam (Hà Lan, một trong những cảng lớn nhất trên thế giới). Dự án này đã xác định có những tác động tiêu cực đến môi trường nước. Sau khi có nhiều cuộc họp, trao đổi thì dự án đã được thông qua với điều kiện phải thực hiện các giải pháp về môi trường, trong đó có việc chủ đầu tư dự án phải cung cấp kinh phí (tương đối lớn) để phát triển, bảo tồn đa dạng sinh học của một vùng lân cận như là một hình thức “bù” lại các ảnh hưởng do dự án gây ra.
Báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định hiện tại là do chủ đầu tư trả chi phí, trước khi được các cấp thẩm quyền phê duyệt. Theo ông đây có phải là mấu chốt khiến các báo cáo không còn đáng tin cậy ở một số dự án?
- Theo tôi không phải các báo cáo đánh giá tác động môi trường là không đáng tin cậy vì các báo cáo đã được thẩm định bởi các hội đồng đánh giá. Nếu báo cáo chưa đảm bảo độ tin cậy mà hội đồng thẩm định thông qua, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì chính là lỗi của hội đồng, cơ quan thẩm định. Ngoài ra, chúng ta cũng phải xem xét chủ đầu tư có thực hiện nghiêm túc các khuyến nghị, cam kết trong báo cáo hay không.
Chúng ta không thể dùng ngân sách để chi trả cho các báo cáo đánh giá khác động môi trường mà phải là chủ đầu tư chi trả (chưa đề cập đến các báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược). Tuy nhiên, cũng cần có thêm một nguồn kinh phí dự phòng (có thể từ chủ đầu tư hoặc ngân sách) để thu thập, bổ sung thông tin phục vụ kiểm tra, đánh giá lại độ tin cậy của một số nội dung trong báo cáo.
* Cần một quyết tâm lớn
Dự án mới mà ông cùng các đồng nghiệp Đức triển khai liên quan đến cải thiện môi trường khu vực sông Thị Vải. Sau sự cố ô nhiễm năm 2008, thực chất môi trường khu vực này hiện ra sao? Dự án sẽ giúp điều gì trong bảo vệ môi trường tại Đồng Nai?
- Dự án Ewatec - Coast “Nghiên cứu công nghệ bảo vệ môi trường nước và xây dựng các mô hình quản lý tích hợp môi trường vùng ven biển” tập trung lưu vực sông Thị Vải và khu Cần Giờ đã được triển khai trong giai đoạn 2012-2015 do Viện Môi trường và tài nguyên (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh) và Viện Nghiên cứu thủy lực, tài nguyên nước - Đại học Braunschweig chủ trì cùng các đối tác trong nước, quốc tế (Cộng hòa liên bang Đức) thực hiện. Dự án đã thu thập, tiến hành đo đạc các thông số môi trường, đất nước, không khí, sinh thái rừng ngập mặn cùng với việc xem xét các yếu tố về biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng trong tương lai.
Trong lĩnh vực cải thiện và bảo vệ môi trường, theo ông chúng ta đang thiếu gì nhất? Cán bộ chuyên ngành được đào tạo tốt hay chi phí để thực hiện? - Theo tôi cái đang thiếu nhất hiện nay là sự quyết tâm trong công tác bảo vệ môi trường từ mọi thành phần xã hội chứ không chỉ có cơ quan quản lý môi trường. Nếu có quyết tâm sẽ từng bước khắc phục các hạn chế khác (ví dụ: kinh phí, trình độ chuyên môn) trên cơ sở huy động nhiều nguồn lực khác nhau từ xã hội. |
Trên cơ sở đánh giá các thông số liên quan về chất lượng nước, cho thấy chất lượng nước sông Thị Vải đã được cải thiện đáng kể từ giai đoạn 2008 đến nay, ví dụ chỉ tiêu Amoni, DO đã cải thiện từ 3-10 lần. Tuy nhiên, hiện tại mức độ ô nhiễm vẫn còn vượt so với quy chuẩn cho phép, đặc biệt chỉ tiêu Nitric vẫn tương đối cao hoặc vẫn phát hiện kim loại nặng (Crom) trong trầm tích đáy ở ngưỡng tác động đến sinh vật, con người.
Chúng tôi đã xây dựng được một bộ cơ sở dữ liệu tích hợp các kết quả nghiên cứu của dự án cũng như xây dựng được bộ mô hình tính toán lan truyền ô nhiễm. Nếu các dữ liệu được cập nhật, sử dụng sẽ giúp cho công tác quản lý chất lượng nước tại sông Thị Vải (Đồng Nai). Nếu tỉnh Đồng Nai thấy phù hợp, có thể phối hợp để mở rộng cho các khu vực khác trên địa bàn tỉnh như hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai, hồ Trị An, sông Buông... Chúng tôi hy vọng tiếp tục giai đoạn 2 của dự án để cùng Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Đồng Nai triển khai áp dụng vào thực tế công tác quản lý.
Là một người nghiên cứu khoa học, ông có bi quan về chất lượng môi trường tại Việt Nam? Các cải thiện nên dựa vào ý thức, dân trí của người dân, của doanh nghiệp hay luật của Chính phủ?
- Thật sự thì tôi cảm thấy khá bi quan về chất lượng môi trường hiện nay. Tôi nghĩ chúng ta có lối thoát nhưng chưa thật sự quyết tâm thực hiện. Tâm lý “nước tới chân mới nhảy” đã ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề này. Đã đến lúc cần “đổi mới” về nhận thức và hành động để bảo vệ và phục hồi các dòng sông, hồ. Chúng ta cần dựa vào con người, khoa học - kỹ thuật, dựa vào các nguồn lực khác nhau trong xã hội để cùng thực hiện.
Xin cảm ơn ông!
Kim Ngân (thực hiện)