Khối doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam phần lớn đi lên từ sản xuất hộ gia đình, vì vậy cách quản lý cũng như phương thức hoạt động chỉ dựa trên kinh nghiệm là chính.
Khối doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam phần lớn đi lên từ sản xuất hộ gia đình, vì vậy cách quản lý cũng như phương thức hoạt động chỉ dựa trên kinh nghiệm là chính. Ở quy mô nhỏ, mô hình này hoạt động khá hiệu quả, nhưng khi phát triển thêm thì doanh nghiệp lại lúng túng và một số xuất hiện tình trạng thua lỗ.
Sản xuất phụ kiện điện tử tại Công ty TNHH một thành viên Đại Á Thành (phường Long Bình, TP.Biên Hòa). |
Trong thời kỳ hội nhập, cạnh tranh diễn ra gay gắt trên mọi lĩnh vực, không chỉ với doanh nghiệp trong nước mà còn phải cạnh tranh với cả doanh nghiệp nước ngoài. Chính vì vậy, hoạt động của doanh nghiệp chỉ đơn thuần bằng kinh nghiệm được cho là đã “hết thời”.
* Không “lớn” lên được
Một công ty chuyên sản xuất mùn cưa ép xuất khẩu ở phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) sau gần 10 năm hoạt động đến nay phải xin giải thể vì thua lỗ. Chủ doanh nghiệp này cho biết từ năm 2007 trở về trước, khi còn là cơ sở sản xuất thì mọi hoạt động đều tốt. Thời gian sau này khi mở rộng sản xuất và thành lập công ty, sản xuất không còn được như trước, đặc biệt 3 năm trở lại đây doanh nghiệp liên tục bị thua lỗ do không cạnh tranh nổi. Những trường hợp như doanh nghiệp nói trên diễn ra khá phổ biến hiện nay.
Ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thanh Bình (phường Long Bình, TP.Biên Hòa), chia sẻ: “Doanh nghiệp phá sản trong thời gian vừa qua không hoàn toàn là những doanh nghiệp mới thành lập. Có những doanh nghiệp khi còn ở quy mô nhỏ, quản lý theo kiểu gia đình rất tốt, nhưng phát triển lên một thời gian thì phá sản”. Theo ông Bình, doanh nghiệp phá sản do 2 nguyên nhân: về khách quan gặp lúc kinh tế gặp khó khăn, sự thay đổi về chính sách khiến doanh nghiệp rất dễ bị “chết”; còn về chủ quan, là do chủ doanh nghiệp không quản lý nổi. Khi doanh nghiệp còn nhỏ, quản trị tương đối dễ dàng, nhưng phát triển đến một mức nào đó, chủ doanh nghiệp phải được đào tạo.
Ông Bình cũng đưa ra 3 khó khăn thường gặp ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi phát triển lên quy mô lớn là: không kiểm soát được chi phí sản xuất ở mức thấp nhất, quản trị nhân sự kém, không quản trị tốt dòng tiền. Ông Bình nhấn mạnh: “Phần lớn chủ các doanh nghiệp nhỏ không đọc được báo cáo tài chính, tất cả phó mặc cho kế toán. Chủ doanh nghiệp phải nắm chắc về thuế thay đổi như thế nào, tài chính của doanh nghiệp ra sao, cái đó là “yết hầu” của sự tồn tại”.
* Bất lợi trong cạnh tranh
Theo ông Phạm Thế Linh, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, hội nhập kinh tế tại Việt Nam đang diễn ra rất mạnh, do đó mức độ cạnh tranh đã khác trước rất nhiều. Doanh nghiệp Việt không chỉ cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước, mà còn phải chú ý đến những doanh nghiệp cùng ngành nghề đến từ các quốc gia lân cận, như: Trung Quốc, Myanmar, Malaysia... Khối doanh nghiệp nhỏ nếu không thay đổi tư duy phát triển sẽ khó trụ được.
Bà Lê Kim Lộc, Phó giám đốc Công ty luật Việt Á (doanh nghiệp chuyên làm dịch vụ kế toán và báo cáo thuế, phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) cũng thừa nhận khả năng quản trị nhân sự cũng như quản trị tài chính của khối doanh nghiệp nhỏ khá kém. Đây cũng là hạn chế khiến doanh nghiệp nhỏ trong nước bất lợi khi cạnh tranh. Cũng theo bà Lộc, để thay đổi chính chủ doanh nghiệp phải tự ý thức bằng cách trang bị thêm kiến thức cho mình về quản trị, về điều hành bộ máy thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn. Điều này cũng được ông Phạm Đức Bình cho là rất cần thiết, bởi với một công ty, khi phát triển lên quy mô lớn hơn cần phải có người phân tích tài chính. Khi bỏ tiền đầu tư phải phân tích những chi phí, rủi ro, vòng đời sản phẩm, dòng tiền cơ bản sẽ ra sao và sản phẩm cạnh tranh như thế nào.
Phó giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.Hồ Chí Minh Trần Ngọc Liêm cũng nhận xét, khối doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam ngoài việc yếu về tiềm lực vốn, rất nhiều doanh nghiệp còn yếu về kiến thức quản lý nên rất dễ bị đổ vỡ hoặc phá sản.
Vân Nam