Thông tin từ hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn năm 2016 với các tỉnh, thành trong cả nước do Chính phủ tổ chức ngày 12-5 cho hay, dự báo mưa lũ tập trung nửa cuối mùa mưa, diễn biến các cơn bão rất phức tạp.
Thông tin từ hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn năm 2016 với các tỉnh, thành trong cả nước do Chính phủ tổ chức ngày 12-5 cho hay, dự báo mưa lũ tập trung nửa cuối mùa mưa, diễn biến các cơn bão rất phức tạp.
Thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lớn xảy ra dồn dập trong thời điểm ngắn dễ gây ngập lụt. Trong ảnh: Ngập lụt ở TP.Biên Hòa vào cuối mùa mưa năm 2015. |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhận xét: “Hiện tượng El Nino đã làm cho thời tiết trong nước từ đầu năm đến nay cực đoan hơn, có những nơi lạnh 00C, có nơi nắng nóng trên 410C, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long vào sâu đến 90km, lượng mưa thấp. Hậu quả của thời tiết cực đoan trên làm thiệt hại lớn cho người dân sản xuất ở nhiều địa phương”.
Thiên tai mất gần 10 ngàn tỷ đồng
Thiên tai trong 4 tháng đầu năm đã gây thiệt hại hơn 9.700 tỷ đồng, cao hơn cả năm 2015 trên 1.600 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại do khô hạn, xâm nhập mặn hơn 8.900 tỷ đồng, rét đậm, rét hại 700 tỷ đồng, mưa dông, lốc, mưa đá 129 tỷ đồng.
Đại diện các tỉnh, thành trong cả nước đều khẳng định, thời gian qua lượng mưa ít nên lượng nước trên các sông, hồ đều cạn kiệt, nền nhiệt độ cao hơn trung bình mọi năm 1-1,50C dẫn đến khô hạn khốc liệt hơn các năm trước.
Nếu khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Nguyên, Đông Nam bộ khốn đốn vì khô hạn thiếu nước thì các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lại bị thiệt hại nặng do xâm nhập mặn. Theo một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, từ đầu tháng 5-2016 đến nay, độ mặn vẫn tiếp tục gia tăng lên đến 51%0, cao hơn cuối tháng 4-2016 khoảng 10%0.
Riêng tại Đồng Nai có các huyện Nhơn Trạch, Long Thành cũng bị mặn xâm nhập ảnh hưởng gần 1 ngàn hécta cây trồng và nuôi thủy sản. Những vùng cao, như: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Long Khánh cũng xảy ra thiếu nước sinh hoạt, sản xuất.
Đề phòng mưa bão
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương Hoàng Đức Cường cho biết: “Năm nay, số cơn bão ảnh hưởng đến Việt Nam chỉ khoảng 4-5 cơn, ít hơn năm trước 1-2 cơn. Bão tập trung từ tháng 9 đến tháng 11 và thường là di chuyển theo hướng Tây, tốc độ đi nhanh nên khả năng sẽ gây ra thiệt hại nặng nề hơn”.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Xây dựng yêu cầu các tỉnh, thành nhanh chóng rà soát lại các vùng trọng yếu tại địa phương, sớm di dời người dân ở những vùng dễ xảy ra sạt lở đất để bảo toàn tính mạng. Các khu đô thị phải lắp đặt 2 đường ống cấp nước sinh hoạt để không may xảy ra sự cố có đường cấp nước dự phòng. Ngoài ra, các tỉnh, thành kiểm tra, nạo vét hệ thống tiêu thoát nước các khu đô thị, tránh ngập úng khi diễn ra mưa lớn.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo, các địa phương chủ động phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” (gồm: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ); chú ý di dời các hộ dân ở những vùng dễ xảy ra thiên tai sạt lở đất, lũ quét khi có dự báo về mưa lũ, bão. Tùy theo từng khu vực địa lý, các địa phương xây dựng kế hoạch phòng chống lụt bão cho phù hợp để giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất; theo dõi kỹ diễn biến thời tiết có sự chuẩn bị đối phó kịp thời những hiện tượng thời tiết cực đoan. Các cơ quan truyền thông dành nhiều thời lượng đăng tải những thông tin về thời tiết, hướng dẫn của bộ, ngành, địa phương về giải pháp phòng chống lụt bão, thiên tai…
Tại đầu cầu Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh chủ trì. Từ đầu năm 2016 đến nay, Đồng Nai có 24 xã thuộc 6 huyện chịu ảnh hưởng nặng nề của nắng nóng, khô hạn làm gần 900 hộ thiếu nước sinh hoạt và trên 3.100 hécta cây trồng bị ảnh hưởng. Mùa mưa tại Đồng Nai đến trễ hơn mọi năm gần 1 tháng, vào cuối tháng 5 đầu tháng 6. Nửa đầu mùa ít mưa, mưa lớn, lũ, bão tập trung cuối mùa khoảng tháng 9,10. |
Hương Giang