Cầu An Hảo bắc qua sông Cái (một nhánh của sông Đồng Nai), nối cù lao Phố (xã Hiệp Hòa) với Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (phường An Bình, TP.Biên Hòa) là cây cầu huyết mạch có tính kết nối cao. Đây là một trong những dự án được xem là trọng điểm của Đồng Nai.
Cầu An Hảo bắc qua sông Cái (một nhánh của sông Đồng Nai), nối cù lao Phố (xã Hiệp Hòa) với Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (phường An Bình, TP.Biên Hòa) là cây cầu huyết mạch có tính kết nối cao. Đây là một trong những dự án được xem là trọng điểm của Đồng Nai.
Trên công trường thi công cầu An Hảo. |
Sau một thời gian tập kết máy móc, nguyên vật liệu, công tác thi công cầu An Hảo bắt đầu được chủ đầu tư là Tổng công ty xây dựng số 1 (CC1 - cũng là đơn vị thi công) tăng tốc. Dù điều kiện thi công không mấy thuận lợi, nhưng CC1 đã khắc phục và quyết đẩy nhanh tiến độ vượt kế hoạch đề ra
* Không chờ giải phóng mặt bằng
Sau khi khởi công vào cuối năm 2015, chủ đầu tư dự án đã lên kế hoạch và tập kết nguyên vật liệu, di dời bến phà An Hảo sang vị trí mới gần đó để vừa có mặt bằng thi công vừa vẫn đảm bảo thông suốt việc đi lại cho người dân. Theo chủ đầu tư, việc tập kết nguyên vật liệu cũng như phương tiện máy móc để thi công ở đây khá khó khăn.
Tại bên bờ phường An Bình, nơi có thể đưa các phương tiện đến dễ dàng nhất thì lại vướng mặt bằng chưa được giải phóng. Ở phía bờ Hiệp Hòa, đường vào lại quá nhỏ, thêm phần lưu lượng xe máy qua lại nơi đây khá đông nên không mấy dễ dàng vận chuyển nguyên vật liệu. Khu vực bên bờ sông cũng chưa giải phóng xong mặt bằng, còn vướng các hộ dân. Một phương án được CC1 đưa ra, đó là vận chuyển máy móc thiết bị bằng đường thủy để đảm bảo tiến độ.
Ông Phạm Ngọc Tín Nghĩa, Chỉ huy trưởng công trình, cho biết lòng sông ở đây không ổn định, vừa đá lại bùn nên việc neo đậu xà lan thi công gặp phải khó khăn. “Đến nay chúng tôi đã ổn định được các xà lan ở giữa sông, bắt đầu thi công 2 trụ chính. Song song đó chúng tôi cũng triển khai thi công 2 trụ gần bờ phía Hiệp Hòa, bởi khu vực này tương đối sâu, xà lan có thể áp sát được” - ông Nghĩa trình bày. Cũng theo ông Nghĩa, khu vực phía bờ An Bình là một bãi bồi nên phải cho máy múc hết phần bùn để tạo độ sâu cho xà lan tiếp cận được, lúc đó mới tiến hành khoan cọc. Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải Lê Quang Bình cho hay về phần xây dựng cầu, chủ đầu tư bám rất sát tiến độ, đơn vị đã tiến hành đồng loạt nhiều mũi thi công.
* Tăng tốc sớm
Mới ở thời điểm dạo đầu, nhưng trên công trường xây dựng cầu An Hảo các đội thi công công trình đã làm liên tục 2 ca, không nghỉ thứ bảy và chủ nhật. Ông Nghĩa cho biết, đến khoảng ngày 10-4 trở đi công trường sẽ tăng tốc cho hoạt động 3 ca mỗi ngày. Chỉ huy trưởng công trình cho hay, điểm thi công mất nhiều thời gian nhất của cầu này là 3 trụ giữa sông và 2 dầm đúc hẫng.
Công nhân đang thi công trên công trường xây dựng cầu An Hảo. |
Theo tính toán của Ban quản lý dự án cầu An Hảo, với việc huy động thêm nhân lực và tiến hành thi công 3 ca liên tục, thời gian hoàn thành dự án chỉ khoảng 15 tháng, giảm 3 tháng so với kế hoạch trước đó chủ đầu tư đã đăng ký với Bộ Giao thông - vận tải. Nhận định của Ban quản lý dự án này, nếu việc giải phóng mặt bằng xong sớm thì việc hoàn thành dự án còn có thể rút ngắn thời gian hơn nữa. Hiện tại, hầu như về phần mặt bằng trên bờ vẫn chưa giải phóng xong, nên chủ đầu tư vẫn chỉ tập trung thi công phần cầu ở dưới nước.
Ông Nguyễn Đồng Thanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên - môi trường), cho biết việc giải phóng mặt bằng cho dự án này hiện đang được gấp rút triển khai đo đạc. Nguyên nhân thời gian giải phóng mặt bằng bị kéo dài là do bản đồ địa chính bị sai, nên hiện nay đo theo hiện trạng. Dự kiến công tác giải phóng mặt bằng sẽ hoàn tất vào khoảng tháng 6 theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Khắc Giới