Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa hàng sạch ra chợ

07:04, 07/04/2016

Đồng Nai đang tập trung tổ chức chuỗi liên kết, tiêu thụ thực phẩm an toàn tại các kênh chợ truyền thống. Trong đó, chợ Tân Biên được chọn là chợ đầu mối cung cấp thịt, rau, củ, quả... an toàn, đạt chuẩn VietGAP.

Đồng Nai đang tập trung tổ chức chuỗi liên kết, tiêu thụ thực phẩm an toàn tại các kênh chợ truyền thống. Trong đó, chợ Tân Biên (TP.Biên Hòa) được chọn là chợ đầu mối cung cấp thịt, rau, củ, quả... an toàn, đạt chuẩn VietGAP cho các khu chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh.

Chợ Biên Hòa sẽ tổ chức gian hàng bán thịt VietGAP trong thời gian tới.
Chợ Biên Hòa sẽ tổ chức gian hàng bán thịt VietGAP trong thời gian tới.

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai được UBND tỉnh giao trách nhiệm tổ chức cung cấp nguồn thực phẩm đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP cho chợ đầu mối Tân Biên. Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng là đầu mối triển khai liên kết với tiểu thương tổ chức chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm thịt heo, gà sạch, không sử dụng chất cấm trong chuỗi an toàn thực phẩm VietGAP tại các chợ truyền thống.

* Sẵn sàng nguồn nông sản sạch

Với mục tiêu tăng sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi trong hội nhập, từ năm 2010, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã triển khai dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap). Dự án hỗ trợ từ hoạt động chăn nuôi, đầu tư hệ thống giết mổ tập trung đến nâng cấp khu bán thực phẩm tươi sống tại các chợ truyền thống đạt chuẩn an toàn.

Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 3 vùng áp dụng thực hành chăn nuôi tốt (GAHP) với 52 nhóm GAHP có trên 1 ngàn nông hộ tham gia. Trong đó, hàng trăm hộ chăn nuôi đã được cấp chứng nhận VietGAP. Dự án cũng đã triển khai hệ thống nhận diện và truy xuất nguồn gốc vật nuôi qua việc bấm thẻ tai trên đàn heo hộ GAHP. Hiện toàn tỉnh có 25 cơ sở giết mổ Lifsap và hơn 30 chợ được nâng cấp với mục tiêu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là hàng tươi sống. Đồng Nai cũng đã hình thành được những vùng chuyên canh rau, quả cả trăm hécta được cấp chứng nhận VietGAP. Đây là nguồn cung cấp dồi dào về thực phẩm sạch khi chợ đầu mối Tân Biên đi vào hoạt động.

 Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết: “Hiệp hội Chăn nuôi sẽ chịu trách nhiệm tổ chức hệ thống cung ứng nguồn thịt sạch. Trong đó, các trang trại, hộ chăn nuôi theo chuẩn VietGAP sẽ được ưu tiên bao tiêu sản phẩm. Các loại thực phẩm về chợ đều truy xuất được nguồn gốc, thịt cũng sẽ được kiểm tra không có các chất cấm độc hại mới đưa đến các quầy sạp bán cho người tiêu dùng”.

Công ty TNHH Việt Trung Tín (TP.Hồ Chí Minh), đơn vị vừa ký kết hợp đồng bao tiêu xoài VietGAP với HTX nông nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch xoài Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), rất quan tâm đến việc phát triển thị trường cho trái xoài sạch ngay tại Đồng Nai. Bà Đỗ Minh Lý, đại diện Công ty  TNHH Việt Trung Tín, chia sẻ: “Dự kiến, vụ xoài năm nay DN sẽ bao tiêu khoảng 100 tấn xoài VietGAP cho nông dân trồng xoài tại Phú Lý. Ngoài trái xoài, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư, bao tiêu cho trái bưởi và nhiều loại nông sản sạch khác. Mối quan tâm lớn nhất hiện nay của chúng tôi là mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản sạch”

* Kết nối ra thị trường

Cũng theo bà Lý, tìm đầu ra cho trái cây sạch với sản lượng lớn là điều không hề đơn giản. Trong đó, các chợ truyền thống là kênh tiêu thụ để mở rộng thị trường không thể bỏ qua. Doanh nghiệp này đã liên kết với tiểu thương tại chợ đầu mối Tân Biên để tổ chức gian hàng cung cấp sỉ với mục tiêu đưa xoài VietGAP vào các chợ bán lẻ. “Xoài VietGAP được chăm sóc theo quy trình hữu cơ nên chúng tôi bao tiêu cho nông dân với giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường. Khi cung cấp cho tiểu thương, doanh nghiệp vẫn đưa ra mức giá của hàng thường để khuyến khích tiểu thương” - bà Lý nói.

Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, đánh giá Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành đi đầu về xây dựng chuỗi liên kết từ chăn nuôi đến giết mổ, tiêu thụ từ siêu thị đến các chợ truyền thống. Tham gia chuỗi không chỉ góp phần làm giảm giá thành chăn nuôi, mà quan trọng hơn là truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, hỗ trợ, khuyến khích chăn nuôi sạch, đảm bảo về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây chính là giải pháp căn cơ để tăng sức cạnh tranh cho chăn nuôi nội địa khi bước vào hội nhập trước làn sóng thịt nhập khẩu từ những đối thủ nặng ký, như: Mỹ, Trung Quốc…

Bà Lại Thị Hồng, một trong những thương lái tích cực tham gia tổ chức gian hàng bán trái cây VietGAP tại chợ Tân Biên, cho hay: “Khi có doanh nghiệp đến đặt vấn đề cung cấp xoài VietGAP tôi đã nhận hàng về bán vì sản phẩm sạch ngày càng được thị trường ưa chuộng. Ban quản lý chợ rất quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để tiểu thương triển khai, gian hàng được treo bảng sản phẩm VietGAP”. Tuy nhiên, việc tạo chỗ đứng cho trái cây sạch tại kênh tiêu thụ này còn rất nhiều khó khăn. Bà Hồng so sánh: “Thị hiếu khách hàng đã quen với trái xoài phải chín ửng, bắt  màu đẹp, giá lại rẻ hơn. Còn xoài VietGAP để già, chín tự nhiên nên tiểu thương cũng còn e ngại lấy hàng”. Tuy nhiên, bà Hỗng vẫn giữ kế hoạch liên kết với doanh nghiệp đầu tư gian hàng bài bản hơn, tăng cường tìm kiếm bạn hàng tiêu thụ cho trái xoài sạch.

Nói về sự quan tâm của tiểu thương về dự án chợ đầu mối thực phẩm an toàn, ông Phạm Hùng Dương, Chủ nhiệm Ban quản lý chợ Sặt (TP.Biên Hòa), được giao trách nhiệm quản lý chợ đầu mối Tân Biên, nhận xét: “Hiện chợ Tân Biên vẫn đang lên kế hoạch cải tạo lại cơ sở hạ tầng trước khi đưa vào hoạt động. Dự kiến chợ sẽ có khoảng 200 gian hàng cung cấp sỉ và lẻ thịt và khoảng 60 gian hàng rau, củ, trái cây. Chương trình được triển khai đến tiểu thương từ đầu năm 2016 và sẽ hiện đang cho tiểu thương đăng ký tham gia”.

Bình Nguyên

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều