Chỉ trong vòng hơn nửa tháng, nông dân trồng mía tại huyện Trảng Bom bị thiệt hại nặng vì hàng trăm hécta mía thiêu rụi, tập trung nhiều nhất là tại các xã: Trung Hòa, Hưng Thịnh, Hưng Lộc...
Chỉ trong vòng hơn nửa tháng, nông dân trồng mía tại huyện Trảng Bom bị thiệt hại nặng vì hàng trăm hécta mía thiêu rụi, tập trung nhiều nhất là tại các xã: Trung Hòa, Hưng Thịnh, Hưng Lộc...
Lao động thu hoạch mía cháy tại huyện Trảng Bom. Ảnh: B.Nguyên |
Vụ thu hoạch năm nay, nông dân trồng mía gặp nhiều thuận lợi vì giá mía tăng cao lại đạt về năng suất. Nhưng không ít người trồng mía tại Trảng Bom lại đang điêu đứng vì nạn mía cháy hàng loạt. Điều đáng lo ngại nhất là tình trạng mía cháy có thể do kẻ gian cố tình phá hoại.
Dồn dập cháy mía
Ông Trương Hùng Dũng, một trong những nông dân bị thiệt hại nặng nhất với khoảng 100 hécta mía bị cháy, chia sẻ: “Trận cháy đầu là vào 29 tháng Chạp, tôi bị cháy trụi 20 hécta mía. Đợt này, tôi lỗ hàng trăm triệu đồng do mía cháy nên phải 10 ngày sau mới thu hoạch, mía cháy để khô trên đồng, chữ đường giảm mạnh nên giá bán chỉ bằng một nửa so với mía thường. Chỉ hơn nửa tháng, tôi tính sơ đã có khoảng 300 hécta mía ở vùng này bị cháy, thiệt hại của nông dân chúng tôi cứ tăng dần”.
Ông Trần Thái Quốc, nông dân trồng mía tại xã Hưng Thịnh có khoảng 40 hécta mía cháy, lo lắng: “Chưa năm nào tình trạng mía cháy lại xảy ra nghiêm trọng như năm nay. 29 tháng Chạp vừa có trận cháy lớn thì đêm mùng một tết, gia đình tôi đã tất tả đi cứu mía cháy. Từ đó đến nay, cứ đôi ba ngày lại xảy ra vụ cháy mới. Có những đợt cháy lớn, ngọn lửa bùng cao quá ngọn cây, chúng tôi đành bất lực nhìn cả trăm hécta mía bị thiêu rụi”. Do tình trạng mía cháy diễn ra liên tục với diện tích lớn nên nông dân càng gặp khó khăn trong việc tổ chức thu hoạch, nhiều đồng mía cháy hiện đang dần khô trên đồng. Mía cháy chậm thu hoạch, nông dân càng thiệt hại vì mía càng khô, trọng lượng và chữ đường càng giảm.
Kẻ gian phá hoại?
Theo những nông dân trồng mía, nạn mía cháy xảy ra nghiêm trọng như hiện nay có thể là do bị phá hoại. Ông Vũ Quốc Hùng, lao động đang chặt mía cháy tại ấp Hưng Long (xã Hưng Thịnh), nhận xét: “Đám mía này bị cháy là do có người cố tình đốt vì điểm phát cháy nằm sâu giữa đám mía, chúng tôi phải mở đường vào sâu bên trong chữa cháy. Nhiều vụ cháy lớn là do người đốt châm lửa ở các điểm khác nhau khiến đám cháy lan nhanh, người chữa cháy không biết dập lửa từ đâu”.
Những vụ thu hoạch mía trước đây vẫn xảy ra cháy mía. Có một số nhóm lao động chủ động đốt mía để dễ thu hoạch nhưng họ thường chỉ đốt vài ba mẫu mỗi lần chặt. Nguyên nhân cháy có thể do khô hạn, con người bất cẩn,nhưng nhiều vụ cháy mía xảy ra gần đây có rất nhiều dấu hiệu cho thấy đây là hành động của những kẻ cố tình phá hoại.
Trái với thông tin người dân phản ánh, đến nay UBND huyện Trảng Bom chỉ mới có báo cáo kết quả kiểm tra, ghi nhận thiệt hại rẫy mía cháy tại xã Trung Hòa trong ngày 25-1 có 27 hécta mía bị cháy; ngày 14-1 có 0,5 hécta đất rẫy trồng thanh long, bưởi bị cháy. Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom đã có ý kiến giao cho UBND xã Trung Hòa chỉ đạo Công an xã khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân gây cháy.
Theo ông Lê Đình Nghiêm, Giám đốc Nhà máy mía đường Biên Hòa - Trị An, thời gian gần đây ngày nào nhà máy cũng ép từ 400 - 500 tấn mía cháy. Tình trạng mía cháy xảy ra ở nhiều địa phương khác nhau nhưng nghiêm trọng nhất là huyện Trảng Bom với khoảng 300 hécta mía bị cháy. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho nông dân mà cũng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của nhà máy. Phía nhà máy kiến nghị chính quyền địa phương ở những nơi xảy ra nạn cháy cần quan tâm điều tra, ngăn chặn tình trạng kẻ gian cố tình đốt mía. |
Bình Nguyên