Đang làm kế toán cho một khách sạn ở TP.Hồ Chí Minh với mức thu nhập khá cao thì chị Bùi Thị Phú lại về quê ở huyện Cẩm Mỹ để theo đuổi ước mơ làm nông nghiệp công nghệ cao của mình.
Đang làm kế toán cho một khách sạn ở TP.Hồ Chí Minh với mức thu nhập khá cao thì chị Bùi Thị Phú lại về quê ở huyện Cẩm Mỹ để theo đuổi ước mơ làm nông nghiệp công nghệ cao của mình.
Thay vì nuôi tằm lấy tơ thông thường, sau 3 năm miệt mài học tập, nghiên cứu, chị đã nuôi trồng thành công nấm đông trùng hạ thảo, mang lại giá trị kinh tế rất cao, có giá trị dược liệu quý phục vụ cho sức khỏe con người.
* Lặn lội tìm tằm cổ kén vàng
Theo lời chị Phú, đông trùng hạ thảo là một loại nấm quý chỉ có trên các cao nguyên có độ cao hơn mặt biển trên 4 ngàn mét, được sử dụng làm dược liệu trong y học cổ truyền Trung Hoa và Tây Tạng. Tên gọi sản phẩm này xuất phát từ quan sát thực tế. Vào mùa đông, loại nấm này nhìn giống côn trùng, còn đến mùa hè thì trông giống thảo mộc. Hiện nay, sự khai thác quá mức đông trùng hạ thảo tại Nepal đã khiến loại nấm này có nguy cơ cạn kiệt. Để đáp ứng thị trường, cũng có rất nhiều nghiên cứu cho ra sản phẩm đông trùng hạ thảo nhân tạo bằng cách nuôi cấy trong môi trường thí nghiệm trên giá thể nhộng tằm trắng. Tuy nhiên, vì tằm trắng là sản phẩm nuôi để lấy tơ nên đối với một số người có thể bị dị ứng.
Chị Bùi Thị Phú với sản phẩm đông trùng hạ thảo được nuôi cấy từ tằm cổ kén vàng của mình. |
Chị Phú phải sử dụng loại tằm cổ kén vàng lành tính và có hàm lượng chất dinh dưỡng rất cao. Nhưng giống tằm đó nay không còn nữa vì năng suất kéo tơ thấp. Qua tìm hiểu chị biết được ở tỉnh Tuyên Quang có một cụ bà 90 tuổi, người còn nuôi loại tằm cổ kén vàng để bào chế thuốc chữa bệnh cam sài cho trẻ con. Ở đó, chị xin bà chỉ dạy cách trồng dâu, nuôi tằm và nay chị cũng là người lưu giữ giống tằm này.
Chị cũng chia sẻ: “Tằm thì đã có, nhưng để duy trì nguồn giống thì thật khó khăn, dù đã nhiều lần thuyết phục nông dân trồng dâu, nuôi tằm để mình lo sản xuất nấm nhưng người dân không đồng ý nên tạm thời mình cứ tự làm hết mọi việc. Sau này, họ thấy mình làm rồi họ sẽ chấp nhận thôi”.
* Nguồn nguyên liệu khép kín
Ở ấp Suối Lức (xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) hiện có gần 2 hécta đất chị Phú nuôi gà lấy phân bón cho hơn 4 hécta vườn dâu chị tự trồng để nuôi tằm nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch và giá thể nhộng tằm khi thu hoạch đạt độ dinh dưỡng cao nhất. Bên cạnh đó, quy trình nhân giống và nuôi trồng đông trùng hạ thảo được chị Phú tuân thủ vô cùng nghiêm ngặt. Để nuôi cấy thành công, chị phải liên tục trau dồi kiến thức về vi sinh vật, hóa học và Đông dược học. Tất cả quy trình sản xuất được thực hiện khép kín trong phòng lạnh đã khử trùng và phải điều chỉnh nhiệt độ nhằm tạo môi trường tự nhiên cho nhộng tằm. Thời gian nuôi cấy nấm này khoảng 2 tháng với yêu cầu sản phẩm phải có màu vàng sậm, lên đều, chiều dài đạt khoảng 6-10 cm. Sau khi thu hoạch, đông trùng hạ thảo được mang đến Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam hoặc Viện Khoa học Việt Nam để phân tích hàm lượng chất dinh dưỡng.
Chị Phú đã đặt tên cho sản phẩm của mình là đông trùng hạ thảo Trang trại xanh, với các loại: viên nén, đông trùng hạ thảo khô và tươi. Sản phẩm đã được cấp giấy phép lưu hành của Bộ Y tế và được bán với mức giá là 1,8 triệu đồng/10gr sản phẩm khô. Mỗi tháng trang trại của chị Phú cung cấp cho thị trường hơn 10kg đông trùng hạ thảo các loại.
Kim Vũ