Báo Đồng Nai điện tử
En

Khô hạn sớm vào cao điểm (Bài 1)

10:02, 29/02/2016

Tuy không bị thiệt hại nặng như các tỉnh Trung bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long… nhưng hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng Nai bước vào cao điểm sớm hơn cả tháng so với mọi năm càng gây nhiều bất lợi cho nông dân.

Tuy không bị thiệt hại nặng như các tỉnh Trung bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long… nhưng hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng Nai bước vào cao điểm sớm hơn cả tháng so với mọi năm càng gây nhiều bất lợi cho nông dân. Hàng ngàn hécta cây trồng hàng năm, lâu năm đã bị ảnh hưởng do hạn hán và xâm nhập mặn. Một số địa phương, người dân cũng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nước sinh hoạt vì hàng loạt giếng khoan, giếng đào đều cạn kiệt.

Hàng trăm hécta mía tại huyện Trảng Bom đã bị cháy trụi dù chỉ mới đầu mùa khô.
Hàng trăm hécta mía tại huyện Trảng Bom đã bị cháy trụi dù chỉ mới đầu mùa khô.

Ngay từ đầu năm, Đồng Nai đã chủ động triển khai kế hoạch ứng phó và tập trung mọi nguồn lực trong công tác chống hạn. Trong đó, nông dân vẫn là người đóng vai trò chủ thể với nhiều mô hình, giải pháp hay tiết kiệm điện, tiết kiệm nước tưới hiệu quả.

Năm nay, cao điểm khô hạn đến sớm nên chỉ mới đầu mùa khô, Đồng Nai đã xảy ra hàng loạt vụ mía cháy, đập thủy lợi cạn nước, nhiều vùng nông thôn thiếu nước sinh hoạt vì nguồn nước giếng khoan cạn kiệt.

Hạn nặng cũng làm tình hình xâm nhập mặn ở hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai cao hơn nhiều so với mọi năm. Hàng ngàn hécta lúa, mía bị ảnh hưởng về năng suất, một số vùng mía có nguy cơ mất trắng vì hiện nước hồ Trị An khá kiệt, không thể tăng lưu lượng xả để đẩy mặn ở vùng hạ lưu. Việc trông chờ vào độ mặn trên sông giảm để lấy nước vào nhằm bớt hạn không mấy khả thi, vì theo dự báo tình trạng hạn hán sẽ ngày càng tăng trong thời gian tới.

* Nước ăn cũng thiếu

Nhiều địa phương của Đồng Nai hiện rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt ngay từ đầu mùa khô. Hàng loạt giếng khoan, giếng đào cạn nước sớm hơn cả tháng so với mọi năm càng gây khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất của nông dân. Nghiêm trọng nhất là khu vực huyện Định Quán với hàng ngàn hộ dân ở các xã: La Ngà, Phú Ngọc, Ngọc Định... đang phải mua từng lít nước về sử dụng.

Theo báo cáo của Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai, tính đến ngày 22-2, dung tích của nhiều hồ chứa nước thuộc đơn vị quản lý giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, hồ Đa Tôn hiện dung tích là 11,6 triệu m3, hụt gần 1,4 triệu m3 so với cùng kỳ; hồ Gia Ui hụt trên 1,1 triệu m3; hồ Suối Vọng hụt hơn nửa triệu m3... gây nhiều khó khăn cho công tác chống hạn, nhất là hoạt động sản xuất tại các cánh đồng lúa, hoa màu với diện tích lớn tại các huyện miền núi, như: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc…

Ông Nguyễn Thanh Hùng, ấp 3, xã La Ngà, lo lắng: “Thường thì đến giữa tháng 2 vùng này mới thiếu nước. Nhưng năm nay từ trước Tết Nguyên đán, gia đình tôi đã phải đi mua nước vì các giếng khoan, giếng đào đều cạn kiệt. Hiện nước chở đến tận nhà có giá từ 40-45 ngàn đồng/m3 và dù có tiết kiệm, gia đình tôi cũng mất từ 1,2-1,3 triệu đồng/tháng để mua nước. Hạn hán càng kéo dài, thời tiết càng nắng nóng thì người dân vùng này càng khổ”.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã La Ngà, cho biết: “Nhiều năm nay, cử tri luôn đề nghị làm công trình nước sạch để dân bớt khổ vì thiếu nước. Hiện cả xã có trên 300 hộ dân thuộc 4 ấp đang thiếu nước sinh hoạt, phải mua nước từ xe bồn về sử dụng dù không rõ nguồn nước này ở đâu và có đảm bảo hay không. Hộ nào có điều kiện khá hơn một chút thì mua nước bình dùng để uống và nấu ăn, những hộ khó khăn thì đành dùng nước mua bồn”.

Theo ông Lê Bá Diệt, Phó chủ tịch UBND xã Phú Ngọc, toàn xã có trên 4.200 hộ dân thì hết 2/3 thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô. Có những hộ khoan 5-6 cái giếng sâu từ 120-130m cũng không có nước để dùng. Mỗi giếng khoan người dân mất từ 15-20 triệu đồng, nếu không có nước coi như số tiền trên mất trắng. “Tỉnh đã có dự án làm nhà máy nước sạch cho 3 xã: Phú Ngọc, La Ngà, Ngọc Định từ năm 2008, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai vì thiếu vốn. Do đó, nhiều năm nay vào mùa khô là hàng ngàn hộ dân trong xã lại lao đao vì thiếu nước sinh hoạt, phải trả giá cao để mua mà không biết nước có đảm bảo vệ sinh hay không” - ông Diệt nói.

* Vừa hạn vừa xâm mặn

Theo Sở Tài nguyên - môi trường, kết quả quan trắc mực nước ngầm gần đây nhất cho thấy, nước ngầm ở nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh vào mùa khô sụt giảm mạnh do nhu cầu sử dụng cao. Bên cạnh đó, còn do mùa khô năm nay nắng nóng, ít có mưa trái mùa, mực nước trên các sông, suối hầu hết kiệt hơn so với cùng kỳ năm trước cũng khiến cho mực nước ngầm sụt giảm mạnh.

Từ đầu mùa khô đến nay, toàn huyện Trảng Bom có khoảng 300 hécta mía bị cháy. Nguyên nhân gây cháy chưa được xác định, nhưng theo nông dân có diện tích mía bị thiệt hại, năm nay cháy mía xảy ra sớm với diện tích tăng đột biến một phần do ảnh hưởng của khô hạn. Do nắng quá gay gắt, diện tích mía chờ thu hoạch bị khô sớm là nguồn dẫn rất dễ bắt cháy. Có vụ cháy gây thiệt hại cả 100 hécta mía vì thời tiết quá khô hanh, gió mạnh nên khi một rẫy mía bị bắt lửa dễ dàng bùng phát, lan rộng ra toàn diện tích gây thiệt hại lớn hơn hẳn so với sự cố cháy mọi năm. Điều nông dân lo lắng hơn là càng vào cao điểm khô hạn, nguy cơ cháy rẫy, cháy rừng càng tăng vì hiện nhiều khu vực của Đồng Nai đã đạt mức báo động cháy cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm.

Tình trạng này gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ông Trương Đình Bá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ), nhận xét: “Hiện nhiều vườn tiêu trên địa bàn huyện vì thiếu nước tưới nên có hiện tượng vàng lá, tiêu bị lép hạt, ảnh hưởng đến cả năng suất và chất lượng. Địa phương gặp nhiều khó khăn nhất ở Cẩm Mỹ là xã Lâm San vì hàng loạt giếng khoan đã cạn kiệt, nông dân còn phải mua nước sinh hoạt thì lấy đâu nước tưới cho cây trồng. Địa phương đang kiến nghị được tạo điều kiện để dẫn nguồn nước từ đập Sông Ray (dự án thuộc Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn quản lý) về chống hạn”.

Khô hạn đến sớm khiến đập thủy lợi phục vụ cho cánh đồng Năm Sao đã cạn kiệt nước từ cách đây một tháng.
Khô hạn đến sớm khiến đập thủy lợi phục vụ cho cánh đồng Năm Sao đã cạn kiệt nước từ cách đây một tháng.

Hạn hán, xâm mặn cũng đang gây thiệt hại cho hàng ngàn hécta mía, lúa tại huyện Nhơn Trạch. Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch, toàn huyện có gần 3 ngàn hécta lúa, mía bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn. Hầu hết các xã nằm ven sông đều bị ảnh hưởng. Ông Dương Chí Hùng, Chủ tịch UBND xã Phú Đông (huyện Nhơn Trạch), cho hay: “Trên địa bàn xã còn khá nhiều diện tích mía nằm sau đập Ông Kèo chưa kịp thu hoạch, giờ đành để chết khô ngoài đồng, vì thu hoạch xong không có nước cũng không thể vận chuyển ra đường lớn”.

Cũng nói về những thiệt hại của tình trạng nhiễm mặn, ông Hồng Văn Nam, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch), so sánh: “Mùa khô năm nay, mặn xâm nhập sớm và nặng hơn những năm trước rất nhiều, có thời điểm độ mặn đo được lên đến gần 7/1.000. Nhiều hộ nuôi thủy sản ở ven sông đành phải bán đổ bán tháo tôm nếu không mặn vào tôm sẽ chết. Sợ mặn xâm nhập, Ban quản lý đập Ông Kèo đóng cửa ngăn nước vào khiến nhiều diện tích mía không thu hoạch được, vì nước trong các rạch đều cạn khô không thể vận chuyển ra”.

Bình Nguyên - Hương Giang

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều