Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp FDI "ngóng" TPP

09:02, 15/02/2016

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết là điều mong đợi của nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh.

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết là điều mong đợi của nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh. Vì đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp FDI tại Đồng Nai mở rộng sản xuất, xuất khẩu hàng hóa sang 11 nước trong khối nhằm hưởng các ưu đãi về thuế quan.

Sản xuất thiết bị máy móc tại Công ty Công ty TNHH Osaka Fuji Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3  (huyện Nhơn Trạch).
Sản xuất thiết bị máy móc tại Công ty Công ty TNHH Osaka Fuji Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch).

Ngày 4-2-2016, TPP chính thức được ký kết, dự kiến có hiệu lực trong vòng 2 năm tới. Khi gia nhập TPP, với các doanh nghiệp FDI, hầu hết đều có sự chuẩn bị khá kỹ từ trước, do đó họ nhìn thấy cơ hội từ TPP nhiều hơn.

* Mở rộng đầu tư

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, tính đến đầu tháng 2-2016, Đồng Nai thu hút khoảng 1.560 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 29 tỷ USD. Trong đó, số dự án còn hiệu lực gần 1.200 dự án, có tổng vốn xấp xỉ 24 tỷ USD. Để nắm bắt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và đặc biệt là TPP, nhiều tập đoàn FDI lớn trên thế giới đã có mặt tại Đồng Nai nhằm liên kết, đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất nguyên liệu, hàng hóa để cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong đó, có những tập đoàn FDI lớn không ngừng mở rộng sản xuất và xuất khẩu, như: Hyosung, Changshin, Taekwang Vina, Amata, CP, Fujitsu, Formosa, VPIC, Kenda, Pouchen...

Khi Việt Nam tham gia và hội nhập sâu hơn, Đồng Nai sẽ nằm trong nhóm đầu các tỉnh, thành trong cả nước được các nhà đầu tư nước ngoài chọn lựa. Điều đó được thể hiện qua 2 con số kỷ lục về thu hút vốn đầu tư FDI năm 2015 của tỉnh: gần 2,5 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 14,4 tỷ USD. “Năm 2015, thu hút FDI của Đồng Nai phần lớn vào lĩnh vực sản xuất. Các doanh nghiệp FDI sau khi được cấp chứng nhận đầu tư thường triển khai xây dựng nhà xưởng rất nhanh, chỉ trong một thời gian ngắn đã đi vào hoạt động. Việc này tạo tiền đề tốt để năm 2016 và những năm tiếp theo Đồng Nai phát triển và tăng xuất khẩu” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái nhận định.

Ông Lý Dục Kỳ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp chính xác Việt Nam ở Khu công nghiệp Hố Nai (huyện Trảng Bom), cho biết: “Hàng hóa của công ty 90% xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada... nên khi biết thông tin Việt Nam tham gia TPP, chúng tôi đã chủ động xây dựng thêm nhà máy, mở rộng sản xuất. Hiện chúng tôi đã quyết định đầu tư khoảng 70 triệu USD vào Khu công nghiệp Giang Điền, xây dựng nhà xưởng sản xuất xe máy, ô tô điện và linh kiện thiết bị chăm sóc sức khỏe, tăng xuất khẩu để hưởng các ưu đãi về thuế”. Theo ông Kỳ, khi biết Việt Nam đã chính thức ký kết TPP, công ty đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà xưởng, tuyển thêm hơn 1 ngàn công nhân để mở rộng sản xuất.

* Việt Nam vẫn hút vốn mạnh

Gần 2 năm trở lại đây, làn sóng đầu tư nước ngoài có sự dịch chuyển mạnh về Việt Nam. Có những doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam là để cung ứng nguyên phụ liệu cho các tập đoàn để mở rộng sản xuất hưởng các ưu đãi thuế quan từ các FTA, Cộng đồng kinh tế ASEAN và chờ đợi TPP. Theo Bộ Công thương, TPP sẽ đem lại 5 cơ hội lớn cho Việt Nam, trước hết là ngành dệt may có thuế nhập khẩu vào Hoa Kỳ giảm 50% (tương đương 1 tỷ USD) ngay năm đầu tiên TPP có hiệu lực và giúp kim ngạch xuất khẩu tăng 30%/năm trong những năm tiếp theo. Ngành giày da sẽ giảm 60% thuế nhập khẩu vào Hoa Kỳ, doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, có thể tham gia đấu thầu mua sắm chính phủ, tiếp cận thị trường dịch vụ và đầu tư các nước thành viên TPP. Đặc biệt, khi là thành viên TPP, Việt Nam khẳng định vai trò, vị thế chính trị và ngoại giao trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

TPP đã có sự tham gia của 12 nước, gồm: Hoa Kỳ, Việt Nam, Nhật Bản, Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore. Các nước tham gia TPP chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu.

Ông Montri Suwanposri, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi CP. Việt Nam, cho hay: “TPP sẽ giúp Việt Nam phát triển nhanh so với nhiều nước trong khối ASEAN. Tuy một số lĩnh vực sẽ gặp khó khăn, nhưng theo tôi Việt Nam sẽ vượt qua và luôn là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhiều doanh nghiệp FDI”.

 TS. Surin Pitsuwan, nguyên Tổng thư ký ASEAN - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Amata, cho hay: “Tập đoàn Amata đầu tư tiếp 635 triệu USD vào 3 dự án lớn tại Long Thành là để đón đầu làn sóng FDI vào Đồng Nai. Với lợi thế từ Cộng đồng kinh tế ASEAN đã chính thức có hiệu lực, các FTA và TPP, Đồng Nai sẽ là nơi được nhiều doanh nghiệp FDI lựa chọn để đầu tư. Trong tương lai, Việt Nam sẽ vượt xa nhiều nước trong khu vực”. TS.Surin Pitsuwan còn nhấn mạnh, Đồng Nai chưa có khu công nghiệp công nghệ cao nên Tập đoàn Amata sẽ là đơn vị dẫn đầu trong đầu tư lĩnh vực này.

Gần đây, khi các tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan... mở rộng sản xuất tại Việt Nam, thì làn sóng các doanh nghiệp FDI đầu tư mới vào Đồng Nai cũng tăng cao, đa số có công nghệ hiện đại và lĩnh vực đầu tư phù hợp với những ngành mà tỉnh đang ưu tiên mời gọi.

 Hương Giang

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích