Chủ đề hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trong những năm qua đã được đề cập đến rất nhiều lần, thế nhưng đến nay các biện pháp hỗ trợ DN vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của DN, nhiều chính sách chưa thực sự đến được với khối DN này.
Chủ đề hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trong những năm qua đã được đề cập đến rất nhiều lần, thế nhưng đến nay các biện pháp hỗ trợ DN vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của DN, nhiều chính sách chưa thực sự đến được với khối DN này.
Sản xuất hàng công nghiệp phụ trợ tại Công ty Đại Á Thành, xã Phước Tân, TP.Biên Hòa. |
Cuối tháng 1-2016, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế cho rằng việc ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vào thời điểm này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.
* Doanh nghiệp yếu, thiếu đủ thứ
Ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc VCCI chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, cho rằng các hiệp định thương mại tự do (FTA) ngày càng tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam và hoạt động sản xuất - kinh doanh của cộng đồng DN. Khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp gần khoảng 40% vào GDP và tạo ra 50% việc làm trong toàn xã hội, nhưng thành phần kinh tế này đang gặp nhiều khó khăn cần được hỗ trợ. Theo ông Liêm, việc ra đời Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là sự cần thiết để thúc đẩy phát triển khối DN này. “Không chỉ là DN nhỏ mà trên thực tế còn có cả DN siêu nhỏ. Nhóm DN này yếu, thiếu đủ thứ từ kinh nghiệm sản xuất, vốn, máy móc thiết bị, thị trường tiêu thụ sản phẩm…” - ông Liêm nói.
Cũng chia sẻ về vấn đề này với hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, cho rằng luật định hiện nay không phân biệt DN nhỏ hay DN lớn, vì vậy các cơ quan quản lý Nhà nước vào bất kể DN nhỏ và siêu nhỏ nào cũng có thể phạt được vì các lỗi vi phạm của DN. Đây cũng là điều không hay ở trong thời kỳ hội nhập này.
Theo các chuyên gia kinh tế, ở các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc hay những quốc gia châu Âu đều có những chính sách hỗ trợ cho khối DN nhỏ và vừa, được thực hiện cách đây từ vài chục năm trước. Nhiều nước như: Pháp, Đức, Nhật Bản xem khối DN nhỏ trong nước là động lực phát triển kinh tế quốc gia. Khối DN nhỏ và vừa có đóng góp lớn trực tiếp cho nền kinh tế đất nước, thậm chí nhiều hơn so với các tập đoàn kinh tế. Đây là khối DN được đánh giá là năng động và phát huy sự sáng tạo cao.
* Hỗ trợ thiết thực
Ông Phạm Thế Linh, Phó chủ tịch Hội DN trẻ Đồng Nai cho rằng, việc hỗ trợ cho DN phải thiết thực cụ thể. “Những chính sách về hỗ trợ trong thời gian qua của Nhà nước đều có, nhưng căn cứ theo điều kiện thì các DN nhỏ và siêu nhỏ không thể chạm vào được. Luật này được ban hành cần phải cụ thể hóa hơn để DN được hỗ trợ thực sự” - ông Linh nói. Theo đó, trong luật định cũng cần cụ thể việc hỗ trợ khối DN này, như: xúc tiến thương mại như thế nào, mặt bằng sản xuất ra sao, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, thông tin pháp luật... Đặc biệt ông Linh cho rằng cần quan tâm tới đối tượng mới khởi nghiệp. Đây là đối tượng có ý tưởng và sáng tạo, tuy nhiên nguồn lực về vốn luôn bị thiếu. Nên chăng có một nguồn quỹ thiết thực để hỗ trợ cho những dự án hay, ý tưởng kinh doanh khởi nghiệp mà có tính chất khả thi như vậy, sự hỗ trợ của Nhà nước mới có hiệu quả.
Việc ban hành Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia cho rằng Việt Nam tham gia hội nhập sâu với thế giới, vì vậy phải bảo đảm sự phù hợp, không được trái với các cam kết của Việt Nam trong các FTA, nếu không sẽ trở thành bất lợi đối với những DN sản xuất hàng xuất khẩu. Lúc đó hàng hóa bị các nước kiện về việc chống trợ cấp.
Vân Nam