Cây siêu cao lương được cho là loại cây "vàng" của Nhật Bản vì cho siêu năng suất, trồng 1 lần cho thu hoạch 3 lần vì là cây tái sinh. Đây là nguồn nguyên liệu chế biến được rất nhiều sản phẩm, như: xăng sinh học, viên nén sinh học, thức ăn gia súc...
Cây siêu cao lương được cho là loại cây “vàng” của Nhật Bản vì cho siêu năng suất, trồng 1 lần cho thu hoạch 3 lần vì là cây tái sinh. Đây là nguồn nguyên liệu chế biến được rất nhiều sản phẩm, như: xăng sinh học, viên nén sinh học, thức ăn gia súc... Nông dân Đồng Nai được chọn trồng khảo nghiệm loại giống mới này, vụ thu hoạch đầu cho kết quả khả quan nhưng ở vụ tái sinh lại thất bại.
Nông dân Nguyễn Đức Thơm (huyện Cẩm Mỹ) thất vọng vì cây siêu cao lương không cho lợi nhuận như kỳ vọng. |
Nông dân càng thất vọng vì trong quá trình trồng, thu hoạch giống cây mới này, Công ty TNHH siêu cao lương SOL Việt Nam (vốn đầu tư Nhật Bản), đơn vị đầu tư dự án, lại đẩy cái khó về phía nông dân.
* Lợi nhuận thua cây bắp
Theo doanh nghiệp giới thiệu, cây siêu cao lương cho siêu năng suất, dễ thích ứng với các điều kiện canh tác khó khăn, như: khô hạn, thiếu nước tưới hoặc đất đai cằn cỗi... nên lợi nhuận hơn rất nhiều khi so sánh với trồng cây bắp và nhiều loại cây hàng năm khác. Tuy nhiên, thực tế sản xuất lại có khoảng cách khá xa với lý thuyết. Ông Nguyễn Văn Thanh, nông dân trồng thử nghiệm giống cây siêu cao lương tại xã Lang Minh (huyện Xuân Lộc), cho biết lần thu hoạch đầu cây trồng này đạt năng suất gần 60 tấn/hécta, nhưng đợt thu hoạch lần 2 chỉ đạt 11 tấn/hécta. Con số này cách biệt rất xa với năng suất mà doanh nghiệp giới thiệu với nông dân. Ông Thanh so sánh: “Nếu 3 vụ thu hoạch từ 1 đợt trồng siêu cao lương đạt năng suất khoảng 180 tấn/hécta như công ty giới thiệu thì thu nhập từ cây siêu cao lương vượt xa cây bắp. Nhưng với năng suất thực tế hiện nay và mức trả của doanh nghiệp cho nông dân là trên 31 triệu đồng cho toàn vụ với diện tích trồng là 0,5 hécta thì nông dân chúng tôi đang lỗ tiền công”.
Theo ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ, kết quả trồng thử nghiệm 50 hécta siêu cao lương tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai, chỉ tính vụ thu hoạch lần 1 đạt năng suất trung bình khoảng 88 tấn/hécta, vẫn cho lợi nhuận trên 20 triệu đồng/hécta vì trồng với diện tích lớn, đầu tư đồng loạt nên giảm chi phí hơn so với nông dân. Tuy nhiên, ông Sáng cũng thừa nhận, ở nước ngoài cây trồng này triển khai với diện tích lớn, ứng dụng cơ giới hóa nên không gặp những vấn đề khó khăn và tốn công thu hoạch như nông dân trồng tại Đồng Nai. Ông cũng khuyến cáo, trồng cây này nông dân chỉ nên thu hoạch 1 vụ, phải chọn đúng thời điểm xuống giống để cây phát triển trong mùa mưa và có thời gian quang hợp cao nhất thì mới đạt năng suất tốt. |
Ông Nguyễn Đức Thơm, nông dân trồng đạt năng suất cao nhất khi trồng thử nghiệm giống cây này tại xã Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ) là 102 tấn/hécta vào vụ 1, cũng khẳng định sẽ không chọn cây trồng này vì hiệu quả kém. Ông Thơm dẫn chứng: “Vụ 2, tôi bỏ không thu hoạch vì năng suất quá thấp. So với cây bắp, chi phí đầu tư, công chăm sóc, thu hoạch giống cây mới này cao hơn rất nhiều. Cụ thể, khi trồng bắp cây, tôi bán cả ruộng cho đơn vị thu mua nhưng với cây siêu cao lương, tôi phải tìm công lao động để thu hoạch. Cây cao cả 4-5m nên thu hoạch rất vất vả và tốn chi phí tiền công hơn 11 triệu đồng cho 0,5 hécta. Tôi đang kiến nghị phía doanh nghiệp hỗ trợ thêm tiền công thu hoạch thì mới có lời”.
* Đẩy khó cho nông dân?
Theo hợp đồng trình diễn trồng khảo nghiệm giống cây siêu cao lương mới được ký kết giữa Công ty TNHH siêu cao lương SOL Việt Nam và nông dân, thì phía doanh nghiệp đầu tư giống, hỗ trợ chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật..., tiến hành theo dõi, đánh giá giá trị canh tác và sử dụng đất của nông dân, mua độc quyền toàn bộ sản phẩm cây siêu cao lương của nông dân. Phía doanh nghiệp cam kết đảm bảo doanh thu từ cây siêu cao lương cho nông dân đạt khoảng 52 triệu đồng/0,5 hécta trong 8 tháng, tương đương với 2 vụ bắp với lợi nhuận đạt được ít nhất bằng hoặc hơn cây bắp.
Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, đánh giá vụ thu hoạch đầu, cây siêu cao lương cho năng suất đạt nhưng vụ 2 thì thất bại hoàn toàn. Chi phí đầu tư, thu hoạch lại quá lớn khiến lợi nhuận hầu như không có, gây tâm lý ngán ngại cho nông dân. Theo đánh giá của nông dân, cây siêu cao lương không khó trồng nhưng phía doanh nghiệp phải xem xét, tính toán lại quy trình hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân cũng như ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn sẽ sớm làm việc để đánh giá hiệu quả của dự án; vấn đề ký kết hợp đồng bao tiêu giữa doanh nghiệp và nông dân. |
Tuy nhiên, thực tế nông dân hầu như không có lời trong mô hình trồng thực nghiệm như công ty đưa ra. Ông Lê Văn Dũng, nông dân tại xã Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc), cho hay: “Nông dân trồng đúng theo quy trình hướng dẫn do cán bộ kỹ thuật từ công ty cử xuống. Vụ trồng siêu cao lương này trễ hơn gần 2 tháng so với thời điểm xuống bắp của nông dân. Công ty lại tổ chức thu hoạch vụ 1 trễ hơn cả nửa tháng nên khi tái sinh vụ 2 thì hết mưa, cây không phát triển được. Chúng tôi muốn tưới nước cho cây sinh trưởng thì cán bộ kỹ thuật của công ty yêu cầu không cần tưới. Chính vì vậy, năng suất vụ 2 hầu như không có, nhưng doanh nghiệp lại bỏ qua nguyên nhân này và vẫn căn cứ vào mức năng suất thực tế để tính tiền với nông dân là không hợp lý”.
Đánh giá ban đầu về hiệu quả của cây siêu cao lương, ông Nguyễn Lam Điền, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Xuân Lộc, nhận xét cần thêm thời gian trồng khảo nghiệm để đánh giá đúng hiệu quả giống cây trồng này. Vì với hiệu quả ban đầu, nông dân không bị thuyết phục bởi cây trồng này, nhất là chi phí đầu tư lớn hơn nhiều so với cây bắp. Ông Điền tính toán: “Công chăm sóc và nhất là thu hoạch cây trồng này rất cao, có nông dân mất gần 15 triệu đồng để thu hoạch 0,5 hécta. Những chi phí này “ăn” hết phần lời của nông dân”. Ngoài ra, vấn đề vướng mắc lớn nhất của nông dân hiện nay là doanh nghiệp không đưa ra chính sách thu mua và giá thành cụ thể, rõ rằng với nông dân. Nông dân cũng mù mờ về cách tính sản lượng của doanh nghiệp. Theo ông Điền, điều cũng cần quan tâm là vấn đề cải tạo không để đất bị thoái hóa vì trồng giống cây mới này. Vì trồng giống cây mới này, đất chỉ bị lấy đi mà không được trả lại nguồn dinh dưỡng như trồng các loại cây hàng năm khác.
Bình Nguyên