Báo Đồng Nai điện tử
En

Quy hoạch chăn nuôi: Cung vẫn chưa gặp cầu

09:01, 31/01/2016

Từ năm 2008, Đồng Nai đã có quyết định phê duyệt quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung và cơ sở giết mổ  tập trung trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, chương trình đã có những bước chuyển biến tích cực, nhưng vẫn rất chậm so với yêu cầu quy hoạch.

Từ năm 2008, Đồng Nai đã có quyết định phê duyệt quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung và cơ sở giết mổ  tập trung trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, chương trình đã có những bước chuyển biến tích cực, nhưng vẫn rất chậm so với yêu cầu quy hoạch.

Ông Nguyễn Văn Sơn, một trong số ít chủ trang trại đầu tư trong khu quy hoạch chăn nuôi tập trung  tại huyện Cẩm Mỹ.
Ông Nguyễn Văn Sơn, một trong số ít chủ trang trại đầu tư trong khu quy hoạch chăn nuôi tập trung tại huyện Cẩm Mỹ.

Có nhiều nguyên nhân khiến người chăn nuôi, doanh nghiệp (DN) không mặn mà vào các khu quy hoạnh chăn nuôi tập trung. Trong đó, cung vẫn chưa gặp cầu là nguyên nhân chính khó thu hút nhà đầu tư dù nhu cầu này là rất lớn.

* Ì ạch thu hút  nhà đầu tư

Từ năm 2009, toàn tỉnh có khoảng 200 trang trại nằm trong vùng quy hoạch. Qua gần 8 năm thực hiện, đến nay con số trang trại nằm trong các vùng quy hoạch tăng lên là 533 trang trại. Trong khi đó, số lượng trang trại ngoài vùng quy hoạch lớn hơn rất nhiều: 1.511 trang trại. Chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn phát triển tràn lan ngoài vùng quy hoạch.

Về tổng thể, toàn tỉnh có 139 vùng quy hoạch khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung với tổng diện tích gần 15,7 ngàn hécta. Tỉnh cũng đã chọn 7 vùng thí điểm để tập trung đầu tư hạ tầng, chủ yếu là đầu tư làm đường điện, đường giao thông tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nhà đầu tư. Song, hiệu quả vẫn còn hạn chế.

Cụ thể, huyện Trảng Bom đã hoàn chỉnh hạ tầng vùng thí điểm tại xã Cây Gáo, nhưng đến nay chưa có trang trại nào được đầu tư, vì công tác di dời các cơ sở nằm trong khu dân cư chưa được thực hiện. Một nguyên nhân khác là người dân nằm trong vùng quy hoạch này chủ yếu đang trồng các cây công nghiệp lâu năm cho lợi nhuận tốt, không có nhu cầu bán đất, người muốn bán thì đưa mức giá đất khá cao khiến nhà đầu tư e ngại. 2 vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi được chọn thí điểm đầu tư hạ tầng tại xã Xuân Hiệp, Xuân Trường (huyện Xuân Lộc) với tổng diện tích 166 hécta hiện cũng chỉ thu hút được 10 trang trại chăn nuôi. Khó khăn là đang thiếu vốn đầu tư đường giao thông vào khu chăn nuôi.

* Cần gỡ về chính sách

Nhiều địa phương đưa lý do thiếu vốn đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng khiến nhiều vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi khó thu hút nhà đầu tư. Tuy nhiên, các nhà đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi đang có nhu cầu vào khu quy hoạch tập trung lại không cho rằng đây là nguyên nhân chính. Ông Phùng Khôi Phục, Phó tổng giám đốc Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai, cho rằng: “Ở đây, Nhà nước chỉ cần đóng vai trò đưa ra quy hoạch phù hợp để DN và người chăn nuôi tự làm. Vì thực tế, nhiều khu thí điểm đầu tư hạ tầng xong không thu hút được nhà đầu tư gây lãng phí. Trong đó, có nguyên nhân do đất trong vùng quy hoạch là của người dân, khi được đầu tư hạ tầng, giá đất bị người dân đẩy lên quá cao khiến nhà đầu tư e ngại”. Mặt khác, nhà đầu tư cũng mong được gỡ những quy định chưa phù hợp về quy định thú y trong cách ly, khi xảy ra dịch bệnh; thủ tục xây dựng... Tỉnh cũng cần quan tâm hơn đến những chính sách ưu đãi cho DN sau đầu tư.

Trang trại chăn nuôi gà công nghiệp tại huyện Long Thành gặp khó khăn vì đầu tư ngoài vùng chăn nuôi tập trung, sẽ phải di dời trong thời gian tới.
Trang trại chăn nuôi gà công nghiệp tại huyện Long Thành gặp khó khăn vì đầu tư ngoài vùng chăn nuôi tập trung, sẽ phải di dời trong thời gian tới.

Ông Phạm Đức Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình, nhận xét: “Nhu cầu đầu tư vào khu chăn nuôi tập trung hiện nay là rất lớn. Khi tôi đưa ra ý tưởng sẽ đầu tư khu quy hoạch chăn nuôi tập trung thì có gần 100 khách đặt hàng”. Theo ông Bình, để quy hoạch chăn nuôi tập trung đáp ứng đúng nhu cầu nhà đầu tư, cần giải quyết 3 vấn đề: về chính sách đất đai, ngoài việc có những vùng quy hoạch với diện tích rộng, cần có giá đất phù hợp cho DN mua hoặc thuê dài hạn; đặc biệt, cần gỡ những vướng mắc về chính sách thú y và tiêu chuẩn khu xử lý nước thải chăn nuôi. “Có sự thông thoáng, hợp lý về chính sách thì nhà đầu tư sẽ mạnh dạn tham gia tự đầu tư chứ không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Song song đó, cần thực hiện nghiêm việc di dời các cơ sở chăn nuôi vào vùng quy hoạch”  - ông Bình nói.

Bình Nguyên

 

 

 

Tin xem nhiều