Dù công việc bận rộn, nhưng ông Phạm Trung Nghĩa, Tham tán thương mại Việt Nam tại các tiểu Vương quốc Ả Rập thồng nhất (UAE) vẫn sắp xếp về Đồng Nai 2 lần để hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh mở rộng xuất khẩu vào thị trường này.
Dù công việc bận rộn, nhưng ông Phạm Trung Nghĩa, Tham tán thương mại Việt Nam tại các tiểu Vương quốc Ả Rập thồng nhất (UAE) vẫn sắp xếp về Đồng Nai 2 lần để hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh mở rộng xuất khẩu vào thị trường này. Ông Nghĩa cho biết, hàng hóa xuất khẩu vào thị trường trên không đòi hỏi khắt khe về chất lượng, song giá phải rẻ mới cạnh tranh được với hàng của Trung Quốc và Ấn Độ.
Giữ vị trí Tham tán thương mại Việt Nam tại UAE chưa lâu, nhưng ông Phạm Trung Nghĩa lại hiểu thị trường UAE khá rõ. Thời gian qua, ông đã làm cầu nối cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Đồng Nai, nhằm đưa được hàng hóa xuất khẩu vào thị trường UAE.
Thị trường giá rẻ
* Hiện nay, UAE là thị trường xuất khẩu dễ tính được nhiều doanh nghiệp Đồng Nai chú ý đến. Để tiếp tục mở rộng xuất khẩu vào thị trường này, doanh nghiệp phải chuẩn bị những gì?
- UAE là thị trường mở, nhập khẩu tất cả những mặt hàng từ giá rẻ đến cao cấp và sau đó tái xuất khẩu sang các nước lân cận. Hàng hóa xuất khẩu vào UAE có lợi thế lớn là thủ tục đơn giản, có thể thực hiện thông quan hàng hóa bằng phương thức điện tử. Đặc biệt, thị trường UAE không đòi hỏi quá khắt khe về chất lượng, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 60 nhóm mặt hàng sang thị trường này. Các loại trái cây xuất khẩu vào thị trường này không đòi hỏi phải chiếu xạ.
Tuy nhiên, vì không có nhiều rào cản kỹ thuật nên hàng giá rẻ của Trung Quốc, Ấn Độ vào thị trường UAE khá nhiều và cạnh tranh gay gắt với hàng Việt Nam. Hàng Trung Quốc và Ấn Độ có lợi thế hơn Việt Nam ở chỗ quãng đường vận chuyển ngắn. Do đó, doanh nghiệp Đồng Nai muốn tăng xuất khẩu vào thị trường UAE, việc đầu tiên phải chú ý đến giá bán phải cạnh tranh. Nếu giá bán cũng tương đương với hàng Ấn Độ và Trung Quốc thì thị trường này sẽ chọn hàng Việt Nam nhiều hơn vì họ tin tưởng và đánh giá chất lượng hàng Việt Nam cao hơn.
* UAE là thị trường tái xuất lớn thứ 3 trên thế giới. Vậy ông có thể cho biết thêm những lợi thế khi doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường trên?
- Trong các tiểu Vương quốc Ả-Rập thống nhất, Dubai được xem là cửa ngõ lớn. Hàng hóa sau khi xuất khẩu đến Dubai sẽ được luân chuyển sang 6 tiểu vương quốc khác trong UAE và qua Trung Đông, Bắc Phi và Trung Á . Thị trường UAE mỗi năm nhập khẩu hàng hóa các loại gần 300 tỷ USD, trong đó có đến 70% tái xuất.
Điều các doanh nghiệp nên chú ý là hàng hóa xuất khẩu vào UAE ngoài việc được tiêu thụ trong 7 tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất là Dubai, Abu Dhabi, Sharjah, Ras Al - Khaimah, Umm Ai - Qaiwain, Ajman và Fujairah còn được trung chuyển đi các nước ở Trung Đông, Bắc Phi và Trung Á. UAE là khu vực người dân có thu nhập cao với GDP bình quân đầu người đạt 65 ngàn USD/năm, nhu cầu mua sắm khá lớn. Hàng Việt Nam hiện đã tạo dựng được chỗ đứng tại thị trường UAE, như: điện thoại, thủy sản, dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, nông sản... và sức cạnh tranh ngày càng được nâng cao so với hàng Trung Quốc, Malaysia. |
UAE có khoảng 10 triệu dân, song mỗi năm có đến 20 triệu lượt khách đến tham quan du lịch nên đây được xem là trung tâm lớn của du lịch thế giới. Nhận biết đây là thị trường tiềm năng nên những năm qua Việt Nam đã tăng cường xúc tiến thương mại để đưa hàng Việt Nam vào thị trường trên. Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường UAE tăng cao. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào UAE khoảng 508 triệu USD thì năm 2015 tăng lên gần 6 tỷ USD, gấp gần 12 lần và dự kiến những năm tới xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường UAE còn tiếp tục tăng cao.
Thị trường tiềm năng lớn
* Có rào cản văn hóa nào mà doanh nghiệp cần chú ý khi xuất khẩu hàng vào thị trường có 96% người dân theo đạo Hồi này không, thưa ông?
- Doanh nghiệp muốn thâm nhập vào thị trường UAE có rất nhiều thuận lợi, vì UAE khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài đến mở văn phòng đại diện và tạo các điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trực tiếp trao đổi hàng hóa thông qua việc mở những hoạt động giao thương. Song vì đây là nước phần lớn người dân theo đạo Hồi, các doanh nghiệp nên lưu ý tránh những điều cấm kỵ để không gây phản cảm cho đối tác. Cụ thể, tránh sử dụng đồ uống có cồn, thịt heo, hỏi về gia đình, nam giới không bắt tay hay tiếp xúc với phụ nữ… Ngoài ra, lương thực thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm xuất khẩu vào thị trường này phải có giấy chứng nhận Halal. UAE yêu cầu các sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào thị trường này phải có giấy chứng nhận không nuôi bằng thức ăn có nguồn gốc protein từ động vật.
* Những mặt hàng nào có lợi thế khi xuất khẩu vào thị trường UAE và tái xuất đi Bắc Phi, Trung Đông và Trung Á?
- Trong 60 mặt hàng Việt Nam đã xuất khẩu vào thị trường UAE, có 18 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 triệu USD. Những nhóm mặt hàng Việt Nam xuất khẩu vào UAE nhiều là: điện thoại các loại và linh kiện, máy tính, sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép, hạt tiêu, thủy sản, sản phẩm gỗ, túi xách... UAE là thị trường xuất siêu lớn của Việt Nam với gần 4 tỷ USD vào năm 2015.
Khi dự tính liên kết với doanh nghiệp UAE, doanh nghiệp nên liên hệ qua Thương vụ Việt Nam để có thêm thông tin đầy đủ về khách hàng nhằm giảm bớt các rủi ro. Doanh nghiệp muốn xuất nhập khẩu với UAE phải có giấy phép và giấy phép này chỉ được cấp cho công dân UAE hoặc các công ty có phần sở hữu của công dân UAE chiếm trên 51%. Hàng hóa nhập khẩu vào UAE phải được phân phối bởi các công dân, doanh nghiệp UAE. Vì vậy, các doanh nghiệp Đồng Nai khi xuất khẩu vào thị trường buộc phải liên kết với doanh nghiệp UAE. Người tiêu dùng UAE ngày càng chú trọng đến chất lượng, dịch vụ sau bán hàng, dịch vụ bảo dưỡng, giá cạnh tranh. Thương nhân UAE coi trọng quan hệ cá nhân, làm việc trao đổi trực tiếp. Ngoài ra, doanh nghiệp Đồng Nai khi có hàng hóa chuẩn bị xuất khẩu vào UAE chú ý sử dụng ngôn ngữ Ả Rập khi đóng gói bao bì sản phẩm và quảng cáo. |
Những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều vào thị trường trên đều là thế mạnh của doanh nghiệp Đồng Nai, do đó việc mở rộng xuất khẩu vào thị trường UAE sẽ thuận lợi hơn. UAE là thị trường mở, tiêu dùng nội địa chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu, thuế nhập khẩu thấp, chỉ từ 0-5% đối với hầu hết các loại hàng hóa. Người dân UAE có thu nhập cao và lượng người nhập cư, du lịch đông nên nhu cầu sản phẩm đa dạng về chủng loại, chất lượng. Đây là thị trường trung chuyển lớn thứ 3 trên thế giới (sau Hong Kong, Singapore), hàng hóa vào thị trường này 70% tái xuất đi Bắc Phi, Trung Đông, Trung Á.
* Đây là lần thứ hai ông về Đồng Nai hỗ trợ và chia sẻ thông tin cho doanh nghiệp về thị trường UAE. Vậy ông có nhận xét và nhắn nhủ gì riêng với doanh nghiệp Đồng Nai?
- Đồng Nai là nơi phát triển công nghiệp khá bài bản, doanh nghiệp của tỉnh tương đối nhanh nhạy và luôn chủ động tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu sang nhiều nước. Tôi nghĩ đây là điều mà ít tỉnh, thành trong cả nước làm được.
Biết UAE là thị trường xuất khẩu tiềm năng, một số doanh nghiệp Đồng Nai đã mở văn phòng đại diện tại Dubai làm đầu mối hỗ trợ các doanh nghiệp khác giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương và xuất khẩu. Tuy nhiên, để mở rộng xuất khẩu vào thị trường UAE, doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa. Trước khi xâm nhập thị trường, nên tìm hiểu kỹ phong tục, tập quán, thị trường để trong quá trình tìm đối tác thương lượng dễ đạt kết quả hơn.
* Xin cảm ơn ông!
Hương Giang (thực hiện)