Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng vệ thương mại: Đã đến lúc cần tính đến

11:12, 14/12/2015

Việt Nam đang hội nhập sâu với thế giới, hàng rào thuế quan đang được gỡ bỏ dần và áp lực cạnh tranh hàng hóa ngày càng tăng. Nhiều mặt hàng sản xuất trong nước đã và đang bị sức ép hàng ngoại nhập khá mạnh. Theo các chuyên gia, đã đến lúc các doanh nghiệp (DN) trong nước nên tính đến phương án phòng vệ thương mại để đảm bảo bình đẳng cho mình.

Việt Nam đang hội nhập sâu với thế giới, hàng rào thuế quan đang được gỡ bỏ dần và áp lực cạnh tranh hàng hóa ngày càng tăng. Nhiều mặt hàng sản xuất trong nước đã và đang bị sức ép hàng ngoại nhập khá mạnh. Theo các chuyên gia, đã đến lúc các doanh nghiệp (DN) trong nước nên tính đến phương án phòng vệ thương mại để đảm bảo bình đẳng cho mình.

Nhìn lại quá trình hội nhập quốc tế, các DN sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại dẫn đến bị áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.

* Đã có tiền lệ

Tại hội thảo với chuyên đề “Chống bán phá giá - công cụ pháp lý hiệu quả của các doanh nghiệp Việt Nam đối với hàng hóa xuất nhập khẩu” vừa được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.Hồ Chí Minh phối hợp cùng Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai tổ chức, đại diện Ban Pháp chế VCCI cho rằng, phòng vệ thương mại ở Việt Nam đã có tiền lệ và thực hiện thành công.

Dệt may là một trong những nhóm mặt hàng được nhiều nước sử dụng phòng vệ thương mại để làm rào cản hàng của nước ngoài tràn vào. Trong ảnh: Công nhân kiểm hàng tại một phân xưởng may của Tổng công ty may Đồng Nai.
Dệt may là một trong những nhóm mặt hàng được nhiều nước sử dụng phòng vệ thương mại để làm rào cản hàng của nước ngoài tràn vào. Trong ảnh: Công nhân kiểm hàng tại một phân xưởng may của Tổng công ty may Đồng Nai.

Cụ thể cách đây hơn 2 năm, lần đầu tiên DN thép Việt Nam sử dụng phòng vệ thương mại để ngăn chặn tình trạng thép ngoại tràn vào thị trường nội địa bán phá giá. Đứng trước một lượng lớn thép không gỉ được nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia bán phá giá gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, tháng 5-2013, hai công ty sản xuất thép trong nước là Công ty TNHH Posco VST (Hàn Quốc) và Công ty cổ phần inox Hòa Bình đã gửi hồ sơ tới Bộ Công thương yêu cầu điều tra bán phá giá đối với thép của các thị trường nhập khẩu này. Sau khi thẩm tra hồ sơ, 2 tháng sau Bộ Công thương đã tiến hành điều tra.

Đến cuối tháng 12-2013, Bộ Công thương đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời trong 120 ngày với sản phẩm thép nhập khẩu từ các thị trường điều tra. Khi điều tra xong, đến tháng 9-2014, Bộ Công thương đã ra quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan, áp dụng nhiều mức thuế chống bán phá giá khác nhau đối với các thị trường này trong 5 năm. Vụ kiện đã kéo dài hơn một năm mới kết thúc và lần đầu tiên cùng một lúc Việt Nam tiến hành áp thuế chống bán phá giá với 3 quốc gia và vùng lãnh thổ.

* Công cụ hữu hiệu

Theo luật sư Nguyễn Thị Huỳnh (Công ty luật ATIM, TP.Hồ Chí Minh, đơn vị tham gia trong đợt kiện chống bán phá giá thép năm 2013) cho rằng, phòng vệ thương mại trong bối cảnh hội nhập hiện nay với 3 biện pháp: chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ là công cụ mang tính rào cản mà Việt Nam có thể áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu khá hữu hiệu. “Đã đến lúc DN Việt Nam cần tìm hiểu kỹ về phòng vệ thương mại và đưa vấn đề này thành một phần chiến lược kinh doanh của DN, hiệp hội ngành hàng. Từ đó, chuẩn bị tốt nguồn lực và tăng cường kết nối giữa các DN cùng ngành. Như vậy sẽ hoàn toàn chủ động khi quyết định khởi xướng một vụ kiện tại thị trường sân nhà” - bà Huỳnh nói.

Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các quốc gia và vùng lãnh thổ bị kiện phòng vệ thương mại, cụ thể là chống bán phá giá nhiều nhất thế giới kể từ năm 1995 đến năm 2014, gồm: Trung Quốc (trên 1 ngàn vụ), Hàn Quốc (gần 350 vụ), Hoa Kỳ ( 266 vụ), Đài Loan (265 vụ), Thái Lan (gần 200 vụ), Ấn Độ (hơn 190 vụ), Nhật Bản (187 vụ), Indonesia (hơn 180 vụ), Nga (136 vụ) và Malaysia (125 vụ). Các nhóm mặt hàng bị kiện nhiều nhất là: kim loại cơ bản, hóa chất, máy móc và thiết bị điện, nhựa, cao su và dệt may.

Thống kê của Hội đồng Tư vấn phòng vệ thương mại - VCCI, số lượng các vụ điều tra đối với hàng hóa Việt Nam ở nước ngoài tính từ năm 2004 đến tháng 10-2015 về chống bán phá giá là 70 vụ, chống trợ cấp: 7 vụ và tự vệ: 17 vụ. Trong khi đó, ở Việt Nam mới có 1 vụ điều tra chống bán phá giá và 3 vụ tự vệ. Rõ ràng các thị trường nước ngoài đã sử dụng khá mạnh phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng hóa DN trong nước sản xuất.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch sáng lập Công ty TNHH luật Việt Á, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, nhận xét các DN Việt Nam chưa hiểu biết sâu về phòng vệ thương mại; ngại va chạm đến kiện tụng, nhất là liên quan đến luật pháp quốc tế và tài chính để theo đuổi vụ kiện. “Mỗi vụ kiện chống bán phá giá kéo dài từ 1-2 năm, có thể phải thuê luật sư nước ngoài, chi phí cho một vụ kiện như vậy không phải là ít, vì vậy các DN cùng ngành hàng phải có sự thống nhất cao mới thực hiện được. Về lâu về dài, DN trong nước vẫn phải sử dụng phòng vệ thương mại để bảo vệ mình khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới” - ông Tuấn chia sẻ. 

 

Vân Nam

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều