Báo Đồng Nai điện tử
En

Nửa thế kỷ giữ nghề làm bánh gai

10:12, 02/12/2015

Bà Trần Thị Nhu ở KP.1 phường Tân Mai (TP.Biên Hòa) - mọi người quen gọi là bà Túc, là một trong những người có thâm niên làm bánh gai. Theo lời bà Túc, nghề này do mẹ chồng bà truyền lại cho khi mới về làm dâu. Thấm thoắt nghề làm bánh gai gắn bó với bà gần nửa thế kỷ.

Bà Trần Thị Nhu ở KP.1 phường Tân Mai (TP.Biên Hòa) - mọi người quen gọi là bà Túc, là một trong những người có thâm niên làm bánh gai. Theo lời bà Túc, nghề này do mẹ chồng bà truyền lại cho khi mới về làm dâu. Thấm thoắt nghề làm bánh gai gắn bó với bà gần nửa thế kỷ.

Bà Trần Thị Nhu, KP.1, phường Tân Mai (TP.Biên Hòa) có gần 50 năm làm bánh gai.  Ảnh: H. Giang
Bà Trần Thị Nhu, KP.1, phường Tân Mai (TP.Biên Hòa) có gần 50 năm làm bánh gai. Ảnh: H. Giang

Nghề bánh gai vốn xuất phát ở miền Bắc, theo chân những người dân di cư vào Nam từ năm 1954. Bánh gai đắt hàng nhất là dịp gần tết và mùa cưới. Hiện nhiều gia đình người miền Bắc sống ở miền Nam vẫn giữ phong tục khi nhà có tiệc vui, lễ tết thì mua bánh gai về cúng ông bà tổ tiên. Vào dịp cao điểm, khách đặt hàng nhiều, có ngày bà Túc làm trên 100 cái bánh gai, còn bình thường mỗi tuần bà làm khoảng 200-300 cái. Bánh gai bà Túc làm có 3 loại, loại nhỏ 50 ngàn đồng/chục (10 cái), loại trung 100 ngàn đồng/chục và loại đại là 200 ngàn đồng/chục.

Bà Túc cho biết: “Làm bánh gai rất vất vả, phải trải qua nhiều công đoạn và mất nhiều thời gian. Nguyên liệu chính để làm bánh là lá gai khô, bột nếp, đậu xanh, đường, mứt dừa và mứt bí. Bánh muốn ngon thì lá gai phải hầm cả ngày thật nhừ, bột nếp chọn loại dẻo thơm để khi nhào bột nếp và bột gai chung mới ra thứ bột quánh. Sau đó trải qua gần 10 công đoạn nữa, chiếc bánh mới hoàn thành”.

Nghề làm bánh gai hầu hết làm thủ công và lợi nhuận không cao nên nhiều người ở Tân Mai, Hố Nai đã bỏ nghề. Chỉ một số người vẫn giữ nghề, trong đó có bà Túc. Bà Túc cho hay: “Tôi đã già, con cháu đều khuyên nên nghỉ ngơi không làm bánh nữa, nhưng bỏ nghề tôi rất nhớ vì nó đã theo tôi gần 50 năm. Vì thế còn sức khỏe tôi còn làm bánh và đang truyền nghề lại cho người con trai thứ 2 để không bị mai một”. Vào những dịp lễ, tết, khách là Việt kiều về nước đến đặt hàng mang ra nước ngoài để ăn và tặng người thân khá nhiều. Có những người ra nước ngoài sống nhiều năm mới về thăm quê, vẫn tìm đến bà Túc hỏi mua bánh gai để mang theo như tìm và giữ lại hương vị quê hương khó quên. Đây là một trong những điều khiến bà Túc dù đã lớn tuổi vẫn cố gắng giữ nghề.

Hương Giang

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích