Gần 10 năm trước, anh Ngô Tú, Giám đốc Công ty TNHH Mai Hoàng Nam (phường An Bình, TP.Biên Hòa) làm việc cho một công ty may mặc xuất khẩu khá tốt, nhưng rồi anh xin nghỉ về nhà mở cơ sở may làm hàng cho chính những doanh nghiệp may xuất khẩu.
Gần 10 năm trước, anh Ngô Tú, Giám đốc Công ty TNHH Mai Hoàng Nam (phường An Bình, TP.Biên Hòa) làm việc cho một công ty may mặc xuất khẩu khá tốt, nhưng rồi anh xin nghỉ về nhà mở cơ sở may làm hàng cho chính những doanh nghiệp may xuất khẩu. Anh Tú cho hay, lúc đó anh nhìn thấy một thị trường ngách may nội địa còn khá tiềm năng, đó là may đồng phục cho công nhân, học sinh, cơ quan nhà nước và đồ bảo hộ…
* Cạnh tranh bằng chất lượng
Gặp chúng tôi trong vội vã, anh Tú phân trần: “Tôi vừa đi ký hợp đồng với một doanh nghiệp là bạn hàng cũ, giám đốc bên đó yêu cầu tôi đến ký trực tiếp. Trước đây, doanh nghiệp này vẫn đặt hàng bên công ty tôi, vừa qua cô tổng vụ bên đó lại đặt hàng ở đơn vị khác có giá thấp hơn, nhưng chất lượng hàng không được tốt nên giám đốc đã mời tôi qua để đàm phán và ký hợp đồng tiếp cho năm tới”.
Anh Ngô Tú, Giám đốc Công ty TNHH Mai Hoàng Nam. |
Anh Tú cho hay, từ ngày hoạt động đến nay anh cung cấp sản phẩm cho gần 20 đơn vị là doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, các tổng công ty trong nước và cả đồng phục cho các cơ quan nhà nước và chưa nơi nào bỏ đặt hàng ở công ty anh. Theo anh Tú, nguyên nhân chính là chất lượng sản phẩm tốt và có mức giá hợp lý, bởi hiện tại nếu sử dụng mức giá rẻ để chào hàng sẽ rất khó thực hiện được.
Anh Tú phân tích, chất liệu vải tốt hay xấu người sử dụng biết ngay, công may mỗi bộ đồng phục ở các các nơi chênh lệch nhau không đáng kể. Vì vậy, muốn giảm giá thấp hơn là rất khó, nơi nào đó chấp nhận giảm giá đồng nghĩa với chấp nhận lỗ nếu không phải dùng loại nguyên liệu giá rẻ để bù vào. Thực hiện phương án đó rất khó trụ vững.
* Hợp lý hóa sản xuất
Do giữ được uy tín trong sản xuất nên công ty anh Tú đến nay đã mở rộng thị trường xuống tới các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Bình quân lượng hàng giao mỗi tháng vào khoảng 5 ngàn bộ, trong đó riêng áo cho đoàn viên ở các tỉnh đặt là 3 ngàn chiếc/tháng. Anh Tú cho biết mặc dù anh sử dụng chất liệu vải tốt, nhưng anh vẫn duy trì được mức giá hợp lý bởi anh tối ưu hóa được từng khâu sản xuất theo hình thức may công nghiệp. “Tôi may cả đồng phục cho cả những công ty may thời trang ở TP.Hồ Chí Minh, nếu chất liệu vải không tốt hay đường kim mũi chỉ không ổn là họ cắt hợp đồng ngay. Muốn vậy phải tổ chức sản xuất thật hợp lý để tăng năng suất lao động của công nhân, lúc đó mới có lãi” - anh Tú nói. Theo quy trình, mỗi mẫu áo, quần khi nhận hợp đồng anh phải tự tay thực hiện mẫu đó để biết đâu là những điểm khó để khắc phục giúp công nhân may xử lý nhanh hơn có hiệu quả cao nhất. Sở dĩ anh có kỹ năng này cũng nhờ thời gian đi làm trong công ty may xuất khẩu. Đây cũng là thế mạnh để anh giúp công nhân nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng sức cạnh tranh. Theo anh Tú, việc quản lý tốt trong sản xuất sẽ giúp cho năng suất lao động tăng khá nhiều.
Vân Nam