Theo tính toán của TP.Biên Hòa, cần phải có 3.600 tỷ đồng để xây dựng, cải tạo hệ thống giao thông, đặc biệt tập trung cho việc cải tạo, nâng cấp các tuyến đường hiện hữu thuộc 4 phường ngoại ô: Long Bình, Long Bình Tân, Tân Phong và Trảng Dài nhằm phục vụ tách lập phường mới.
Theo tính toán của TP.Biên Hòa, cần phải có 3.600 tỷ đồng để xây dựng, cải tạo hệ thống giao thông, đặc biệt tập trung cho việc cải tạo, nâng cấp các tuyến đường hiện hữu thuộc 4 phường ngoại ô: Long Bình, Long Bình Tân, Tân Phong và Trảng Dài nhằm phục vụ tách lập phường mới.
Thi công đường Nguyễn Khuyến tại phường Trảng Dài. |
Kinh phí dành cho xây dựng cơ bản hàng năm của thành phố khá eo hẹp khiến việc phát triển hạ tầng giao thông gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, dân số của thành phố vẫn tăng hàng ngày khiến hạ tầng giao thông càng ngày càng trở nên quá tải.
* Không dễ xã hội hóa giao thông
Đơn cử, phường Long Bình là nơi có dân số gần bằng 1 huyện nhỏ khác (gần 150 ngàn dân), trong đó chủ yếu là dân nhập cư nên áp lực về hạ tầng giao thông là rất lớn. Chủ tịch UBND phường Bùi Đức Nam cho biết, chỉ những tuyến đường lớn khi nâng cấp, mở rộng phải chờ kinh phí của thành phố và tỉnh đầu tư, còn đa số các tuyến đường dân sinh của phường đã được thực hiện xã hội hóa tương đối hoàn chỉnh.
Tại phường Trảng Dài, lãnh đạo phường cũng đang thực hiện phương án vận động nhân dân cùng làm đường giao thông để giải quyết nhu cầu đi lại của dân. Ông Phạm Hùng, Phó chủ tịch UBND phường Trảng Dài, cho hay việc đầu tư đường giao thông tại địa bàn phường hiện nay vẫn còn khó khăn, nhu cầu phát triển các tuyến đường chính còn khá nhiều. Điều này cũng được Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng đồng tình. Theo ông Dũng, trước mắt tại phường Trảng Dài cần phải ưu tiên làm một tuyến đường để giúp giảm ách tắc giao thông. Hiện tại, phường này chỉ có 2 tuyến đường kết nối với bên ngoài là đường Bùi Trọng Nghĩa và đường Nguyễn Phước Chu.
Một công trình khác cũng cần thiết cho cửa ngõ phường này là xây dựng cầu vượt tại ngã tư Tân Phong đang được nghiên cứu. Phường Long Bình thì rất cần những tuyến đường liên phường, đường nối vào Khu công nghiệp Amata, đường song hành với quốc lộ 1 ở khu vực gần Amata. “Nhu cầu xây dựng đường hiện nay của thành phố là rất nhiều, nhưng kinh phí xây dựng cơ bản hàng năm của Biên Hòa chỉ có 200 tỷ đồng, chưa đủ cho nhu cầu xây dựng trường học. Riêng trong năm nay kinh phí xây dựng sửa chữa 5 trường học, đã lên đến hơn 200 tỷ đồng” - ông Dũng nói. Lãnh đạo thành phố cũng đánh giá cao UBND 4 phường dự kiến sẽ tách lập phường mới thời gian qua đã vận động xã hội hóa theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng xây dựng đường giao thông khá tốt, đỡ được khá nhiều ngân sách của nhà nước.
* Cần hàng ngàn tỷ
Tính toán của UBND TP.Biên Hòa cho thấy thành phố cần số tiền lên đến 3.600 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng giao thông, bao gồm vốn đầu tư của thành phố, hỗ trợ của tỉnh và xã hội hóa nhân dân đóng góp.
Thành phố hiện có các dự án lớn về giao thông với số vốn cả ngàn tỷ đồng như tuyến đường ven sông Cái. Đây là tuyến đường quan trọng đang được người dân trông đợi. Thành phố cũng đã kêu gọi đầu tư và một số doanh nghiệp đang khảo sát. Lãnh đạo thành phố cho biết, cố gắng từ nay đến năm 2020 phải đầu tư cho được tuyến đường này, thành phố sẽ cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp để thực hiện. Bước đầu, dự kiến thành phố sẽ đầu tư tuyến đường này bằng cách là khai thác quỹ đất để lấy vốn.
Một dự án khác nữa là mở rộng đường Bùi Văn Hòa, hiện cũng đang được khảo sát. Tuyến đường này cũng “ngốn” một số vốn đáng kể, kinh phí lên cả ngàn tỷ đồng. Ông Phạm Anh Dũng cho hay với dự án này, kinh phí sẽ được tỉnh hỗ trợ. Ngoài ra, Biên Hòa còn phải thực hiện nâng cấp một số tuyến đường đô thị thuộc cấp quản lý của thành phố, như: đường Đặng Văn Trơn, đường Phạm Văn Thuận cũng đang trở nên cấp thiết. Nhu cầu về vốn để triển khai xây dựng hệ thống đường giao thông của thành phố thì nhiều, nhưng ngân sách lại khá eo hẹp khiến TP.Biên Hòa sẽ còn lâm vào tình trạng loay hoay chưa tháo gỡ được, ít nhất là trong năm tới.
Khắc Giới