Báo Đồng Nai điện tử
En

Logistics Việt Nam: Lưu thông hàng hóa còn chậm

11:11, 30/11/2015

Còn đúng một tháng nữa, vào ngày 31-12-2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập và bắt đầu có ảnh hưởng ngay đến thị trường. Trong muôn vàn trăn trở về cạnh tranh hàng hóa của doanh nghiệp (DN), vấn đề phát triển dịch vụ logistics cũng rất được quan tâm.

Còn đúng một tháng nữa, vào ngày 31-12-2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập và bắt đầu có ảnh hưởng ngay đến thị trường. Trong muôn vàn trăn trở về cạnh tranh hàng hóa của doanh nghiệp (DN), vấn đề phát triển dịch vụ logistics cũng rất được quan tâm.

Logistics được xem như “mạch” của lưu thông hàng hóa. Nhưng theo đánh giá của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam, hiện chi phí logistics của DN Việt Nam đang cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.

* Chi phí nội địa cao

Ông Nguyễn Văn Thạch, Phó giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần chế biến gỗ Hoàng Nhật Phát (huyện Long Thành), cho biết hiện nay chi phí cho vận chuyển còn khá cao. Để xuất được một container hàng, DN phải chịu rất nhiều phí làm đội giá sản phẩm. Bên cạnh những chi phí đếm được, như: đóng gói, vận tải từ nhà máy đến cảng, xếp dỡ, phí cầu đường... còn các chi phí “mềm” khác DN phải chi. Theo đánh giá của các chuyên gia, chi phí logistics của DN xuất nhập khẩu trong nước đang chiếm khoảng 21% trong tổng chi phí, cao gấp đôi so với Malaysia. Chính điều này khiến giá hàng hóa của các DN trong nước gặp bất lợi, mất lợi thế cạnh tranh.

Một góc kho hàng của Công ty Sankyu logistics Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) đang hoạt động  tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3.
Một góc kho hàng của Công ty Sankyu logistics Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) đang hoạt động tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3.

Trong hội nghị quốc tế logistic Việt Nam hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 mới đây tại TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam Đỗ Xuân Quang cho rằng tới đây khi AEC chính thức hoạt động, các nước trong khối ASEAN sẽ trở thành một khu vực tự do di chuyển hàng hóa, lao động, dịch vụ, đầu tư. Vì thế, mục tiêu quan trọng của các DN Việt Nam là phải giảm chi phí logistics ít nhất còn 15% vào năm 2020, lúc đó mới có thể cạnh tranh được với các DN trong khu vực.

Theo các DN, trong vận tải hàng hóa của các công ty xuất nhập khẩu gồm 2 phần: vận tải viễn dương và vận tải nội địa. Anh Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng xuất nhập khẩu Công ty chế biến gỗ F.J Wood  (huyện Trảng Bom), cho biết chính phần vận tải nội địa là nguyên nhân khiến phí của Việt Nam cao hơn các nước. Tính toán của các nhà kinh tế, hiện chi phí vận tải của phần nội địa chiếm 58% phí logistics. Vì vậy, hàng hóa của các DN đang gặp bất lợi vì chi phí lưu thông cao. 

* Mua tận gốc, bán tận ngọn

Theo Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, ngoài việc vận chuyển nội địa có chi phí cao thì thói quen của DN xuất nhập khẩu trong nước vẫn thích mua CIF (Cost - Insurance - Freight, giá hàng bao gồm bảo hiểm và vận chuyển), bán FOB (Free On Board, tức giao hàng tại mạn tàu) nên các công ty nước ngoài thường giành được quyền vận tải và các dịch vụ logistics.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, chia sẻ: “Phần lớn hợp đồng của các DN Việt Nam được ký với công ty nước ngoài về giá các hợp đồng nhập khẩu là CIF, còn hợp đồng xuất khẩu là FOB. Đây cũng chính là tạo điều kiện cho DN nước ngoài mua hàng của Việt Nam là mua tận gốc và bán hàng cho DN Việt Nam bán tận ngọn”. Khi mua tận gốc, bán tận ngọn như hiện nay, các DN nước ngoài hưởng trọn các dịch vụ, như: chỉ định tàu chuyên chở và mua bảo hiểm. Đây là món “lời” nhất trong vận tải viễn dương. Nguyên nhân cũng được ông Tuấn chỉ ra là do khả năng về hoạt động logistics của DN Việt Nam còn yếu, khiến các DN sản xuất chọn phương án an toàn.

Theo thống kê của Hiệp hội Các dịch vụ logistics Việt Nam, cả nước hiện có trên 1.300 DN hoạt động trong lĩnh vực này, trong đó có khoảng 25 DN nước ngoài. Thế nhưng DN nước ngoài lại chiếm tới trên 80% thị phần vận tải viễn dương tại Việt Nam.

Vân Nam

 

 

Tin xem nhiều