Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ vọng vụ mía "ngọt"

09:11, 12/11/2015

Thời điểm này, nông dân bắt đầu vào vụ thu hoạch mía niên vụ 2015-2016. Các công ty sản xuất mía đường trên địa bàn tỉnh đều đã công bố chính sách và giá thu mua đến bà con.

Thời điểm này, nông dân bắt đầu vào vụ thu hoạch mía niên vụ 2015-2016. Các công ty sản xuất mía đường trên địa bàn tỉnh đều đã công bố chính sách và giá thu mua đến bà con. Nông dân đang chờ đợi một vụ mía “ngọt” vì vụ thu hoạch được mùa, giá thu mua mía các nhà máy chế biến đưa ra cao hơn so với niên vụ năm ngoái.

Năng suất mía tại dự án cánh đồng mẫu lớn tại xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu) tăng cao khiến nông dân phấn khởi.
Năng suất mía tại dự án cánh đồng mẫu lớn tại xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu) tăng cao khiến nông dân phấn khởi.

Để tăng sức cạnh tranh cho cây mía với mục tiêu mở rộng và phát triển bền vững vùng nguyên liệu, doanh nghiệp sản xuất mía đường ở Đồng Nai tiếp tục triển khai nhiều chương trình đầu tư, hỗ trợ nông dân giữ và phát triển cây mía.

* Năng suất cao, giá tốt

Theo công bố giá của Công ty cổ phần đường Biên Hòa (TP.Biên Hòa), Công ty cổ phần mía đường La Ngà (huyện Định Quán), giá thu mua mía tại ruộng loại 10 chữ đường từ 940-950 ngàn đồng/tấn. Nếu tính thêm các khoản trợ giá khác, giá mía tại bàn cân của các nhà máy chế biến đạt gần 1,1 triệu đồng/tấn, cao hơn niên vụ năm ngoái 100 ngàn đồng/tấn. Nhiều vùng trồng mía hứa hẹn năng suất cao hơn niên vụ trước khiến nông dân càng phấn khởi.

Nông dân tham gia mô hình cánh đồng lớn cây mía tại huyện Vĩnh Cửu càng phấn khởi vì được hưởng nhiều chính sách đầu tư khiến năng suất mía tăng cao so với niên vụ trước. Ông Phạm Văn Dân, nông dân tham gia mô hình cánh đồng lớn tại xã Trị An, vui vẻ cho biết: “Nông dân rất ủng hộ chương trình cánh đồng lớn vì được đầu tư về thủy lợi, chuẩn hóa quy trình sản xuất đồng nhất trên diện tích lớn khiến năng suất bình quân của vùng trồng lúa này tăng lên rõ rệt, trong đó có nông dân trồng mía đạt năng suất đến 120-130 tấn/hécta.

Trần Quế Trang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đường Biên Hòa, cho biết để chuẩn bị cho niên vụ sản xuất 2015-2016, nhà máy đường Biên Hòa - Trị An đã đầu tư gần 52 tỷ đồng để phát triển vùng nguyên liệu. Theo kế hoạch, vụ 2015-2016, nhà máy sẽ ép 230 ngàn tấn mía cây, sản xuất khoảng 21 ngàn tấn đường. Doanh nghiệp đã chủ động chuẩn bị để kiểm soát tốt, đảm bảo đúng quy định khâu thu mua cho nông dân.

Dự án này do Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An (thuộc Công ty cổ phần đường Biên Hòa) triển khai dự án thí điểm cánh đồng lớn với diện tích gần 53 hécta. Tham gia dự án, nông dân được nhà máy hỗ trợ về giống, phân bón, công chăm sóc, tư vấn kỹ thuật...Theo ông Lê Văn Phẩm, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ kinh doanh tổng hợp nông nghiệp Trị An: “Vụ thu hoạch năm nay năng suất mía bình quân tại cánh đồng lớn dự kiến đạt trên 90 tấn/hécta, tăng 40-50 tấn/hécta nên các thành viên ai cũng phấn khởi. Chính sách đầu tư của nhà máy rất tốt, dự án cũng được chính quyền địa phương quan tâm nên nông dân rất yên tâm và mong chương trình tiếp tục được triển khai trong niên vụ tới”.

* Phát triển vùng nguyên liệu bền vững

Theo các công ty sản xuất mía đường, nhiều năm liền ngành sản xuất mía đường liên tục gặp khó khăn vì áp lực cạnh tranh với đường ngoại. Nếu ngành sản xuất không cải tiến từ khâu trồng mía đến chế biến thì không thể tồn tại được trong hội nhập. Tăng năng lực cạnh tranh cho ngành không chỉ là trách nhiệm riêng từ phía doanh nghiệp mà cũng rất cần sự thay đổi nhận thức sâu sắc từ phía nông dân, cùng doanh nghiệp giữ và phát triển ngành mía đường trong nước.

Trong đó, giữ và phát triển vùng nguyên liệu bền vững để tồn tại và cạnh tranh trong hội nhập đang được các doanh nghiệp trong ngành chế biến mía đường đặt lên hàng đầu. Bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đường Biên Hòa, khẳng định: “Chúng tôi luôn xác định giữ và phát triển bền vững vùng nguyên liệu là yếu tố sống còn của doanh nghiệp nên luôn quan tâm, đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ để nông dân đạt hiệu quả, lợi nhuận cao nhất từ cây mía”. Theo đó, chương trình trọng tâm của doanh nghiệp này trong thời gian tới là: hỗ trợ nông dân đầu tư hệ thống tưới mía, thiết bị tưới mía để đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng không bị ảnh hưởng bởi tình trạng thời tiết khô hạn thất thường, nhân rộng mô hình cánh đồng lớn cho cây mía, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ nông dân, xây dựng mối quan hệ gắn kết ngày càng chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân...

Bình Nguyên

 

 

 

Tin xem nhiều